Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam và toàn cầu trong hơn 2 tháng qua bị "đánh mạnh" bởi dịch bệnh Covid-19 hoành hành. Các chỉ số chứng khoán trên thị trường Mỹ có thời điểm rơi xuống mức thấp nhất kể từ năm 2016 - xoá tan nỗ lực tăng trong nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump.
Tại thời điểm ngày 4/4, cả Dow Jones và S&P 500 vẫn thấp hơn 26% so với mức cao thiết lập vào tháng 2, bởi nhà đầu tư bán mạnh trước mối lo sợ về sự lây lan của Covid-19.
Ở thị trường trong nước, chỉ tính riêng quý 1/2020, VN-Index đã mất hơn 31% giá trị, và tính đến hết ngày 3/4 thì mức giảm là 29% nhờ đà hồi phục trong các phiên đầu tháng 4.
Thống kê lịch sử TTCK Việt Nam từ khi thành lập tới nay cho thấy quý 1/2020 ghi nhận mức giảm lớn thứ 2, chỉ xếp sau mức giảm 44,25% hồi quý 1/2008, giai đoạn khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Mức giảm của quý đầu năm nay đã khiến vốn hóa các doanh nghiệp niêm yết trên HoSE bị thổi bay hơn 970.000 tỷ đồng.
Với đà lao dốc của TTCK nói chung, cổ phiếu của nhóm ngân hàng cũng không là ngoại lệ khi có nhiều mã đã giảm trên dưới 30% trong thời gian từ khi dịch bệnh bùng phát tới nay, chẳng hạn TCB, ACB, MBB, VCB, BID...
Tuy nhiên có một cổ phiếu là SHB của ngân hàng SHB vẫn tăng điểm mạnh tới gấp 2 lần so với trước khi dịch bệnh xảy ra.
Giá cổ phiếu SHB đang ở vùng cao nhất kể từ năm 2009.
Chốt ngày 3/4, cổ phiếu SHB đứng ở mức 13.300 đồng, tăng 7.300 đồng tương đương với cao gấp 2,2 lần so với thời điểm đầu tháng 2. Mức giá hơn 13.000 đồng cũng là đỉnh giá của SHB trong vòng hơn một thập kỷ trở lại đây - từ năm 2009.
Trước đó hồi cuối tháng 1, con trai của chủ tịch SHB là ông Đỗ Vinh Quang đã đầu tư mua vào 36 triệu cổ phiếu của ngân hàng này theo phương thức khớp lệnh trên sàn từ ngày 15/1-3/2.
Trong khoảng thời gian ông Quang thực hiện giao dịch, giá cổ phiếu SHB trên thị trường chỉ dao động quanh mức 6.000-6.500 đồng/cổ phiếu, tương đương với tổng giá trị từ 215-235 tỷ đồng. Với vùng giá hiện nay, số tiền bỏ ra ban đầu của ông Quang đã có lãi gấp hơn 2 lần.
Sau lệnh mua 36 triệu cổ phiếu của con trai chủ tịch SHB, thời gian qua, mặc dù giá cổ phiếu SHB leo lên đỉnh hơn 10 năm nhưng vẫn xuất hiện lượng giao dịch lớn cả khớp lệnh lẫn thoả thuận, có phiên thoả thuận tới hàng triệu đơn vị.
Trong một diễn biến khác, do dịch bệnh đang xảy ra, ngày 3/4 SHB phát đi thông tin cho biết đã điều chỉnh lại kế hoạch kinh doanh năm 2020 với mức giảm lợi nhuận tối thiểu là 1.000 tỷ đồng. Hiện tại SHB vẫn chưa công bố kế hoạch kinh doanh cụ thể của năm nay song trong năm 2019, ngân hàng này có lãi trước thuế 3.077 tỷ đồng, cao hơn gần gấp rưỡi so với năm 2018.
Ngoài ra ngân hàng này cũng đang thực hiện loạt các biện pháp hỗ trợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19.
Chẳng hạn tín dụng 25.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay giảm tối thiểu 2%/năm so với lãi suất thông thường; Miễn hoặc giảm lãi suất, phí cho các khoản vay cũ, lãi suất ưu đãi tối thiểu 2% cho các khách hàng hiện hữu; Tiếp tục triển khai các phương án cơ cấu nợ, giãn nợ và giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm lãi, phí đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN; Miễn phần lớn các phí giao dịch khách hàng: Giảm tối thiểu 50% phí giao dịch thanh toán liên ngân hàng, miễn giảm phí chuyển tiền liên ngân hang, miễn phí cho các khách hàng chuyển tiền ủng hộ Quỹ phòng chống Covid 19.
Song song đó ngân hàng thực hiện rà soát toàn bộ các chi phí hoạt động và tổ chức triển khai các biện pháp tiết giảm chi phí hoạt động với mức giảm tối thiểu 10%.
HĐQT, Ban Điều hành và cán bộ quản lý cấp cao của ngân hàng tự nguyện giảm lương 50% cho đến khi công bố hết dịch; Các cấp quản lý toàn hệ thống từ cấp Phó phòng trở lên (và các chức danh tương đương) giảm từ 10%- 30% tùy theo mức thu nhập.