Nội dung chính của cuộc gặp cấp cao ba bên
Lần thứ 7 này xem ra là cuộc gặp cấp cao ba bên với tầm quan trọng đặc biệt hơn cả giữa Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc kể từ khi ba nước này nhất trí thiết lập cơ chế tiếp xúc và đối thoại cấp cao thường niên năm 2008.
Từ tháng 11/2015 đến nay, cơ chế ấy đã bị ngưng trệ bởi bất hoà và bất đồng quan điểm giữa Nhật Bản và Trung Quốc.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã phải rất nỗ lực và đã đạt được thành công ngoại giao lớn khi mời được cả tổng thống Hàn Quốc và thủ tướng Trung Quốc sang thăm Nhật Bản.
Ông Lý Khắc Cường là thủ tướng Trung Quốc đầu tiên kể từ 8 năm nay tới Nhật Bản và khi ông Moon Jae-in tới Nhật Bản thì cũng phải sau gần 7 năm mới có tổng thống Hàn Quốc đến xứ Phù Tang.
Ở những lần gặp cấp cao giữa 3 nước trước đây, chuyện hợp tác ba bên - chẳng hạn như ý tưởng về hình thành khu vực mậu dịch tự do ba bên và chuyện quan hệ song phương giữa ba nước này - đã chi phối chương trình nghị sự.
Cuộc gặp thượng đỉnh ba bên Nhật Bản - Hàn Quốc - Trung Quốc
Lần gặp cấp cao ba bên này ở Nhật Bản, những chủ đề nội dung ấy vẫn có chứ không thiếu, nhưng không được ưu tiên và tập trung đến hàng đầu bằng chuyện hoà dịu và hoà giải giữa Triều Tiên với Mỹ và Hàn Quốc.
Hàn Quốc đóng vai trò tiên phong và rất quyết định trong khi cả Nhật Bản lẫn Triều Tiên đều bị bất ngờ, lúc đầu đều như thể bị gạt ra ngoài tiến trình. Bây giờ, tất cả hướng đến sự kiện lịch sử là cuộc gặp cấp cao đầu tiên giữa Mỹ và Triều Tiên.
Cả ba đều thật sự mong muốn cuộc gặp này thành công mà thành công ở đây có nghĩa là Mỹ và Triều Tiên đạt được thoả thuận về giải pháp cho vấn đề hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng, hoặc ít nhất thì cũng là thoả thuận về định hướng và lộ trình cho giải pháp ấy.
Lợi ích chung của khu vực
Lợi ích chiến lược hiện tại cũng như lâu dài của họ là phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên. Hàn Quốc và Nhật Bản không còn lo ngại về mối đe doạ an ninh bởi chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.
Trung Quốc đạt được mục tiêu là Triều Tiên không có vũ khí hạt nhân và không bị khó xử hoặc vạ lây bởi thù địch và căng thẳng giữa Mỹ và Triều Tiên.
Lợi ích như nhau nhưng lại có sự khác biệt quan điểm về cách thức thực hiện.
Trong khi Nhật Bản muốn duy trì sách lược "gây áp lực tối đa" đối với Triều Tiên vì không tin Triều Tiên sẽ thực hiện nghiêm chỉnh những gì đã cam kết thì Trung Quốc và Hàn Quốc lại chủ trương có những hình thức thích hợp, đặc biệt về kinh tế, tài chính và thương mại, để khích lệ Triều Tiên.
Cuộc gặp cấp cao ba bên này là dịp để ba bên trao đổi thông tin, tham vấn lẫn nhau để cuối cùng thống nhất thông điệp gửi tới cuộc gặp giữa tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Ông Lý Khắc Cường và ông Abe muốn nghe từ ông Moon Jae-in thông tin và đánh giá về cuộc gặp cấp cao liên Triều lần thứ 3 vừa qua.
Ông Lý Khắc Cường thông tin cho hai vị kia về hai chuyến đi Trung Quốc của ông Kim Jong-un và chuyến đi Triều Tiên của bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị.
Ông Abe và ông Moon Jae-in thông báo cho thủ tướng Trung Quốc biết về những cuộc trao đổi với ông Trump. Và cả ba đều muốn những chuyện họ quan tâm đều phải được đề cập đến ở cuộc gặp giữa ông Trump và ông Kim Jong-un.
Không chỉ có như thế. Bộ ba này hiện buộc phải gạt những bất hoà song phương sang bên để cùng nhau tạo thành tác nhân cùng quyết định tiến trình hoà bình đang diễn ra trên bán đảo Triều Tiên và ở khu vực.
Hàn Quốc cần Nhật Bản và Trung Quốc để tác động tới Mỹ và Triều Tiên không chỉ kiên định hoà giải với nhau mà còn giúp tiến trình không bị lệch hướng, tức là đảm bảo cho hoà giải giữa Hàn Quốc và Triều Tiên đồng điệu với hoà giải giữa Mỹ và Triều Tiên, bổ sung và hậu thuẫn lẫn nhau.
Trung Quốc và Nhật Bản cần Hàn Quốc để gây dựng vai trò xứng đáng và có phần lợi nhất cho họ trong cả chuyện hoà giải giữa Triều Tiên và Mỹ lẫn giữa Triều Tiên và Hàn Quốc.
Hai tiến trình này càng tiến triển vững chắc và tích cực thì cái cơ chế ba bên này càng thêm cần thiết và quan trọng đối với ba nước này.
*Tiêu đề do tòa soạn đặt lại