Có nữ sinh bỏ ra 5-7 triệu đồng mỗi ngày để dùng bóng cười

DƯƠNG LIỄU |

Viện sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) mỗi ngày tiếp nhận hàng chục trẻ vị thành niên sử dụng chất gây nghiện vào viện. Theo đó, tỉ lệ sử dụng bóng cười, cần sa, thuốc lắc… chiếm phần lớn, nhiều nhất trong số này là bóng cười.

Các loại kẹo viên, keo hít, bóng cười, hút shisha, cỏ Mỹ... có thể mua dễ dàng trong các quán cà phê, ngoài đường phố - Ảnh: T.T.D.

Các loại kẹo viên, keo hít, bóng cười, hút shisha, cỏ Mỹ... có thể mua dễ dàng trong các quán cà phê, ngoài đường phố - Ảnh: T.T.D.

BS CKII Bùi Nguyễn Hồng Bảo Ngọc, phòng điều trị nghiện chất Bệnh viện Bạch Mai, chia sẻ tại hội thảo về tình trạng sử dụng chất gây nghiện ở thanh thiếu niên vừa được tổ chức.

Chi 7 triệu đồng/ngày để hít bóng cười

BS Ngọc cho biết nhiều trường hợp các bạn trẻ rất hiểu biết về tác hại của các loại chất nghiện này, nhưng vẫn lựa chọn sử dụng. Chủ yếu do hai yếu tố là môi trường (người thân có sử dụng chất kích thích) hoặc yếu tố tâm lý (stress, muốn khẳng định bản thân…).

BS Ngọc dẫn chứng, có trường hợp nữ sinh bỏ ra 5-7 triệu đồng/ngày để sử dụng bóng cười. "Nữ bệnh nhân tuổi vị thành niên chi 5-7 triệu đồng/ngày dùng bóng cười, đến nay đã phải nhập viện 3 lần. Điều đáng nói, bệnh nhân còn tìm hiểu rất kỹ về bóng cười, biết rằng khi sử dụng nhiều N2O sẽ thiếu hụt vitamin B12. Vì vậy, sau khi dùng còn thuê người đến nhà tiêm truyền vitamin B12. Khi nhập viện, qua xét nghiệm, nữ bệnh nhân không thiếu vitamin B12 mà thiếu hồng cầu do tác hại của bóng cười", BS Ngọc nói.

Các bác sĩ lý giải do bóng cười khá dễ thử và cho cảm giác sảng khoái nhưng nhanh hết, nên người trẻ dùng nhiều.

Một ca bệnh khác là một nam sinh 16 tuổi, ở Hà Nội, nhập viện tháng 6-2022. Nam sinh dùng chất gây nghiện từ lớp 9, chủ yếu cần sa, sau đó dùng thêm bóng cười, ketamine. "Cậu bé này cũng tìm hiểu kỹ là dùng mấy hơi sẽ như thế nào, ví dụ 5 hơi em sẽ bị quá liều, 3 hơi là phê", BS Ngọc cho biết.

Cảnh giác với nhiều loại chất gây nghiện mới nổi

PGS.TS Nguyễn Văn Tuấn - viện trưởng Viện sức khỏe tâm thần - cho biết trước đây đối tượng dùng chất gây nghiện chủ yếu là nam giới. Hiện nay xuất hiện nhiều chất gây nghiện mang tính giải trí (cần sa, khí cười…), tỉ lệ sử dụng giữa nam và nữ không chênh lệch nhiều.

PGS.TS Tuấn chia sẻ trước đây, chất gây nghiện chủ yếu là thuốc phiện sau đó thêm heroin, rượu, thuốc lá, thuốc lá điện tử.

Hiện nay, chất gây nghiện phong phú hơn với sự xuất hiện của ketamine, thuốc lắc, nấm ảo giác, khí cười... Bên cạnh đó, còn có xu hướng trộn nhiều loại với nhau, tăng cảm giác kích thích khi sử dụng.

Thông tin thêm về chất gây nghiện mới, TS Lê Thị Thu Hà - trưởng phòng điều trị nghiện chất, Viện sức khỏe tâm thần - cho biết thời gian gần đây thị trường chất gây nghiện xuất hiện các chất gây nghiện mới như kẹo sôcôla, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng (chứa cần sa).

"Cần sa, đặc biệt là cần sa tổng hợp, khi sử dụng liên tục sẽ kích hoạt gene gây loạn thần của người bệnh. Sau này trẻ thường bị rối loạn tâm thần mãn tính", TS Hà thông tin.

Các bác sĩ khuyến cáo để tránh việc trẻ vị thành niên nghiện các chất, cha mẹ, người thân cần thường xuyên quan tâm, chia sẻ với trẻ, có thái độ dứt khoát khi phát hiện trẻ có sử dụng chất gây nghiện.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại