Theo đó, giá trị doanh nghiệp của BSR tại thời điểm ngày 31/12/2015 đạt xấp xỉ 72.880 tỷ đồng, tương đương khoảng 3,2 tỷ USD. Trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp là hơn 44.934 tỷ đồng (xấp xỉ 2 tỷ USD).
Việc xác định giá trị doanh nghiệp là căn cứ để BSR thực hiện các công việc tiếp theo để cổ phần hóa. BSR sẽ là doanh nghiệp có quy mô vốn lớn nhất từ trước đến nay tiến hành cổ phần hóa.
Công ty BSR, đơn vị quản lý, vận hành Nhà máy Lọc dầu Dung Quất với các sản phẩm chính gồm: Propylene, polypropylene, khí hóa lỏng, xăng RON 92 và 95, xăng E5/E10, nhiên liệu phản lực JET A1, dầu hỏa, dầu Diesel, dầu nhiên liệu và lưu huỳnh.
Sản lượng sản xuất luỹ kế của BSR từ khi Nhà máy đi vào hoạt động đến 5 tháng đầu năm 2017 đạt khoảng 47 triệu tấn với tổng doanh thu gần 40 tỷ USD. Trong đó, luỹ kế số tiền nộp ngân sách nhà nước trên 7 tỷ USD, gấp đôi tổng mức đầu tư (3 tỷ USD).
Ba tháng đầu năm 2017, tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn đầu tư của chủ sở hữu (ROE) đạt 8,67 %; Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/doanh thu (ROA) đạt 4,81%. Trong 2 năm 2015 và 2016, lợi nhuận sau thuế của BSR đạt lần lượt là 6.000 tỷ và 5.000 tỷ đồng.
Dự kiến BSR sẽ IPO trong quý IV năm nay và sẽ chào bán ra công chúng khoảng 5 – 6% cổ phần. Phần còn lại chào bán cho các nhà đầu tư định danh và nhà đầu tư chiến lược.
Sắp tới, BSR dự kiến sẽ tiến hành đầu tư dự án nâng cấp mở rộng với quy mô vốn dự kiến lên đến 1,8 tỷ USD.