Cơ quan Vũ trụ châu Âu phát hiện lớp "áo giáp" thứ hai của Trái Đất!

Hoa Hướng Dương |

Phát hiện mới gần đây được công bố tại Hội nghị Liên hiệp Khoa học Trái Đất Châu Âu diễn ra ở Úc đã khiến nhiều nhà khoa học bất ngờ.

Mới đây, Cơ quan Vũ trụ châu Âu đã phát hiện một sự thật đầy bất ngờ: Trái Đất của chúng ta không chỉ có một lớp "áo giáp" từ trường như chúng ta đã biết trước đây, mà thật sự là tới hai lớp từ trường bao bọc bên ngoài.

Chúng ta không chỉ có một lớp "áo giáp" từ trường bảo vệ

Từ quyển là lớp từ trường bảo vệ bao bọc Trái Đất khỏi các tác nhân gây hại từ bên ngoài vũ trụ như các cơn bão Mặt Trời, có thể nói nếu không có từ trường thì sự sống sẽ không thể tồn tại được trên Trái Đất.

Cơ quan Vũ trụ châu Âu phát hiện lớp áo giáp thứ hai của Trái Đất! - Ảnh 1.

Lớp từ trường chính của Trái Đất. Ảnh: Science News

Từ xa xưa, con người đã biết dùng la bàn để định hướng khi đi biển hay ở trên sa mạc, rừng... nhờ vào từ trường Trái Đất. Chính nhờ đó, nhà vật lý người Anh W. Gilbert đã đưa ra giả thuyết Trái Đất là một nam châm khổng lồ vào năm 1600.

Về nguồn gốc, đến nay các nhà khoa học vẫn chưa thể lý giải một cách thấu đáo về sự hình thành của lớp từ trường này, thuyết geodynamo được đưa ra năm 1940 là học thuyết được nhiều nhà khoa học đồng ý để lý giải nguồn gốc từ trường.

Bên cạnh bí ẩn về nguồn gốc, nhiều bí ẩn khác về từ trường như sự đảo cực, sự dị thường từ trường ở vỏ Trái Đất, sự biến thiên từ trường... còn chưa được sáng tỏ thì mới đây ESA lại công bố một phát hiện đầy bất ngờ: Chúng ta còn có một lớp từ trường thứ hai nữa!

Xem video:

ESA phát hiện lớp "áo giáp" từ trường thứ hai của Trái Đất. Nguồn: ESA

Các nhà khoa học biết gì về lớp "áo giáp" mới này?

Nếu như lớp từ trường chính thứ nhất đã biết đến trước đó được hình thành từ lõi ngoài chiếm 98% do các dòng đối lưu trong chất lỏng kim loại của lõi Trái Đất ở độ sâu trên 3000 km (thuyết geodynamo) thì từ trường thứ hai có nguồn gốc hoàn toàn khác.

Từ trường thứ hai được hình thành do thủy triều (Ocean Magnetism: Từ tính đại dương), đất đá bị từ hóa và rất yếu mà phải tới tận ngày nay chúng ta mới phát hiện ra sự tồn tại của nó (nhờ ba vệ tinh Swarm của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) phóng đi năm 2013).

Chú thích: Vệ tinh Swarm đo sự biến thiên của từ trường Trái Đất kể từ năm 2013 ở độ cao 300 đến 530 km tính từ mặt đất.

Cơ quan Vũ trụ châu Âu phát hiện lớp áo giáp thứ hai của Trái Đất! - Ảnh 3.

Từ trường mới rất yếu. Ảnh: ESA

Cụ thể hơn, lớp từ trường này được tạo thành từ kết quả của lực hấp dẫn mà Mặt Trăng tác động lên đại dương (gây ra thủy triều) và tạo thành dòng di chuyển của các phân tử muối, điều này tạo nên dòng điện tích yếu sản sinh ra lớp từ trường mới.

Từ trường mới này yếu hơn khoảng 20.000 lần so với lớp từ trướng chính!

Nhà vật lý Nils Olsen của ESA nói với BBC: "Nó thật sự là một từ trường rất nhỏ, chỉ khoảng 2 đến 2,5 nanotesla đo được tại độ cao vệ tinh, yếu hơn 20.000 lần so với từ trường chính của Trái Đất".

Cơ quan Vũ trụ châu Âu phát hiện lớp áo giáp thứ hai của Trái Đất! - Ảnh 4.

Vệ tinh Swarm đo sự biến thiên của từ trường Trái Đất kể từ năm 2013. Ảnh: ESA

Hiểu được sự chuyển động của nước biển thông qua việc đo cường độ lớp từ trường thứ hai này sẽ giúp các nhà khoa học nghiên cứu về biến đổi khí hậu sâu sắc hơn, về cách thức mà nhiệt bị đại dương hấp thụ và ảnh hưởng tới hiệu ứng nhà kính.

Đồng thời, hiểu được tốc độ ấm lên toàn cầu đang diễn ra hiện nay. Bên cạnh đó, việc nghiên cứu còn giúp hiểu rõ về quá trình kiến tạo và lịch sử hình thành Trái Đất, sự phun trào núi lửa.

Nghiên cứu được công bố tại Hội nghị Liên hiệp Khoa học Trái Đất Châu Âu (European Geosciences Union) năm 2018 tại thành phố Vienna, Úc.

Bài viết được dịch từ các nguồn: Newsweek, Sciencealert, Ibtimes

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại