Liên quan đến việc Công ty TNHH Yến Sào Hubnest xuất 6 hóa đơn hơn 34.000 tỷ đồng trong 7 ngày, lãnh đạo Cục Thuế TPHCM cho biết, 6 hóa đơn ghi chuyển nhượng 339.955 hợp đồng chứng khoán phái sinh từ tháng 10/2022 đến tháng 3, theo hình thức không phải chịu thuế giá trị gia tăng. Tên người mua hàng thể hiện trên 6 hóa đơn ghi là khách hàng không lấy hóa đơn và không ghi mã số thuế người mua.
Qua rà soát, doanh thu trên là bất thường nên Cục Thuế TPHCM đã cho tiến hành xác minh. Thông tin từ Công ty CP Chứng khoán TPHCM (mã chứng khoán: HCM) cho thấy, ngày 18/10/2022, Yến Sào Hubnest đã mở tài khoản giao dịch chứng khoán tại HCM. Tài khoản này được đóng vào ngày 16/6/2023.
Cục Thuế TPHCM nhận thấy, việc Yến Sào Hubnest lập 6 hóa đơn điện tử nêu trên là phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ.
Do đặc điểm của hoạt động mua bán chứng khoán phái sinh thông qua sàn giao dịch chứng khoán nhưng bên mua và bên bán không có thông tin với nhau, nên khi lập 6 hóa đơn điện tử này, Công ty TNHH Yến Sào Hubnest đã ghi trên hóa đơn là là khách hàng không lấy hóa đơn và không ghi mã số thuế người mua.
Công ty đã lập và nộp tờ khai thuế giá trị gia tăng của kỳ tính thuế quý I/2023, nên đã khai doanh thu chuyển nhượng chứng khoán phái sinh thuộc doanh thu hàng hóa, dịch vụ bán ra không chịu thuế giá trị gia tăng là phù hợp quy định tại khoản 8 Điều 5 Luật thuế Giá trị gia tăng số 13/2008/QH12 ngày 3/6/2008 được sửa đổi, bổ sung.
Trụ sở Công ty TNHH yến sào Hubnest. Ảnh: FILI.
Lãnh đạo Cục Thuế TPHCM cho biết thêm, dù Yến Sào Hubnest không vi phạm trong vụ xuất 6 hóa đơn, nhưng do việc kê khai chuyển chứng khoán phái sinh có trị giá rất lớn nên Cục Thuế TPHCM đã yêu cầu Chi cục Thuế quận Bình Thạnh đưa doanh nghiệp vào diện giám sát chặt chẽ, thường xuyên.
Cục Thuế sẽ có văn bản chỉ đạo các chi cục thuế, các phòng chuyên môn trực thuộc rà soát và đưa vào diện giám sát chặt chẽ, thường xuyên đối với trường hợp người nộp thuế xuất hóa đơn điện tử có hình thức và giá trị lớn tương tự.
Cục Thuế TPHCM cũng báo cáo cơ quan cấp trên kiến nghị sửa đổi, bổ sung Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 theo hướng, quy định khi chuyển nhượng chứng khoán phái sinh thông qua sàn giao dịch của các công ty chứng khoán không phải lập hóa đơn điện tử.
Sửa đổi, bổ sung Thông tư 80/2021/TT-BTC ngày 29/9/2021 theo hướng không kê khai doanh thu chuyển nhượng chứng khoán phái sinh thông qua sàn giao dịch của các công ty chứng khoán vào chỉ tiêu hàng hóa, dịch vụ bán ra không chịu thuế giá trị gia tăng.
Trước đó, tại hội nghị sơ kết công tác thuế 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm tại TPHCM do Cục thuế TPHCM tổ chức, ông Đặng Khắc Phúc - Chi cục trưởng Chi cục Thuế quận Bình Thạnh - cho biết, lợi dụng quy định thông thoáng từ hóa đơn giấy sang hóa đơn điện tử , một doanh nghiệp yến sào liên tục xuất nhiều hóa đơn có tổng trị giá 34.000 tỷ đồng chỉ trong 7 ngày.
Khi kiểm tra, ngành thuế phát hiện chỉ có 40 triệu đồng hóa đơn kinh doanh yến, còn lại là hóa đơn xuất vào thị trường chứng khoán. Chi cục thuế Bình Thạnh đã báo cáo Cục Thuế TPHCM và Tổng cục Thuế để kiểm tra, xử lý việc sử dụng hóa đơn của công ty này.
Doanh nghiệp xuất số hóa đơn này được xác định là Công ty TNHH Yến Sào Hubnest. Yến Sào Hubnest thành lập tháng 10/2022, có vốn điều lệ 2,5 tỷ đồng. Người đại diện theo pháp luật là bà Phạm Thị Hương, năm nay 31 tuổi, thường trú tại quận 10, TPHCM.
Theo đó, số liệu kê khai thuế giá trị gia tăng quý I của Yến sào Hubnest ghi nhận, doanh nghiệp này đã xuất 6 hóa đơn điện tử và kê khai doanh thu phát sinh là 34.567 tỷ đồng, không phát sinh thuế VAT phải nộp.
Hóa đơn đầu ra công ty này ghi nội dung là Hợp đồng tương lai chỉ số VN30F2210 tháng 10/2022, VN30F2211 tháng 11/2022, VN30F2212 tháng 12/2022, VN30F2301 tháng 1/2023, VN30F2302 tháng 2/2023, VN30F2303 tháng 3/2023. Ở mục tên người mua là khách hàng không lấy hóa đơn.
Chi cục Thuế quận Bình Thạnh đã mời doanh nghiệp lên giải trình tình hình hoạt động. Theo đó, Công ty Yến sào Hubnest kinh doanh yến sào nhưng có phát sinh hoạt động kinh doanh chứng khoán phái sinh mã VN30. Công ty này thực hiện giao dịch thông qua Công ty CP Chứng khoán TPHCM bằng phương thức khớp lệnh.
Tận dụng đặc trưng của hoạt động chứng khoán phái sinh là tỷ lệ đòn bẩy rất lớn, gấp 4 lần vốn nên chỉ với 250 triệu đồng tiền ký quỹ để giao dịch một hợp đồng tương lai 1 tỷ đồng và lặp lại giao dịch mua bán nhiều lần trong ngày. Do đó, Công ty Yến sào Hubnest đã giao dịch khoảng 30.634 hợp đồng, chiếm khoảng 0,7% giao dịch toàn thị trường nhưng vốn thực tế giao dịch chỉ là 4,38 tỷ đồng.
Tuy nhiên, nếu dùng đòn bẩy tài chính với tỷ lệ 1:4 như cách Công ty Yến sào Hubnest đã làm thì với số vốn chỉ 4,38 tỷ đồng khó có thể nâng doanh thu lên 34.000 tỷ đồng trong 7 ngày. Cụ thể, Yến Sào Hubnest đã giao dịch 30.634 hợp đồng chứng khoán phái sinh tại Công ty CP Chứng khoán TPHCM trong 7 ngày thì một ngày phải giao dịch 4.376 hợp đồng.
Nếu một hợp đồng phái sinh mất 1 phút để giao dịch thì 4.376 hợp đồng cần 72 tiếng, trong khi một ngày chỉ có 24 tiếng. Chưa kể, dù Yến Sào Hubnest thực hiện nhiều hợp đồng phái sinh cùng lúc thì số vốn chỉ 4,38 tỷ đồng khó có thể đảm bảo tỷ lệ ký quỹ.