Cổ nhân với lưỡi và răng rồng

Ninh Thị Thơ |

Rồng là sinh vật thần thoại, song với một số nền văn hóa, nó có thật.

Người ta ngộ nhận lưỡi rồng có thể mời gọi phú quý, xua đuổi vận xui; răng rồng là thuốc chữa khỏi nhiều bệnh tật khó trị và vì thế cố gắng tìm bằng được chúng để sử dụng.

Lưỡi rồng

Trong kho tàng thần thoại của cả phương Đông lẫn phương Tây, rồng đều chiếm lĩnh vị trí quan trọng. Nó là biểu tượng của sự mạnh mẽ, được tôn kính và nể sợ nhất.

Ngay cả người xưa cũng biết, rồng chỉ là sinh vật tưởng tượng. Tuy nhiên, không phải tất cả các nền văn hóa đều như vậy. Tại khu vực Địa Trung Hải, trong văn hóa Malta, rồng là con vật có thật từng sống trong thuở hồng hoang và lưỡi rồng hóa thạch - glossopetrae là bùa xua hung gọi cát hữu hiệu nhất.

Người Malta tin, lưỡi rồng hóa thạch là lưỡi của những con rắn độc đã bị Thánh Paul biến thành đá. Triết gia kiêm nhà tự nhiên học người La Mã nổi tiếng, Pliny Già (23 - 25/8/79 CN), tác giả của cuốn sách được xem như bách khoa toàn thư thời cổ đại - Lịch sử Tự nhiên (Naturalis Historia) thì cho rằng lưỡi rồng rơi xuống từ thiên đường, trong thời gian nguyệt thực. Thú vị là, người Malta thật sự tìm ra “lưỡi rồng hóa thạch”.

Tất nhiên, vì không tồn tại sinh vật gọi là rồng, nên lưỡi rồng hóa thạch mà họ tìm thấy chỉ là răng của cá mập hóa thạch. Suốt nhiều thế kỷ, người ta lấy những chiếc răng hóa thạch này mài thành bột, trộn chung với nhiều dược liệu khác làm thuốc giải độc, chữa rắn cắn. Nhất là dùng nó để làm bùa, đeo trước ngực với mục đích xua đuổi vận xui, mời gọi thần tài và bói toán tương lai.

Phải đến thời kỳ Phục hưng (thế kỷ XV - XVII), phương Tây mới phát hiện sự thật về lưỡi rồng hóa thạch. Người có công đầu là nhà giải phẫu, địa chất học Nicolaus Steno (1638 - 1686, Đan Mạch). Ông đã mổ xẻ đầu cá mập mới đánh bắt được và so sánh với lưỡi rồng hóa thạch, đưa ra kết luận chúng chính là một.

Cổ nhân với lưỡi và răng rồng- Ảnh 1.

Răng rồng

Nói đến rồng, không thể thiếu văn hóa Trung Quốc tôn sùng rồng như biểu tượng của sự thịnh vượng, trí tuệ, sức mạnh thần thánh... Chí ít là từ 3.000 năm trước, người Trung Quốc đã thờ rồng.

Theo các miêu tả từ văn bản cổ và hình vẽ cổ của Trung Quốc thì rồng là sinh vật thân dài như rắn, có vảy, có chân, có râu… nhưng, xương và răng hóa thạch được người Trung Quốc dùng để điều chế phương thuốc Long cốt - là tổ hợp của voi răng mấu, tê giác, ngựa… các động vật có vú cỡ lớn đã tuyệt chủng và không có con nào là khủng long, sinh vật có thật gần với rồng nhất.

Y học cổ truyền Trung Quốc tin tưởng Long cốt là thuốc quý chữa được nhiều bệnh nan y. Văn bản y học sớm nhất được tìm thấy có viết về Long cốt là “Thần nông Bản thảo kinh” được viết trong khoảng năm 200 - 250 sau Công nguyên. Nó khẳng định, xương rồng cực kỳ hiệu nghiệm trong chữa trị các căn bệnh do bị ma ám (ngày nay là bệnh rối loạn tinh thần).

Thời cổ đại, Long cốt thường dưới dạng “đại hoàn đơn”. Các lang y nung xương hóa thạch mà họ tin là xương rồng thành tro, vo lại thành viên và cho người bệnh uống. So với xương rồng, răng rồng được cho là linh nghiệm hơn nên bị săn lùng ráo riết và có giá thành cao hơn.

Thế kỷ XVI, “thần y” Lý Thời Trân (1518 - 1593) biên soạn “Bản thảo Cương mục”, từ điển bách khoa về dược vật học, tác phẩm y học hoàn chỉnh và chi tiết nhất trong lịch sử Đông y. Ông viết, nơi thuận lợi nhất để tìm kiếm răng rồng là núi Thái Sơn.

Nhiều thầy thuốc nổi tiếng sau Lý Thời Trân cũng nhắc đến răng rồng, cho rằng chúng có nhiều ở Đàm Châu, Thương Châu… nhưng chất lượng cao nhất là ở Thái Nguyên. Thế kỷ XVIII, Long cốt được dùng làm phương thuốc chữa cả các bệnh về tim, thận, ruột, gan, thậm chí là táo bón, tiêu chảy…

Trung Quốc quả thật là vùng đất giàu hóa thạch sinh vật cổ đại. Hai tỉnh Quý Châu và Vân Nam là thánh địa thời Tiền Cambri, lưu giữ các hóa thạch cổ sinh có niên đại lên tới hàng trăm triệu năm.

Cổ nhân với lưỡi và răng rồng- Ảnh 2.

Chỉ tính riêng trong năm bùng nổ Long cốt 1885, 20 tấn xương hóa thạch đã được vận chuyển qua các cảng của đất nước này. Thời gian gần đây, hầu hết các phát hiện mới về khủng long cũng đều ở Trung Quốc.

Trải qua nhiều nghiên cứu, y học khẳng định, hóa thạch không chứa bất cứ vitamin hay khoáng chất nào có tác dụng chữa bệnh hoặc cải thiện sức khỏe cho con người.

Điều này đồng nghĩa với Long cốt hoàn toàn vô hiệu. Bất chấp điều đó, người Trung Quốc vẫn tin dùng Long cốt. Tại các khu vực giàu hóa thạch, nhiều nông dân vẫn làm giàu nhờ bí mật khai thác xương, răng hóa thạch, buôn bán “chui”.

Giống như thời cổ đại, Long cốt ngày nay vẫn là thuốc chữa trị trầm cảm, động kinh, rối loạn lo âu và mất ngủ. Mặc dù không có bằng chứng y học nào cho thấy Long cốt chữa khỏi các bệnh trên, nhưng chúng là nguồn cung cấp canxi đáng kể.

Theo ancient-origins

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại