Bạn đọc Nguyễn Thiên Hương (nữ, 36 tuổi, Ninh Thuận), hỏi: "Tôi đang ở một tỉnh vùng cao thuộc tỉnh Ninh Thuận. Trong một lần mẹ tôi bệnh, có đến bệnh viện tỉnh khám, tình cờ bác sĩ (BS) phát hiện mẹ tôi bị bệnh bướu cổ làm tôi rất lo lắng. Tuy nhiên, vì hoàn cảnh khó khăn, mẹ tôi từ chối điều trị. Thiếu i-ốt có phải là nguyên nhân gây bệnh ở tuyến giáp không vì nhà tôi ít khi dùng muối i-ốt mà chỉ dùng nước mắm và bột nêm khi nấu ăn. Gia đình tôi nên ăn gì để ngăn ngừa bệnh tuyến giáp. Nữ giới có nguy cơ bị tuyến giáp cao hơn đàn ông?"
BS Nguyễn Đức Vũ, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn, trả lời:
Tuyến giáp là tuyến nội tiết nằm trước sụn giáp, bao gồm nhiều nang giáp có chức năng tổng hợp, điều hòa chuyển hóa của cơ thể, kích thích hoạt động, phát triển của nhiều cơ quan, bảo đảm cho các chức năng sống cơ bản.
Các bệnh lý của tuyến giáp đều dẫn đến phì đại tuyến giáp, nên còn gọi là bệnh bướu giáp.
Có 4 loại bệnh tuyến giáp gồm: suy giáp, cường giáp, bướu cổ đơn thuần và ung thư tuyến giáp.
Trong đó, bướu cổ đơn thuần rất thường gặp và lành tính (ở nữ nhiều hơn nam) là tình trạng tuyến giáp tăng về thể tích, có thể lan tỏa hay khu trú nhưng không có rối loạn hoạt động của tuyến giáp.
Nguyên nhân cơ bản gây bướu giáp đơn thuần thường do thiếu i-ốt hoặc có thể do chế độ ăn một số thực phẩm (rau, đậu, củ…) gây bướu cổ.
Ngoài bổ sung đầy đủ i-ốt có trong muối thì cũng nên ăn nhiều thức ăn có nhiều muối như hải sản, trứng, sữa…
Nếu bệnh tuyến giáp được chẩn đoán sớm, điều trị và theo dõi cẩn thận từ BS nội tiết thì bệnh sẽ phục hồi tốt. Tuy nhiên, tùy vào tình trạng và kích thước khối bướu, bệnh nhân có thể được điều trị nội khoa bằng thuốc hoặc phẫu thuật.
Trường hợp mẹ bạn, khi được BS chẩn đoán là bướu cổ đơn thuần thì nên đến bệnh viện chuyên khoa điều trị càng sớm càng tốt, khả năng hồi phục sẽ tốt hơn.