Sĩ quan đặc nhiệm Cuba, Raul Riso, đã nghiền ngẫm ứng dụng môn võ Karate truyền thống vào chiến đấu trong thực tế. Cho tới nay, ông vẫn là nhân vật có ảnh hưởng lớn nhất đối với phong cách võ thuật của các đơn vị đặc nhiệm Liên Xô trước đây và Liên bang Nga ngày nay.
Chân dung võ sư Cuba Raul Riso. Ảnh: Sputnik.
Thời đó Liên Xô sẽ chủ yếu trao đổi với các nước XHCN anh em. Trong một chuyến thăm chính thức cấp nhà nước của Liên Xô tới Cuba vào năm 1978, người Xô viết được biết tới một nhân vật tên là Domingo Rodríguez Oquendo, hay còn gọi là Raul Riso.
Và môn võ “karate tác chiến” của ông này đã trở thành nền tảng cho huấn luyện thể chất tại Ủy ban An ninh Quốc gia Liên Xô, tức cơ quan an ninh-tình báo KGB, kể từ đó.
Ở Nga đã có một môn võ tổng hợp thuộc vào hàng chết người, do chính người Nga phát triển, đó là môn sambo (viết tắt của cụm từ tiếng Nga “samozaschita bez oruzhiya”, có nghĩa là tự vệ tay không).
Tuy nhiên môn võ sambo phát triển cao hiện nay đã khác rất xa so với chính nó sau Thế chiến 2. Mọi thứ bắt đầu khi người Liên Xô nhận thấy họ có thể tích hợp “karate ứng dụng” theo hướng không chỉ dừng lại ở mỗi đấm và đá.
Ứng dụng karate cho thực chiến
Hồi ở Cuba, Phó Chủ tịch KGB Vladimir Pirozhkov đã được Chủ tịch Cuba khi đó, ông Fidel Castro, mời tới xem một buổi huấn luyện của các sĩ quan an ninh Cuba, trong đó có các vệ sĩ của Fidel. Nền tảng cho việc huấn luyện của đặc nhiệm Cuba khi ấy là môn “karate tác chiến” – đứa con tinh thần của Raul Riso.
Riso là võ sinh của trường phái võ Jyoshinmon Shorin-Ryu truyền thống ở Okinawa (Nhật Bản). Ông học môn này ở Nhật vào thập niên 1960 và đưa nó về Cuba khi ông đã trở thành bậc thầy môn này.
Tuy nhiên, đối với Riso, môn karate kinh điển chỉ là một môn thể thao trên thảm chứ không phải là môn võ chiến đấu trong thực tế. Dựa trên võ Jyoshinmon Shorin-Ryu, ông đã phát triển một kiểu võ riêng cho các đơn vị đặc vụ, quân đội và thực thi pháp luật.
Riso chủ yếu chỉ giữ lại các động tác sát thủ nhất của karate với tác dụng cụ thể là vô hiệu hóa đối thủ. Môn võ do Riso tinh luyện tập trung vào tấn công các điểm yếu và áp dụng nhiều thủ thuật đa dạng trong tác chiến.
Các sĩ quan Cuba tham gia chiến đấu ở nhiều điểm nóng trên thế giới và đã chứng minh được tính hiệu quả của karate tác chiến. Thời đó ở Cuba phổ biến một phương châm như sau: “Karate là một vũ khí của cách mạng”.
Yuri Maryashin, một học trò của Riso ở Nga nhớ lại: “Raul Riso là võ sư duy nhất có thể cải biến các động tác đẹp mắt của karate Nhật Bản thành một hệ thống võ thực chiến. Những thứ đó đã được ông kiểm nghiệm ở Angola, Mozambique, và Nicaragua”.
Thiếu tướng KGB Valery Velichko nhận xét: “Các chuyên gia lưu ý rằng hệ thống karate tác chiến do Raul Riso phát triển và được lực lượng đặc nhiệm Cuba sử dụng, đã vượt qua tất cả các môn võ tương tự của phương Tây và thậm chí cả các môn võ phương Đông xét về phương diện thực tế”.
Dạy võ cho KGB
Khi ấy quan điểm chính thức của Liên Xô về võ karate Nhật là điều gây tranh cãi. Giới chức Liên Xô thậm chí đã vài lần cố gắng cấm môn võ này do họ coi đó là môn thể thao tư bản chủ nghĩa.
Thế nhưng Phó Chủ tịch KGB Pirozhkov đã ấn tượng mạnh về môn võ của Riso. Khi trở về nước, Pirozhkov đã báo cáo về môn võ này lên Chủ tịch KGB Yuri Andropov. Sau đó, KGB đã mời Riso tới huấn luyện cho các nhân viên của mình – những người này trước đây sử dụng võ sambo do Liên Xô tự phát triển.
Riso (áo đen) tới Moscow vào tháng 11/1978. Ảnh: Valery Velichko. |
Vị võ sư Cuba tới Moscow vào tháng 11/1978 cùng với trợ lý kiêm học trò Ramiro Chirino. Trong 3 tháng tiếp theo, họ tổ chức 12 buổi huấn luyện kéo dài 12 tiếng mỗi ngày dành cho các sĩ quan và giảng viên của KGB.
Tháng 2/1979, 50 sĩ quan Liên Xô vượt qua cuộc sát hạch và chính thức được trao vị thế hướng dẫn viên karate tác chiến.
Chỉ có vài người nhận được chứng chỉ hướng dẫn viên môn võ Jyoshinmon Shorin-Ryu, đó là Yuri Maryashin (đai nâu) và Valery Samoilov (đai xanh). Về sau Maryashin tự phát triển phiên bản võ karate ứng dụng của riêng mình, môn này được sử dụng trong huấn luyện thể lực của KGB.
Vài năm sau đó, vào năm 1982, các đặc vụ của KGB sang Cuba để được huấn luyện về karate tác chiến. Đến năm 1989, các chuyên gia Cuba một lần nữa được mời sang Moscow để kiểm tra kỹ năng của các vệ sĩ của Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev.
Kể từ đó karate tác chiến đã được các cơ quan an ninh Liên Xô (sau này là Nga) sử dụng. Liên Xô/Nga là nước duy nhất sau Cuba lựa chọn áp dụng môn võ này. Vào tháng 2/1990, Liên Xô có Liên đoàn Jyoshinmon của riêng mình, do Maryashin đứng đầu.
Năm 2004, truyền thông dẫn lời ông Raul Riso nói rằng “khi nói tới việc vận dụng karate tác chiến, không có nước nào giỏi hơn Nga”. Riso qua đời vào năm 2011 nhưng hình ảnh về một người thầy khôn ngoan và khiêm tốn như ông vẫn in đậm trong tâm trí các sĩ quan an ninh Nga.