ATG lên sàn không biết luật?
Ngày 22-8-2016, CTCP An Trường An (ATG) đưa 15,22 triệu CP niêm yết tại HOSE và đóng cửa tại mức giá 12.400 đồng/CP. 2 năm sau, vào ngày 6-8 vừa qua, ATG đã bị đưa vào diện cảnh báo do vi phạm quy định về công bố thông tin (CBTT) và trong phiên giao dịch cuối cùng của tháng 8, giá CP này chỉ còn 990 đồng/CP.
ATG là một cái tên rất lạ đối với nhiều NĐT, nhưng nếu tìm hiểu kỹ cũng không ai bất ngờ trước kết cục của CP này.
Hồi đầu năm nay, ATG gây chú ý bằng việc không công bố Nghị quyết HĐQT về phương hướng hoạt động sản xuất kinh doanh, và sau khi được HOSE đề nghị giải trình, công ty này cho rằng “mới niêm yết nên chưa nắm rõ các quy định về CBTT”.
Câu trả lời của ATG như một trò đùa, thậm chí coi thường cơ quan quản lý và cả cổ đông, NĐT. Bởi lẽ từ trước khi niêm yết, doanh nghiệp (DN) cần phải chuẩn bị thật kỹ lưỡng về kiến thức, quy trình CBTT.
ATG thành lập năm 2005 với ngành nghề chính là khai thác khoáng sản. Trong 10 năm đầu thành lập, ATG đạt tốc độ tăng trưởng vào loại khá là 15%. Những bước đi này khá khớp với nhiều DN khoáng sản niêm yết trên sàn trong nhiều năm qua, lúc mới lên được kỳ vọng hoành tráng, nhưng càng về sau càng “lầy”.
CP khoáng sản được xếp vào diện “có tiếng” về kém minh bạch thông tin, nên việc ATG bị đưa vào diện cảnh báo vì lý do này là chuyện khó tránh khỏi. Kể từ năm 2014 đến 2017, ATG đều báo lãi lần lượt qua các năm là 4,5 tỷ đồng, 5,4 tỷ đồng, 363 triệu đồng và 1,16 tỷ đồng.
Khi công bố KQKD 6 tháng trên BCTC tự lập, ATG còn lãi hơn 125 triệu đồng, nhưng sau khi BCTC bán niên 2018 được kiểm toán soát xét, từ lãi hơn trăm triệu ATG chuyển sang lỗ gần 6 tỷ đồng.
Sau 8 năm lên sàn, giá CP của DPS chỉ còn 900 đồng.
DPS doanh thu ngàn tỷ vốn hóa chục tỷ
Có lẽ trong số những CP có giá tiền lẻ, DPS (CTCP Đầu tư và Phát triển Sóc Sơn) là CP có thanh khoản vào hàng khủng nhất.
Trong khoảng chục phiên giao dịch gần đây, DPS đều có KLGD trên 100.000 CP/phiên, thậm chí trong phiên 31-8, khối lượng khớp lệnh của CP này đạt hơn 756.000 CP, một con số nhiều CP có giá chục ngàn, trăm ngàn khác phải “mơ ước”.
DPS thành lập vào tháng 8-2010, với số vốn góp ban đầu chưa đến 5 tỷ đồng, ngành nghề chính là buôn bán sắt thép.
Đến giữa năm 2015, khi vốn điều lệ lên đến gần 160 tỷ đồng, tức là tăng đến 32 lần so với khi mới thành lập, DPS tiến hành niêm yết tại HNX và đóng cửa phiên đầu tiên đạt mức giá 15.000 đồng/CP. Tại thời điểm này, vốn điều lệ của DPS lên tới hơn 310 tỷ đồng, tức tăng 60 lần sau 8 năm hoạt động.
Tỷ lệ thoạt nhìn có vẻ ấn tượng, nhưng giá CP của DPS hiện giờ cũng chỉ còn khoảng 900 đồng/CP lại gợi ra nhiều suy nghĩ. Vốn hóa thị trường của DPS hiện xấp xỉ 28 tỷ đồng, trong khi doanh thu công bố trong năm 2017 lên đến hơn 1.073 tỷ đồng.
Theo BCTC của DPS trong 4 năm gần nhất, năm nào công ty cũng có lãi, ít cũng hơn 5 tỷ như năm 2014 và 2017, còn khá hơn chút là 18 tỷ và hơn 14 tỷ trong các năm 2014, 2015. Đã vậy, DPS có thanh khoản lớn, khối lượng khớp khủng, nhưng DN này phải mất 3 lần tổ chức ĐHCĐ mới thành.
Ngày 19-7 vừa qua, ĐHCĐ lần thứ 3 của DPS mới diễn ra, tức đã hoạt động được hơn nửa năm mới cho ra được các chỉ tiêu, kế hoạch kinh doanh.
Tại ĐHCĐ lần 3, cũng chỉ có… 3 cổ đông đại diện cho cổ đông sở hữu và đại diện sở hữu cho 3,94 triệu CP DPS, chiếm 12% cổ phần công ty tham dự. Một NĐT đã từng mua vào DPS cho hay vì thấy BCTC của công ty không đến nỗi nào, vẫn có lãi, nhưng giá CP quá thấp cũng kỳ vọng có thể hồi phục.
Nhưng theo thời gian giá càng ngày càng xuống, lại không thấy động thái gì từ ban lãnh đạo công ty, không rõ DN này lên sàn để làm gì.
SGO không biết là ai
SGO là mã chứng khoán của CTCP Dầu thực vật Sài Gòn, niêm yết 20 triệu CP vào cuối năm 2015. Lúc mới lên sàn, vốn hóa của SGO đạt khoảng 300 tỷ đồng, nhưng hiện tại khi giá CP chỉ 900 đồng/CP, vốn hóa SGO còn 18 tỷ đồng.
Trong 10 phiên giao dịch cuối cùng của tháng 8, SGO có 2 phiên xuất hiện khối lượng giao dịch vào ngày 24-8 đạt 17.700 CP và 31-8 đạt 32.000 CP. Lý do CP này hiện chỉ được giao dịch vào thứ 6 hàng tuần do bị đưa vào diện kiểm soát và hạn chế giao dịch.
SGO thành lập ngày 8-2-2010, với ngành nghề sản xuất kinh doanh là trồng cây có hạt chứa dầu, chế biến, bảo quản thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản, sản xuất dầu mỡ từ động, thực vật…
Thoạt nghe qua cái tên của SGO, nhiều người liên tưởng đến một công ty không đến nỗi nào trong một ngành nghề cũng có đầu ra, thị trường ổn định đó là dầu thực vật.
Nhưng tìm hiểu kỹ hơn sẽ thấy, SGO mặc dù công bố doanh thu những năm gần đây trên dưới 300 tỷ đồng/năm, nhưng sản xuất sản phẩm gì, thương hiệu như thế nào lại hết sức mù mờ. Sau khi lên sàn được hơn 1 năm, đến cuối tháng 1-2017, SGO đã bị đưa vào diện kiểm soát và hạn chế giao dịch.
Rồi từ đó đến nay công ty tiếp tục bê trễ những nghĩa vụ liên quan đến CBTT, hay như đảm bảo quyền lợi cho cổ đông.
Nửa sau tháng 7-2018, SGO mới công bố tài liệu tổ chức ĐHCĐ, đến tháng 8 nghị quyết ĐHCĐ mới được công bố. CP bị kiểm soát, tất nhiên không ai muốn giao dịch, và như vậy SGO niêm yết làm gì để lãng phí một mã CK và 1 chỗ trên bảng điện tử?