Phiên giao dịch cuối tuần, trong khi nhóm bất động sản giao dịch có phần khởi sắc trở lại, thì cổ phiếu “họ” FLC vẫn trắng bên mua. FLC, ROS, HAI, AMD, KLF, ART tiếp tục giảm sàn.
Tuần qua, “họ” FLC lao dốc hết biên độ, thị giá bốc hơi tới khoảng 30%. Nhà đầu tư tiếp tục đặt bán bằng mọi giá, nhưng số lượng khớp chỉ nhỏ giọt vài trăm nghìn đơn vị/ mã. Kết phiên, ROS dư bán 88,7 triệu cổ phiếu, FLC “nằm sàn” hơn 64,6 triệu cổ phiếu, HAI, AMD dư trên dưới 20 triệu cổ phiếu.
Qua 1 tuần, vốn hoá FLC giảm từ hơn 16.000 tỷ đồng (7/1), xuống 11.430 tỷ đồng (14/1), “bốc hơi” hơn 4.500 tỷ đồng. Vốn hoá ROS sụt giảm khoảng 2.800 tỷ đồng. HAI, AMD, KLF, ART cũng trong tình trạng tương tự. Tổng cộng, vốn hóa thị trường của các cổ phiếu “họ” FLC kể trên đã “bốc hơi” khoảng 28.000 tỷ đồng.
Sau 3 phiên, nhóm cổ phiếu "họ" FLC liên tục giảm sàn, nhiều công ty chứng khoán mạnh tay cắt margin các mã này. CTCP BSC đã thông báo loại các mã cổ phiếu FLC, ROS, ART, AMD, KLF, HAI ra khỏi danh mục được phép ký quỹ (margin).
CII, một trong những doanh nghiệp có quỹ đất lớn nhất tại Thủ Thiêm, thời gian qua hưởng lợi đáng kể từ việc Tân Hoàng Minh đấu giá kỷ lục 2,44 tỷ đồng/m2 đất. Sau tin này, CII đã tăng giá từ vùng 28.000 đồng/cổ phiếu lên mức đỉnh lịch sử 57.900 đồng/cổ phiếu vào ngày 7/1. Tuy nhiên, khi Tân Hoàng Minh bỏ cọc đấu giá khu đất vàng ở Thủ Thiêm, cũng là lúc CII lao đao giảm sàn. Tuần qua, thị giá cổ phiếu lao dốc hơn 20%.
Yuanta Việt Nam cũng điều chỉnh tỉ lệ ký quỹ đối với cổ phiếu FLC. Công ty cắt margin đối với cổ phiếu FLC của CTCP Tập đoàn FLC, tỉ lệ cho vay trước đó 20%. Ngoài ra, Yuanta Việt Nam còn hạ tỷ lệ đối với cổ phiếu CII từ 40% xuống còn 30%. Tuần qua, CII chịu hiệu ứng domino sau khi Tập đoàn Tân Hoàng Minh bỏ cọc đấu giá đất Thủ Thiêm.
Dù chưa có thông tin chính thức, danh mục ký quỹ của Chứng khoán VPS trên website công ty đã không còn đại diện "họ" FLC.
Các công ty chứng khoán khác cũng dè dặt trong việc ký quỹ với cổ phiếu thuộc loại nóng này. Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam giữ nguyên tỉ lệ cấp margin là 20% đối với FLC, Chứng khoán VNDirect là 30%...
Toàn cảnh vụ Chủ tịch FLC bán cổ phiếu không công bố
Phiên giao dịch 10/1, cổ phiếu FLC ghi nhận khối lượng khớp lệnh đột biến hơn 135 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị 3.107 tỷ đồng. Số lượng cổ phiếu FLC này tương đương 19% vốn điều lệ công ty.
Chiều 10/1, UBCKNN nhận được báo cáo của HoSE về việc ông Trịnh Văn Quyết bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC nhưng không báo cáo, không công bố thông tin. Ngay đêm 10/1, UBCKNN quyết định phong toả các tài khoản chứng khoán của ông Trịnh Văn Quyết
Tối 11/1, HoSE thông báo hủy bỏ giao dịch bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC ngày 10/1 của ông Trịnh Văn Quyết.
Ngày 12/1, những nhà đầu tư mua đối ứng 74,8 triệu cổ phiếu FLC ông Quyết bán ra, đã nhận được thông báo huỷ giao dịch, hoàn tiền.
Về việc huỷ giao dịch bán cổ phiếu FLC không đúng quy định của ông Trịnh Văn Quyết, lãnh đạo UBCKNN cho biết, đây là biện pháp chưa có tiền lệ trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
“Theo trình tự thủ tục xử lý vi phạm, trước mắt, cơ quan thanh tra của UBCKNN sẽ yêu cầu cá nhân vi phạm tới ký biên bản. Sau 5 ngày sẽ ra quyết định xử phạt hành chính”, đại diện UBCKNN thông tin.