Dưới đây là những yếu tố lớn nhất ảnh hưởng tới cổ phiếu đình đám và đánh bật vương miện giàu có nhất thế giới khỏi đầu CEO Elon Musk, người đang sở hữu khoảng 22% cổ phần Tesla.
Lo ngại từ FED
Hôm cuối tuần trước, Chủ tịch FED Jerome Powell cho biết "áp lực tăng giá" và "lạm phát tạm thời" có thể ảnh hưởng đến Mỹ khi nền kinh tế này mở cửa trở lại sau một năm bị hạn chế bởi những tác động mà Covid-19 gây ra.
Thị trường hiện đang lo lắng rằng lãi suất sẽ tăng và FED sẽ không thực hiện các bước đi được thị trường kỳ vọng hay thậm chí tiến hành các biện pháp kiểm soát mạnh mẽ hơn. Lợi tức trái phiếu đã tăng mạnh.
Chính điều này đã gây ra sự điều chỉnh trên diện rộng đối với các cổ phiếu công nghệ, vốn được định giá dựa trên giả định về sự tăng trưởng mạnh của dòng tiền trong tương lai. Khi lạm phát tăng lên, giá trị của các dòng tiền tương lai đó sẽ giảm xuống.
Như CNBC đã đưa tin trước đó, danh sách 100 cổ phiếu phi tài chính lớn nhất trên sàn giao dịch Nasdaq đã giảm 8% so với mốc đỉnh lịch sử được xác lập 3 tuần trước. Nó ảnh hưởng tới hầu hết các gã khổng lồ công nghệ.
Ví dụ như cổ phiếu Apple đã giảm từ 129 USD xuống còn 121 USD trong khi cổ Netflix giảm từ 523 USD xuống còn 516 USD. Tuy nhiên, cổ phiếu Tesla dẫn đầu cú sập này.
Sự cạnh tranh được thừa nhận
Một số nhà đầu tư trung thành nhất với Tesla đã bắt đầu rút một phần nhỏ cổ phần của họ đồng thời thừa nhận sự cạnh tranh dữ dội trong ngành xe điện sẽ trở thành thách thức thực sự đối với Tesla về lâu về dài.
Ví dụ, Ron Baron đã bán 1,7 triệu cổ phiếu Tesla và đầu tư vào 2 đối thủ tiềm năng lớn nhất của công ty là Cruise do GM sở hữu và Rivian do Amazon hậu thuẫn. Việc này diễn ra trong khi tỷ phú Baron vẫn nói rằng ông nghĩ cổ phiếu Tesla có thể chạm tới mốc 2.000 USD.
Steve Westly, cựu thành viên hội đồng quản trị của Tesla, cũng nói rằng: "Tesla sẽ không đứng mãi trên đỉnh cao. Họ đang gặp phải sự cạnh tranh mạnh mẽ của đối thủ ở tất cả các lĩnh vực. Họ sẽ phải vất vả để cạnh tranh".
Thực tế, các nhà sản xuất ô tô, bao gồm Ford và Volkswagen đã sớm thành công khi doanh số bán xe điện của họ ở các thị trường như châu Âu và Mỹ. Trong khi đó, các công ty khởi nghiệp nhỏ hơn cũng chuẩn bị đưa sản phẩm ra thị trường.
Thậm chí, hãng xe sang Porsche cũng công bố mẫu xe điện mới có tên Taycan Cross Turismo và dự kiến sẽ bán nó ở Mỹ vào mùa hè này.
Khủng hoảng bán dẫn toàn cầu
Tình trạng khan hiếm chất bán dẫn đã khiến hầu hết các nhà sản xuất ô tô phải tạm thời đóng cửa một số dây chuyền hiện tại của họ và Tesla cũng không phải ngoại lệ. CEO Tesla Elon Musk từng thừa nhận rằng nhà máy của họ ở Fremont, California đã phải tạm ngừng hoạt động do thiếu phụ tùng.
Musk nói nhà máy chỉ ngừng hoạt động trong 1-2 ngày nhưng không nói rõ nó sẽ hoạt động trở lại toàn bộ hay chỉ một bộ phận.
Tesla trước đó đã cảnh báo rằng tình trạng thiếu chip có thể cản trở mục tiêu sản xuất xe của họ trong nửa đầu năm 2021.
Giám đốc tài chính Zachary Kirkhorn cũng cho biết: "Sản lượng mẫu S và X sẽ thấp do quá trình chuyển đổi sang sản phẩm mới được tái cấu trúc. Ngoài ra, chúng tôi đang làm việc cực chăm chỉ để kiểm soát tình trạng thiếu chất bán dẫn, vốn đang ảnh hưởng toàn cầu".
Nếu Tesla không sản xuất được số lượng xe lớn do thiếu phụ tùng hoặc đình trệ trong khâu cung ứng, họ sẽ mất đi khá nhiều tiền từ việc bán "tín dụng môi trường" cho các nhà sản xuất ô tô khác. Những khoản tiền này đã giúp Tesla đạt được lợi nhuận trong quá khứ.
Áp lực từ nhà đầu tư
Tháng 12/2020, Elon Musk đã gửi thư cho tất cả các nhân viên Tesla và nói rằng: "Các nhà đầu tư đang đặt cho chúng ta rất nhiều kỳ vọng về khả năng sinh lời trong tương lai. Tuy nhiên, ở bất cứ thời điểm nào, nếu họ nghĩ điều đó không xảy ra, cổ phiếu của chúng ta sẽ bị nghiền nát như dưới một cái búa tạ".
Bên cạnh đó, Tesla cũng đang trên đà mở rộng hoạt động sản xuất trên quy mô toàn cầu. Nhà sản xuất xe điện này đang dự định xây các nhà máy ở Austin, Texas; Brandenburg, Đức và mở rộng hoạt động của mình ở Trung Quốc. Họ cũng đã bắt tay vào cải tạo nhà máy ở Fremont.
Musk cũng có tham vọng cho Tesla tự khai thác lithium ở chính nước Mỹ đồng thời nâng cấp khả năng của pin trong một nhà máy ở Fremont.
Bên cạnh đó, Tesla còn đang đối mặt với một đợt triệu hồi tốn kém và nhiều rủi ro khác, dù là tự nguyện hay bị ép buộc. Một trong số đó là chiến dịch triệu hồi xe ở Trung Quốc và Mỹ với mẫu Model S và X khi chúng gặp lỗi màn hình cảm ứng.
Trong nhiều tháng qua, Elon Musk và CEO Amazon Jeff Beros luôn cạnh tranh nhau vị trí người giàu nhất nước Mỹ. Tuy nhiên, những biến cố với cổ phiếu Tesla vài tuần qua đã đẩy Musk rời xa vị trí này.