Bên cạnh sự thành khẩn và tinh thần không đổ lỗi của ông Thăng, điều chạm mạnh nhất đến lòng trắc ẩn của nhiều người, chính là đoạn ông nhắc về bố già, con dại.
Gia đình luôn là nơi nương náu đầu tiên và trú ẩn cuối cùng của mỗi người. Nếu ai đó không còn an ổn, hạnh phúc giữa tổ ấm của chính mình, người đó sẽ gặp bất hạnh lớn nhất.
Khi đọc lời bào chữa của ông Thăng, tôi tự hỏi: Tại sao mình lại chùng xuống?
Mấy năm gần đây, tại sao rất nhiều bị cáo nhắc đến bố mẹ già, con thơ trước toà như Hà Văn Thắm, Nguyễn Minh Hùng VN Pharmar, Dương Tự Trọng... nhưng không ai có thể gây ra cảm xúc mạnh như ông Đinh La Thăng?
Và tôi nhận ra hai điều có thể trả lời cho câu hỏi ấy.
Thứ nhất, ông Thăng là quan chức cấp cao nhất đến nay bị đưa ra xét xử. Một người khi đã ở trên vị trí rất cao, khi hối hận sâu sắc, nhận trách nhiệm hoàn toàn, không quanh co đổ tội, sẽ mang đến một sự ngạc nhiên không nhỏ.
Thứ hai, kể cả cho đến lúc này, không thể phủ nhận là còn rất nhiều người yêu quý ông Thăng. Sự yêu quý đó có được từ những ngày ông đã có những phát ngôn và hành động quyết liệt khi làm Bộ trưởng Giao thông, Bí thư thành ủy.
Khi người ta ác cảm với ai đó, thì kể cả nhìn thấy giọt nước mắt thật của người kia, họ cũng dễ cho là nước mắt cá sấu.
Khi người ta yêu quý một ai đó, cảm xúc sẽ mạnh hơn khi nhìn thấy những giọt nước mắt của người đó, nhất là những giọt nước mắt nhỏ xuống vì cha già, con dại, nhỏ xuống vì nguyện ước cuối cùng là "làm ma tự do" chứ không làm ma tù tội.
Đọc bài tự bào chữa của ông Thăng, nhiều độc giả đã khóc còn vì họ tiếc: Giá như giữ được mình trong tiền vận, thì hậu vận hành động quyết liệt, truyền cảm hứng của ông Thăng sẽ rất tốt đẹp trong gia đình và trong lòng người.
Nếu những lời đau đớn của ông Đinh La Thăng khiến người yêu quý ông chợt nảy sinh ý nghĩ xin lấy công để bù hết tội, thì theo tôi, giá trị của những sám hối ấy sẽ giảm đi rất nhiều.
Một chiến tướng trong lĩnh vực chống buôn lậu ở Việt Nam đã thốt ra nhận xét: Đau đớn quá. Một người nguyên UVBCT mà phải thốt lên những lời như vậy.
Cầu mong những ai có chức quyền hãy xem, hãy nhìn và tự vấn lương tâm mình đi... hãy cố mà làm người tử tế. Nhân dân biết hết cả đấy. Ai tốt? Ai xấu?".
Trong tố tụng và cả công lý, công trạng quá khứ và thái độ thành khẩn của một bị cáo, được xem là tình tiết giảm nhẹ, chứ không thể là kim bài miễn tội.
Xã hội sẽ ra sao khi một kẻ giết người luôn tìm cách cứu người để xoá bỏ tội ác? Theo góc nhìn nhà Phật, nói một lời xúc phạm ai đó, cũng thành khẩu nghiệp xấu. Đã là nghiệp xấu thì buộc phải trả. Khắc phục tốt thì phải trả nhẹ hơn, chứ nghiệp không biến mất.
Một bản án hợp tình hợp lý đối với ông Đinh La Thăng vừa đảm bảo cho sự răn đe nghiêm minh của pháp luật vừa khiến những lời đau đớn của ông Thăng có ý nghĩa cảnh tỉnh mạnh hơn bao giờ hết.
Nếu một người có tội được tha bổng chỉ vì thành tích quá khứ và những lời gây xúc động thì tới đây các phiên toà sẽ thành nơi kể công và trình diễn nước mắt.
Trong lời tự bài chữa, Trịnh Xuân Thanh đã "xin lỗi anh Đinh La Thăng". Ngoài việc cảm ơn các cơ quan tố tụng, cảm ơn phạm nhân cùng phòng đã động viên, ông Thăng đã xin lỗi Đảng, nhân dân và cán bộ dầu khí vì sai phạm của mình.
Hai ông không đưa ra một lời xin lỗi nào với người thân, nhưng ai cũng có thể nhận thấy gia đình chính là điều dày vò lớn nhất đối với họ.
Dù bản án chưa được tuyên, nhưng dư chấn nghẹn ngào ở phiên toà đã trở thành lời cảnh báo rúng động và sâu sắc nhất đối với những người có vị trí nhưng chưa "cố sống tử tế", chưa biết "tự vấn lương tâm" như nhận xét phía trên của vị quan chức không chấp nhận sống chung với bọn luôn lậu.
Đó là điều mà không phải ai, không phải phiên toà nào cũng làm được.