Trước khi Phạm Công Danh mua VNCB, ông chủ của Tập đoàn Thiên Thanh muốn thành lập mới một nhà băng riêng cho ngành xây dựng. Tuy nhiên, đề nghị này bị Ngân hàng Nhà nước từ chối nên Danh mới tìm đến phương án mua lại và tái cơ cấu VNCB từ nhóm của bà Hứa Thị Phấn.
Trong hồ sơ tái cơ cấu ngân hàng có danh sách hơn 20 người và một tổ chức được đưa vào, tuy nhiên những người này không có tiền, Danh chỉ đưa vào để hợp thức hóa danh sách trình Ngân hàng nhà nước để tái cơ cấu.
Khi bắt đầu tiếp quản Ngân hàng Đại Tín (TrustBank – tiền thân của VNCB), nhà băng này đã âm vốn hơn 2.800 tỷ đồng và lỗ lũy kế hơn 6.000 tỷ.
Chưa hết, nợ xấu của ngân hàng này cũng ở mức rất cao và dư nợ lại tập trung vào một nhóm khách hàng (chiếm tới 95%). Thế nhưng, cái giá mà ông chủ Tập đoàn Thiên Thanh trả cho “con tàu sắp đắm” này lại cao đến bất ngờ.
Theo lời khai của Phạm Công Danh, riêng tiền “môi giới” cho Hà Văn Thắm (cựu Chủ tịch Oceanbank) ông này đã chi 500 tỷ đồng. Sau đó, số tiền trả cho nhóm Phú Mỹ (nhóm bà Hứa Thị Phấn) để mua khoảng 85% cổ phần của TrustBank (vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng) là hơn 4.600 tỷ đồng.
Tổng lại, giá thương vụ lên tới hơn 5.100 tỷ đồng cho 2.550 tỷ đồng mệnh giá; kéo theo đó, giá bình quân một cổ phiếu VNCB được Phạm Công Danh mua là 20.000 đồng.
Một ngân hàng giống như bệnh nhân ung thư nặng (VNCB), âm vốn hàng nghìn tỷ lại có giá cổ phiếu cao hơn cả ACB, Vietinbank – những ngân hàng niêm yết lãi hàng nghìn tỷ mỗi năm là một điều khá thú vị. Với mức lãi 7.360 tỷ đồng năm 2015, hiện nay, cổ phiếu Vietinbank (mã chứng khoán CTG) chỉ có giá khoảng 17.400 đồng.
Trước khi bị bắt, trong một lần trả lời phỏng vấn, khi phóng viên Thời báo Kinh tế Sài Gòn hỏi: “Một ngân hàng tệ như Xây dựng, nợ xấu cao, thanh khoản yếu, vậy nhóm cổ đông các ông vào làm gì?
Trên thị trường có nhiều doanh nghiệp, ngân hàng làm ăn tốt, mang lại lợi nhuận cho giới đầu tư, vì sao các ông lại chọn Xây dựng?” thì cả Phạm Công Danh và Phan Thành Mai đều im lặng.
Sau này, “lang băm” Phạm Công Danh trả lời tại tòa rằng, ông cũng không nghĩ rằng tình hình lại xấu đến như vậy và nhận tái cơ cấu VNCB là một quyết định sai lầm.
Cuối năm 2012, tức sau khi nhận ngân hàng từ nhóm bà Hứa Thị Phấn được non nửa năm, VNCB đã gánh lỗ lũy kế 8.765 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 5.711 tỷ đồng. Đến cuối năm 2013, con số lỗ lũy kế lên 11.348 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 8.293 tỷ đồng.
Vào thời điểm khởi tố vụ án (26/7/2014), vốn chủ sở hữu ngân hàng âm 18.469 tỷ đồng, tổng nợ phải trả là 38.255 tỷ đồng, tổng tài sản là 16.745 tỷ đồng. Đến cuối năm 2014, phần vốn chủ sở hữu âm tới hơn 24.000 tỷ và lỗ lũy kế 27.000 tỷ đồng.
Đây là những con số cho thấy việc không hiểu biết của Phạm Công Danh dẫn tới kết quả như thế nào. Mức 20.000 đồng/cổ phiếu VNCB mà Danh trả có lẽ là mức giá đặc biệt nhất trên thị trường chứng khoán hiện nay.