Số chấm động cơ ô tô là gì?
Số chấm động cơ là thể tích hay dung tích xi-lanh của động cơ, thường được tính bằng Lít (L) hay Cubic Centimeters (cc). Với động cơ 1 xi-lanh, dung tích động cơ cũng là dung tích xi-lanh. Còn với động cơ nhiều xi-lanh, dung tích động cơ chính là tổng dung tích của các xi-lanh.
Số chấm động cơ là thể tích hay dung tích xi-lanh của động cơ. (Ảnh minh họa: Motor1)
Chẳng hạn, xe sở hữu một động cơ 5 xi-lanh và dung tích mỗi động cơ khoảng nửa lít thì có dung tích khoảng 2.5L.
Ngoài ra, người ta thường ký hiệu như I5, V8, W12. Các ký hiệu này là kiểu sắp xếp các xi-lanh trong động cơ theo kiểu thẳng hàng chữ I, chữ V hay W. Chữ số phía sau là số lượng xi-lanh trong động cơ.
(Lưu ý: 1 lít = 1 dm3 = 1000 cm3 = 1000 cc = 1000 phân khối).
Số chấm động cơ có quyết định tất cả?
Theo chuyên gia, số chấm càng lớn thì động cơ càng lớn và càng cần nhiều nhiên liệu. Tuy nhiên, một động cơ có số chấm lớn chưa chắc đã mạnh hơn động cơ có số chấm nhỏ hơn. Bởi sức mạnh của động cơ ô tô còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như turbo (tăng áp), hút khí tự nhiên, phun nhiên liệu trực tiếp, hệ thống điều khiển cam thông minh...
Với động cơ đốt trong, sự phát triển của công nghệ ngày càng làm cho thông số dung tích động cơ giảm dần vai trò và không còn là yếu tố quyết định lớn đến sức mạnh của xe.
Việc áp dụng một loạt các công nghệ mới giúp cho các loại động cơ dung tích nhỏ có thể tạo ra công suất lớn, trong đó đáng chú ý nhất là kỹ thuật tăng áp bằng Turbo. Một dòng động cơ tăng áp hiện đại có thể tạo ra sức mạnh cao gấp 1,5 lần so với loại động cơ thông thường cùng dung tích. Nói cách khác, công suất mà một loại động cơ trang bị turbo tăng áp tạo ra có thể tương đương công suất của động cơ dung tích lớn hơn 50%.
Điển hình là động cơ EcoBoost của Ford với 3 máy dung tích 1.0 lít nhưng tạo công suất lên đến 125 mã lực, lớn hơn động cơ Toyota Vios 1.5 lít, tạo công suất 107 mã lực.
Như vậy, số chấm chỉ phản ánh thể tích của động cơ, còn xét về công suất phải xem xét nhiều yếu tố khác nữa.