Cổ phiếu bệnh viện tim tăng 15% trong ngày 600 mã giảm điểm

Dy Khoa |

Mã chứng khoán của bệnh viện tim tăng gần 15% trong phiên 25/4.

Hoa trái tim tím. Ảnh minh họa: Southern Living.

Hoa trái tim tím. Ảnh minh họa: Southern Living.

Phiên tăng tím hiếm hoi tính từ đầu tháng

Ngày 25/4, toàn thị trường có đến 539 mã giảm giá, trong đó có 240 mã giảm sàn. Lượng mã tăng giá 178, tăng trần chỉ có vỏn vẹn 27 mã. Đứng giá có 640 mã. Riêng sàn UPCoM có đến 217 mã giảm giá và 16 mã giảm sàn.

Tuy nhiên, Công ty Cổ phần Bệnh viện Tim Tâm Đức (UPCoM: TTD) lại có diễn biến trái ngược với các mã chứng khoán đang niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam. Cụ thể, TTD tăng 6.500 đồng, tương ứng 14,87%, lên 50.200 đồng. Đây là mức thị giá cao nhất của mã này tính từ đầu tháng 4. Vốn hóa tại mức thị giá hôm 25/4 là 780 tỷ đồng.

Theo dõi dữ liệu lịch sử trong các phiên giao dịch từ ngày 7/4, Tim Tâm Đức không có phong độ bền vững khi thường xuyên trong tình trạng đứng giá, không có giao dịch mua - bán. Còn lại có một phiên giảm giá và một phiên giảm sàn vào các ngày 7/4 và 21/4. Trong đó, kết phiên 21/4, TTD bị mất xấp xỉ 15% thị giá; đạt 43.700 đồng/cổ phiếu.

Tim Tâm Đức chỉ tăng điểm trong hai phiên 19/4 (tăng chưa đến 2%) và phiên tăng tím hôm 25/4. Cổ phiếu có thời điểm rơi vào tình trạng trắng bên bán.

Bệnh viện Tim Tâm Đức là bệnh viện nổi tiếng về chuyên khoa tim kỹ thuật cao tại TP HCM và khu vực phía Nam, bắt đầu hoạt động từ ngày 8/3/2006. Tim Tâm Đức có phiên giao dịch đầu tiên vào ngày 6/2/2017. 

Đây là bệnh viện có quy mô 250 giường, với tầm nhìn "từng bước phát triển kỹ thuật và nâng cao chất lượng đạt đến "Chất lượng Thế giới vì trái tim mọi người". Tiến sĩ - Bác sĩ Nguyễn Ngọc Chiếu hiện là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Bệnh viện Tim Tâm Đức.

Theo Báo cáo quản trị năm 2021, Bác sĩ Nguyễn Ngọc Chiếu và những người liên quan nắm giữ hơn 6%. Trong đó, bà Phan Kim Phương giữ chức danh Cố vấn chuyên môn, vợ ông Chiếu, sở hữu 3,68% cổ phần. Phó Giám đốc quản lý chất lượng Nguyễn Ngọc An Khôi, con của ông Chiếu và bà Phương, sở hữu 0,76%.

Thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc Ngoại khoa Chu Trọng Hiệp nắm 0,23%. Thành viên Hội đồng quản trị không điều hành Phạm Anh Dũng sở hữu 3,78%. Giám đốc Đối ngoại Phạm Bích Xuân có 2,25%. Các chức danh còn lại sở hữu trên dưới 1%.

Tại Báo cáo tài chính quý 1/2022, tài sản ngắn hạn của TTD đã tăng từ 95 tỷ đồng hồi 1/1 lên 116 tỷ đồng tại thời điểm 31/3. Tại hai mốc trên, tài sản dài hạn giảm từ 172 tỷ đồng, xuống 167 tỷ đồng. Tổng tài sản tăng lên 283 tỷ đồng. Nợ phải trả tăng từ 49 tỷ đồng lên 55 tỷ đồng.

Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp của TTD quý 1 năm nay là 11 tỷ đồng, giảm khoảng 6 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.

Cổ phiếu bệnh viện tim tăng 15% trong ngày 600 mã giảm điểm - Ảnh 1.

Bệnh viện Tim Tâm Đức tại quận 7, TP HCM. Ảnh: Alobacsi.

Doanh thu, lợi nhuận năm 2021 giảm mạnh do Covid-19

Theo tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 (dự kiến tổ chức vào cuối tháng này), trong 16 năm hoạt động, Bệnh viện Tim Tâm Đức đã khám điều trị ngoại trú cho hơn 1,1 triệu người bệnh; điều trị nội trú 72.409 người bệnh; trong đó gần 60% từ các tỉnh miền Bắc, miền Trung và Đồng bằng sông Cửu Long.

Bệnh viện này đã mổ cho 10.640 trường hợp tim bẩm sinh, bệnh van tim và bệnh mạch vành, thông tim can thiệp cho 19.653 trường hợp, đã khảo sát điện sinh lý và đặt máy tạo nhịp cho 3.213 trường hợp. Người nước ngoài làm việc tại Việt nam có vấn đề về tim mạch đã đến Tâm Đức để cấp cứu, thông tim, điều trị loạn nhịp và mổ bắc cầu động mạch vành.

Năm 2021, bệnh viện này có nhiều biến động quan trọng về nhân sự do hấp lực của bệnh viện tư mới, sự sắp xếp lại cơ cấu hoạt động phù hợp và tình hình dịch bệnh Covid-19. Tổng số nhân sự tháng 12/2021 của Tim Tâm Đức là 496 người, giảm 15% so với năm 2020. Trong đó, bác sĩ giảm 26%, điều dưỡng giảm 20%.

Tổng doanh thu năm 2021 của bệnh viện là 433 tỷ đồng, giảm 24,4% so với năm 2020, đạt 78,9% so với kế hoạch năm 2021. Lợi nhuận trước thuế giảm 79,1% so với năm 2020, đạt 22,9% so với kế hoạch năm 2021.

"Do ảnh hưởng của Đại dịch Covid-19, hoạt động khám chữa bệnh giảm nên kết quả hoạt động kinh doanh giảm sâu ở tất cả các chỉ tiêu. Dù đã áp dụng giải pháp giảm lương để giảm chi phí nhưng tỷ lệ giảm không thể tương thích tỷ lệ giảm của doanh thu vì vẫn phải đảm bảo chi trả lương nhân viên ở mức nhất định và các chi phí cố định khác không giảm (khấu hao, phân bổ, bảo hiểm, điện nước, dịch vụ vệ sinh…)", báo cáo của bệnh viện này nhận định nguyên nhân.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại