Thay vì tự hào về tuổi kinh nghiệm, thế hệ X lại phải đối mặt với vấn đề phân biệt tuổi tác nơi công sở
Là một trong những lực lượng lao động có tuổi đời, tuổi nghề cao nhất tại doanh nghiệp, nhưng Gen X lại đang đối mặt với mối lo lắng về "chỗ đứng" tại công ty, đặc biệt là khi Gen Z, Gen Y nổi bật bởi sự năng động và tiếp thu công nghệ nhanh chóng như hiện nay.
Theo trang Generation, quá trình "khủng hoảng thất nghiệp" của thế hệ X đã manh nha từ trước đại dịch, và COVID-19 đã khiến vấn đề này diễn biến phức tạp hơn. Gen X buộc phải gồng gánh nhiều hơn để tìm kiếm và giữ việc vì gặp rào cản tuổi tác.
Hoang đảo định kiến
Gánh chịu những bất công về tuổi tác từ xã hội, thế hệ X còn phải đối mặt với các đánh giá đầy định kiến khác. Nhiều doanh nghiệp mặc định những người trên 45 tuổi có kỹ năng làm việc không tốt bằng lực lượng lao động trẻ, mặc dù hiệu suất công việc là như nhau.
Những định kiến này không chỉ tồn tại trong quan điểm của nhiều doanh nghiệp, mà ngay cả với các đồng nghiệp trẻ tuổi hơn tại công sở cũng có cùng suy nghĩ.
T.P. (24 tuổi, nhân viên văn phòng, sống tại TP.HCM) bày tỏ quan điểm: "Với mình, các anh chị thế hệ X thường có tính cách cứng nhắc, quy củ nên mình rất ngại giao tiếp, ngay cả khi cần trao đổi công việc".
Chị V.K. (42 tuổi, quản lý cấp cao) chia sẻ: "Là người có hơn 20 năm kinh nghiệm trong công việc, và đang ở giữa thời gian chuyển giao giữa vị trí hiện tại lên một cấp bậc cao hơn, thay vì tự tin về kinh nghiệm và trình độ tay nghề dày dặn, ngược lại lý do về tuổi tác khiến tôi cảm thấy cơ hội phát triển trong ngành ngày một hẹp lại".
Hướng đi nào cho Gen X?
Có lợi thế là một trong những nhân sự thấu hiểu doanh nghiệp và nắm rõ các quy trình làm việc nhất, thế hệ X trên thực tế là thế hệ có thể trở thành mentor (người cố vấn) toàn diện cho các lớp nhân sự khác.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương - phó tổng giám đốc Công ty tư vấn nhân sự Talentnet - gợi ý: "Thế hệ X có thể phát triển theo hướng trở thành mentor, truyền lại kiến thức và kinh nghiệm cho các nhân sự trẻ.
Việc này giúp nhân sự Gen X có cơ hội trau dồi kỹ năng định hướng và thể hiện giá trị riêng của mình, đồng thời còn giúp củng cố khối nhân sự vững mạnh cho doanh nghiệp.
Có thể nói, trở thành cố vấn giống như để lại một di sản cho các thế hệ mai sau khi Gen X nghỉ hưu hoặc chuyển giao công việc".
Với tuổi nghề lâu năm, nhân sự gen X có cái nhìn thấu đáo trong việc đánh giá vấn đề. Vì thế, họ cũng có nhiều kinh nghiệm và góc nhìn đa chiều hơn trong việc đưa ra giải pháp cho công việc.
Để phát huy điều đó, Gen X có thể áp dụng một số phương pháp khi làm việc để trở thành một "mentor" đúng nghĩa:
• Đặt câu hỏi để hướng nhân sự trẻ tự tìm kiếm câu trả lời.
• Thay vì áp đặt quy tắc làm việc, nên đưa ra gợi ý và góc nhìn để các nhóm nhân sự hiểu rõ và hợp tác làm đúng.
• Thoải mái chia sẻ góc nhìn, kinh nghiệm thực tiễn để cùng "đồng đội" rút kinh nghiệm.
• Ở vị trí của người quản lý cấp cao, Gen X có thể chủ động cải tiến các quy chuẩn, quy trình làm việc quan trọng nhằm giúp các thế hệ hợp tác trơn tru và hiệu quả hơn.
Trở thành cố vấn toàn diện vừa giúp Gen X phát triển và trau dồi bản thân,vừa đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp
Cũng không thể bỏ qua vai trò của doanh nghiệp trong việc giúp nhóm nhân sự "có cả tuổi đời lẫn tuổi nghề" trong hành trình trở thành một người cố vấn tiềm năng.
"Doanh nghiệp có thể khuyến khích thế hệ X phát triển và tạo ra nhiều giá trị cho công ty thông qua việc "tận dụng" kinh nghiệm của nhóm nhân sự này. Cụ thể, doanh nghiệp có thể tổ chức các khóa đào tạo nội bộ và trao quyền "đứng lớp" cho nhân sự Gen X, từ đó tạo cơ hội để họ khẳng định vai trò và giá trị của mình với lớp nhân viên nhỏ tuổi.
Ngoài ra, các giải thưởng tôn vinh sự cống hiến và năng lực của Gen X sẽ là món quà khuyến khích tinh thần hiệu quả", bà Hương khuyên.