New York và Hồng Kông có nhiều điểm tương đồng có thể so sánh, đầu tiên là diện tích của hai thành phố này:
- New York có khoảng 8,4 triệu người,
- Hồng Kông có khoảng 7,5 triệu người.
Do giá đất đắt đỏ nên 2 thành phố này đều xây dựng những tòa nhà cao tầng và người dân phải sống tại những khu có mật độ cao, cụ thể:
- Mật độ dân số bình quân ở Hồng Kông là 7.100 người/1km2,
- Ở thành phố New York, con số này là trên 10.000/1km2.
Từ đó có thể hiểu rằng, trên thực tế rất khó để có thể giữ được khoảng cách khi đi tàu điện ngầm hay trong thang máy. Mặc dù vậy, hai thành phố tầm cỡ thế giới này lại bị ảnh hưởng rất khác nhau bởi Covid-19:
- 50 ngày, sau khi ở đây ghi nhận có ca lây nhiễm thứ 100, thì thành phố New York có tổng cộng 169.690 ca lây nhiễm, tức là nhiều hơn tổng số ca lây nhiễm ở Đức hiện nay.
- Cùng thời gian đó Hồng Kông ghi nhận chỉ có 1.025 trường hợp.
Nguyên nhân khác biệt
Tính đến ngày 7/5, đã có 19.174 người ở New York tử vong vì Covid-19, số người chết ở Hồng Kông chỉ là 4 người. Tại sao lại có những khác nhau một trời một vực như vậy?
Cả hai đều là trung tâm kinh tế phát triển cao, điều đó có nghĩa là có điều kiện thuận lợi để chống dịch bệnh. Không chỉ là trung tâm giao lưu buôn bán và giao thông quốc tế, cả hai đều đặc biệt nhạy cảm với đại dịch: cả hai đều có cảng quan trọng và có sân bay phục vụ các hãng hàng không lớn trên thế giới để toả ra khắp thế giới.
Năm 2018, thành phố New York đón tiếp trên 65 triệu du khách, tại Hồng Kông con số này năm qua là 56 triệu. Mỗi người khách mới đều là người có khả năng tiềm tàng mang theo virus gây bệnh.
New York là nơi có cộng đồng người Hoa lớn nhất bên ngoài châu Á. Theo thống kê của Mỹ, trong năm 2014, New York có hơn 570.000 người gốc Hoa. Tuy xuất phát điểm có nhiều điểm giống nhau nhưng diễn biến của đại dịch lại rất khác nhau ở hai địa phương này.
Hôm 23/1, khi Vũ Hán thực hiện đóng cửa thành phố thì Hồng Kông mới có hai ca nhiễm Covid-19 đầu tiên. Các nhà lãnh đạo ở Hồng Kông sực nhớ đến dịch Sars năm 2003. Kết quả: thành phố rung chuông báo động.
Chính quyền bố trí kiểm tra xét nghiệm liên tục, cách ly những người bị lây nhiễm, những người mới đến phải theo dõi kiểm dịch. Trường học đóng cửa, mọi buổi lễ hoặc các sinh hoạt đông người đều bị bãi bỏ, từng bước hạn chế nhập và xuất cảnh, đến cuối tháng 3 chính quyền Hồng Kông chỉ cho công dân Hồng Kông được nhập cảnh.
Theo một cuộc điều tra công bố trên tạp chí chuyên đề Lancet, 99% cư dân Hồng Kông cho đến nay khi ra khỏi nhà đều đeo khẩu trang.
Nhờ những thay đổi như thế này trong cuộc sống hàng ngày cho nên cho đến nay Hồng Kông không cần phải áp dụng biện pháp phong toả toàn diện.
Mãi đến đầu tháng 3, New York mới ghi nhận vụ nhiễm Covid đầu tiên. Tuy nhiên virus đã lẳng lặng lan truyền từ nhiều tuần trước đó trong thành phố, theo xác nhận sau này của giới khoa học.
Do thiếu thực hiện các xét nghiệm cho nên thoạt đầu các cơ quan y tế không phát hiện được điều gì.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngay cuối tháng 1 đã ra lệnh cấm nhập cảnh đối với những người trước đó 14 ngày đã từng ở Trung Quốc - tuy nhiên những người nhập cảnh từ châu Âu lại được cho là những người mang mầm bệnh tới Mỹ.
So sánh với các thành phố khác cũng bị ảnh hưởng nặng bởi đại dịch ở Mỹ thì New York thực hiện tương đối muộn yêu cầu công dân không ra khỏi nhà. Khi các ca lây nhiễm tăng vọt thì hệ thống y tế không đáp ứng nổi yêu cầu phục vụ của quá đông bệnh nhân. Sự khác biệt quá lớn về mặt xã hội của thành phố cũng ảnh hưởng nghiêm trọng. Có thể nói, New York đã có nhiều sai sót trong quá trình chống dịch so với Hồng Kông.