Với ông Chí, đi xe taxi "có sao đâu", nhưng với nhiều người có chức vụ tương đương ông, bỏ chiếc xe công không dễ.
Nếu như tất cả các thứ trưởng và cán bộ được sử dụng xe công đều bỏ xe công đi taxi như ông Chí, nhà nước tiết kiệm được số tiền không nhỏ.
Hy vọng, sẽ còn nhiều lãnh đạo vui vẻ nhận khoán tiền đi lại để giảm gánh nặng ngân sách. Vì nước vì dân nói đâu cho xa, cứ làm những việc bình thường như ông Chí.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Chí còn kể: "Thấy tôi đi làm về bước xuống taxi, cũng có người hỏi tôi đi bằng taxi thật à?".
Chuyện nhỏ thôi nhưng rất có ý nghĩa, người dân không tin một quan chức cấp thứ trưởng chấp nhận đi taxi, nên dân ngạc nhiên, dân hỏi.
Người dân không đánh giá quan chức qua mũ cao áo dài, xe hơi loại sang, mà những việc họ làm được. Đặc biệt, đối với những quan chức vừa làm được việc, vừa có lối sống giản dị, người dân càng tôn trọng.
Sự nghiệp quan chức của ông Chí hãy còn chờ thời gian nghiệm thu, nhưng trong mắt người dân, ông Chí là quan chức giản dị, ít nhất là bỏ được chiếc xe công.
Còn nhiều sự giản dị khác quan chức có thể làm, vừa tiết kiệm ngân sách, vừa được lòng dân chúng. Ví như hạn chế tối đa hội họp, tiệc tùng đình đám, thay vào đó bằng họp trực tuyến.
Một cuộc họp tập trung tiêu phí tiền bạc cho đi lại, ăn ở, công tác phí. Mỗi năm cả nước có hàng ngàn cuộc họp như vậy, tiền dân cả đấy. Không họp tập trung thì họp trực tuyến, có sao đâu!
Ví như, Thủ tướng đã chỉ đạo việc sử dụng phương tiện tham gia đoàn công tác của lãnh đạo Chính phủ đi các địa phương, tối đa không quá 3 ôtô, vậy thì quan chức các tỉnh hãy lấy đó làm gương, đi cơ sở không thể huy động đoàn xe tháp tùng nhiều hơn cả Thủ tướng.
Mọi người đi chung xe, có sao đâu! Ví như những trụ sở to lớn, hãy đừng thi nhau xây khắp nơi, để dành tiền xây trường học, bệnh viện. Không ở nhà to thì ở nhà nhỏ, có sao đâu!
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, bội chi ngân sách 9 tháng đã vượt 152.200 tỉ đồng, bằng 59,9% so với so với dự toán năm.
Hãy thấy đó mà tiết kiệm từng cắc bạc.