Sau một thời gian tương đối ''im hơi lặng tiếng'', cổ phiếu ngân hàng đã trở lại mạnh mẽ trong tháng 11 với thanh khoản và thị giá bùng nổ. Tính chung 18 phiên giao dịch vừa qua (1/11 – 24/11), có tổng cộng 26/27 mã ngân hàng tăng giá so với mức ghi nhận cuối tháng 10.
Tăng mạnh nhất ngành ngân hàng là cổ phiếu PGB của PGBank với tỷ suất sinh lời lên tới 52,5%. Cổ phiếu PGB leo dốc mạnh trong bối cảnh Petrolimex - cổ đông lớn nhất của ngân hàng - đang tiến gần đến hạn chót thoái toàn bộ vốn tại PGBank trong năm 2021. Hiện tập đoàn này sở hữu 120 triệu cổ phiếu PGB, tương đương 40% cổ phần của PGBank.
Tại đại hội bất thường hồi tháng 7 của PG Bank, Petrolimex cho biết sẽ thực hiện thoái toàn bộ vốn tại ngân hàng thông qua hình thức đấu giá công khai tại Sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội.
Mặc dù được hỗ trợ bởi thông tin cổ đông lớn thoái vốn, nhưng cần nói thêm rằng thanh khoản cổ phiếu PG Bank vẫn ở mức thấp trong ngành ngân hàng. Với khối lượng khớp lệnh bình quân 10 phiên gần nhất chỉ gần 700.000 đơn vị/phiên, thị giá PGB rất dễ biến động mạnh nếu có sự tham gia của nhà đầu tư tổ chức.
HDB của HDBank cũng liên tục leo dốc trong tháng 11 khi mở đầu tháng tại mức giá 25.250 đồng/cp thì nay đã tăng lên 33.500 đồng/cp, tương đương tỷ suất sinh lời gần 33%. Xu hướng tăng giá của HDB đi cùng với thanh khoản cao kỷ lục, đỉnh điểm có tới 20,9 triệu cổ phiếu được giao dịch khớp lệnh trong phiên 19/11. Khối lượng giao dịch bình quân 10 phiên gần nhất đạt gần 8,9 triệu đơn vị.
EIB của Eximbank cũng góp mặt trong Top 3 cổ phiếu ngân hàng có diễn biến giá tốt nhất kể từ đầu tháng với mức sinh lời xấp xỉ 31%. Cùng với thị giá, thanh khoản của EIB cũng được cải thiện rõ rệt với khối lượng giao dịch bình quân đạt hơn 1,2 triệu đơn vị so với mức 200 - 300 nghìn cổ phiếu của tháng 10.
Cổ phiếu Eximbank tăng mạnh khi thị trường xuất hiện tin đồn nhóm cổ đông liên quan đến tập đoàn DOJI sẽ mua lại 15% vốn Eximbank từ tay SMBC – cổ đông chiến lược nước ngoài của nhà băng này.
Mặc dù đại diện DOJI đã bác bỏ thông tin trên nhưng thì trường vẫn kỳ vọng về những chuyển biến mới trong cơ cấu cổ đông Eximbank khi SMBC ngày càng xích lại gần VPBank và nhiều khả năng trở thành cổ đông chiến lược của ngân hàng này.
Bên cạnh những mã kể trên, một loạt cổ phiếu ngân hàng khác cũng tăng giá 20 – 30% kể từ đầu tháng như VBB của VietBank ( 29,8%), BVB của Viet Capital Bank ( 26,9%), MSB của MSB ( 23,1%), NAB của Nam A Bank ( 21,6%),…
Mã duy nhất giảm giá so với cuối tháng 10 là VPB của VPBank khi mất gần 2% giá trị.
Sau phiên giao dịch 24/11, hiện chỉ còn duy nhất một cổ phiếu ngân hàng có thị giá dưới 20.000 đồng/cp là VAB của VietABank (19.900 đồng). Trong khi đó, giá VCB đã lấy lại vùng 100.000 đồng/cp, giúp Vietcombank vượt qua Vinhomes trở thành doanh nghiệp niêm yết lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam.
Nguồn: Quốc Thụy tổng hợp
Nhịp tăng giá mạnh trong tháng 11 diễn ra sau khi hàng loạt cổ phiếu ngân hàng đã lao dốc sâu trong quý III và đầu quý IV khi giảm 20 – 30% so với mức đỉnh tạo lập vào đầu tháng 6.
Theo giới phân tích, đợt điều chỉnh mạnh trong quý III đã phần nào phản ánh tác động tiêu cực của đợt bùng phát dịch Covid-19. Vì vậy cổ phiếu ngân hàng trở nên hấp dẫn hơn khi cân nhắc giữa rủi ro và hiệu quả đầu tư.
Trong báo cáo phân tích mới đây, Chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE) cho rằng dòng tiền vào cổ phiếu ngân hàng sẽ sớm hồi phục khi thị trường dần nhận ra rằng (1) các ngân hàng vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao và khả năng sinh lời mạnh mẽ, (2) rủi ro nợ xấu không nghiêm trọng như những nhận định trước đó và (3) định giá của các ngân hàng đã trở nên rẻ hơn so với các ngành khác.
Ngoài định giá hấp dẫn, cổ phiếu ngành ngân hàng cũng đang được hỗ trợ tích cực bởi kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ sớm nới room tín dụng. Trước đó, vào quý 3, một loạt ngân hàng đã được NHNN nới hạn mức tín dụng để đẩy mạnh hoạt động cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Đây là thông tin hỗ trợ đẩy nhóm cổ phiếu ngân hàng có nhịp tăng khoảng 10% vào cuối tháng 6 và đầu tháng 7.
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS), tính đến ngày 29/10, tăng trưởng tín dụng bất ngờ ghi nhận mức tăng 8,72%, cao hơn mức 6,48% cùng kỳ năm ngoái. Điều này phần lớn nhờ các ngân hàng thương mại đã tung các gói, chương trình ưu đãi nhằm kích cầu tín dụng để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất kinh doanh trong giai đoạn cuối năm.
Hiện tại, hầu hết các ngân hàng đều đã chạm đến hạn mức tín dụng của năm. Khi tăng trưởng tín dụng được đánh giá là một yếu tố quan trọng giúp các ngân hàng duy trì mức lợi nhuận cao, MBS kỳ vọng NHNN sẽ nới hạn mức tín dụng cho các ngân hàng trong bối cảnh nền kinh tế hoạt động trở lại.
Vào thời điểm cuối năm, nhu cầu tín dụng tăng, dư nợ tín dụng cũng tăng mạnh hơn, tăng trưởng tín dụng theo đó dự báo sẽ đạt trên 12% cho cả năm 2021.
Trong báo cáo phân tích mới công bố, SSI Research cho rằng NHNN tiếp tục khẳng định chính sách tiền tệ nới lỏng sẽ được duy trì và kỳ vọng rằng cơ quan này sẽ sớm nới hạn mức tín dụng đối với các ngân hàng có chất lượng tài sản và các chỉ số an toàn tốt.