Cơ quan giữ sinh mệnh của con người: Nhiều người Việt 'dùng như phá', lúc hỏng mới hối hận

Ngọc Minh |

Theo chuyên gia, thói quen dùng thuốc theo kiểu mách nhau, không có đơn thuốc, không biết thành phần thuốc... rất có hại cho tuyến thượng thận.

Tuyến thượng thận, ảnh minh hoạ.

Tuyến thượng thận, ảnh minh hoạ.

Dùng thuốc vô tội vạ, mắc bệnh suy thượng thận không hay biết

Người Việt thường có thói quen dùng thuốc theo lời mách, tin vào những lời truyền tai rằng "thuốc này tốt lắm, nhanh hết bệnh". Thói quen dùng thuốc này đã khiến cho không ít người chịu hậu quả gánh nặng bệnh tật suốt đời.

Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Như Quỳnh, Nguyên bác sĩ Bệnh viện Nội tiết Trung Ương - Trưởng khoa khám bệnh bệnh viện Đông Đô, cho biết đã gặp không ít các trường hợp dùng thuốc theo lời mách, thuốc không có đơn... đã phải nhập viện điều trị do suy tuyến thượng thận cấp.

"Tuyến thượng thận là một tuyến nội tiết của cơ thể, tuy rất nhỏ và nằm trên hai quả thận, nhưng nắm sinh mệnh của cơ thể. Tuyến thượng thận tiết ra các hóc môn sinh mệnh của cơ thể: hóc môn điều hòa huyết áp, hóc môn chuyển hóa đường, hóc môn điều hòa chuyển hóa muối và chất khoáng.

Suy tuyến thượng thận cấp tính hoặc mãn tính sẽ gây ra hàng loạt các vấn đề rối loạn chuyển hóa trong cơ thể, ví dụ như kali máu hạ, thừa hoặc thiếu natri, huyết áp tụt, đái tháo đường…", bác sĩ Quỳnh phân tích.

Cơ quan giữ sinh mệnh của con người: Nhiều người Việt dùng như phá, lúc hỏng mới hối hận - Ảnh 1.

Bác sĩ Quỳnh đang khám cho bệnh nhân bị suy tuyến thượng thận.

Suy tuyến thượng thận có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó, suy tuyến thượng thận do dùng thuốc corticoid xuất hiện rất nhiều trong những năm qua.

Một bệnh nhân 9 tuổi đến khám vì có biểu hiện mặt tròn đỏ, có ria mép, chân tay nhiều lông...  Mẹ nghi con bị dậy thì sớm nên đưa đến khám.

Khi điều tra bệnh sử, bác sĩ Quỳnh biết được bệnh nhân có tiền sử viêm phế quản, viêm mũi từ nhỏ và thường được gia đình dùng một loại thuốc không nhớ rõ tên. Khi dùng thuốc này, bệnh nhi rất khỏi bệnh rất nhanh chóng.

Kết quả khám cho thấy bệnh nhân không bị dậy thì sớm mà suy tuyến thượng thận do hậu quả dùng thuốc corticoid kéo dài. Bệnh nhân bị suy tuyến thượng thận mãn tính không có khả năng hồi phục.

"Suy tuyến thượng thận ở trẻ em thường do dùng các loại thuốc điều trị viêm mũi, phế quản có thành phần corticoid kéo dài. Với bệnh nhân 9 tuổi này tuy còn rất bé nhưng đã phải dùng hóc môn thay thế do tuyến thượng thận suy không phục hồi", bác sĩ Quỳnh tiếc nuối chia sẻ.

Cơ quan giữ sinh mệnh của con người: Nhiều người Việt dùng như phá, lúc hỏng mới hối hận - Ảnh 2.

Bệnh nhân lạm dụng dùng corticoid, ảnh BSCC.

Theo bác sĩ Quỳnh, suy tuyến thượng thận ở người lớn thường gặp ở các bệnh nhân sử dụng thuốc khớp, thuốc nam hoàn viên không rõ nguồn gốc… 

Trường hợp bệnh nhân T.L (59 tuổi, tại Thanh Hoá) bị bệnh xương khớp đã được người thân mách đi tiêm thuốc hết đau lưng. Theo bệnh nhân, sau tiêm thuốc, các triệu chứng đau giảm nhanh chóng. Sau đó, bệnh nhân đã dùng thuốc trong nhiều năm, tới khi nhập viện khám thì bệnh nhân đã bị suy tuyến thượng thận.

Không chỉ có trẻ em, người già mà suy tuyến thường thận gặp khá nhiều ở người trẻ. Bác sĩ Quỳnh đã gặp rất nhiều trường hợp người trẻ dùng kem trộn làm trắng da toàn thân kéo dài dẫn tới suy thượng thận.

Bác sĩ Quỳnh cho biết: "Corticoid có mặt rất nhiều trong thành phần thuốc và thường được gọi với cái tên thuốc chống viêm. Việc dùng thuốc có thành phần corticoid sẽ rất nhanh khỏi bệnh nhưng lâu dài sẽ "bức tử" tuyến thượng thận. 

Đối với những bệnh nhân mắc các bệnh tự miễn như lupus ban đỏ, hen phế quản mãn tính hoặc các bệnh tự miễn rất cần dùng corticoid. Corticoid dùng đúng chỉ định vấn có tác dụng tốt. Tuy nhiên, corticoid nếu điều trị không đúng sẽ rất nguy hiểm, như con dao hai lưỡi".

Cơ quan giữ sinh mệnh của con người: Nhiều người Việt dùng như phá, lúc hỏng mới hối hận - Ảnh 3.

Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Như Quỳnh.

Khoa Nội tiết và Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai, hiện đang điều trị cho rất nhiều bệnh nhân suy tuyến thượng thận mà nguyên nhân chính được xác định là do lạm dụng các thuốc chứa corticoid. Theo ước tính, tỉ lệ này lên đến 1/3 số ca nhập viện điều trị và có xu hướng ngày càng gia tăng.

Theo các bác sĩ, corticoid là thuốc dạng tổng hợp của hormone vỏ thượng thận, có tác dụng giảm đau, chống viêm, chống dị ứng, ức chế miễn dịch, được áp dụng điều trị trong rất nhiều bệnh lý khác nhau như khớp, dị ứng, bệnh lý đường hô hấp, da liễu… Thuốc được sử dụng ở nhiều dạng khác nhau như tiêm truyền, dạng viên uống, dạng hít xịt, dạng bôi…

Trên thực tế, có nhiều trường hợp bệnh nhân khi gặp các vấn đề về sức khỏe đã tự mua thuốc về dùng, thấy hiệu quả tức thì nên dùng thường xuyên, đến khi có nhiều tác dụng không mong muốn mới đến gặp bác sĩ.

Bên cạnh đó, với tâm lý lo ngại sử dụng thuốc tây y kéo dài ảnh hưởng đến sức khỏe, đã có nhiều người bệnh bỏ điều trị và tìm đến các loại thuốc đông y, thuốc nam không rõ nguồn gốc vì cho rằng chúng "lành hơn" thuốc tây.

Bảo vệ cơ quan sinh mệnh của cơ thể bằng cách nào?

Theo bác sĩ Quỳnh, đa phần các trường hợp bệnh nhân suy tuyến thượng tới khám khi xuất hiện các triệu chứng rõ ràng, hoặc đi khám vì các bệnh lý khác như tiểu đường, mệt mỏi, rậm lông... từ đó mới phát hiện bệnh ở tuyến thượng thận. Người bị suy tuyến thượng thận phải dùng hóc môn thay thế có thể xuất hiện bệnh lý đái tháo đường, mỡ máu...

Để phòng tránh suy tuyến thường thận, bác sĩ Quỳnh cho rằng người dân cần phải lưu ý trong việc dùng thuốc có thành phần corticoid. Nếu dùng corticoid cần phải có tư vấn bác sĩ. Trường hợp có dùng thuốc khớp, thuốc giảm đau, kem trộn, thuốc chống viêm kéo dài thì nên đi kiểm tra lại tuyến thượng thận.

Nếu bệnh nhân có suy hoặc cường tuyến thượng thận sẽ được bác sĩ tư vấn dừng thuốc từ từ để tránh gây hại cho sức khoẻ.

Ngoài ra, bác sĩ Quỳnh lưu ý mỗi người cần phải có thói quen kiểm tra thành phần thuốc trước khi mua. Nếu thuốc có thành phần corticoid thì cần phải có chỉ định của bác sĩ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại