Nhiều doanh nhân của Việt Nam khởi nghiệp từ Đông Âu bắt đầu với ngành thực phẩm, mà cụ thể là kinh doanh mì gói. Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng và sáng lập Sun Group Lê Viết Lam cùng nhau xây dựng thương hiệu mì Mivina nổi tiếng Ukraine sau đó bán lại cho Nestlé với giá 150 triệu USD vào năm 2010.
Bộ đôi tỷ phú Nguyễn Đăng Quang (Chủ tịch Masan Group) và Hồ Hùng Anh (chủ tịch Techcombank) kinh doanh mì gói tại Nga, từng sở hữu nhà máy công suất 30 triệu gói mì mỗi tháng.
Ông Ngô Chí Dũng (Chủ tịch VPBank) và ông Đặng Khắc Vỹ (Chủ tịch VIB) cùng nhau khởi nghiệp với thương hiệu mì Rollton nổi tiếng nước Nga. Sau đó về Việt Nam, cả hai là những người sáng lập Ngân hàng VIB.
Có những người không còn dính dáng gì đến ngành mì, ông Phạm Nhật Vượng và ông Ngô Chí Dũng đi theo con đường bất động sản hay ngân hàng. Nhưng còn hai người vẫn gắn bó với sản phẩm đã giúp họ thành công trong những ngày đầu bên cạnh hoạt động kinh doanh khác.
Ông Nguyễn Đăng Quang phát triển Masan Consumer, nổi tiếng với mì "Omachi" và "Kokomi", nằm trong số những thương hiệu mì được ưa chuộng nhất Việt Nam. Hiện Masan Consumer có vốn hóa thị trường gần 4 tỷ USD.
Ông Đặng Khắc Vỹ và Ngân hàng VIB có mối liên hệ mật thiết với Uniben, chủ thương hiệu mì "3 miền" và "Reeva".
Tuy nhiên ít người biết rằng, ông Đặng Khắc Vỹ là người duy nhất trong thế hệ những "tỷ phú bán mì" tiếp tục duy trì mảng kinh doanh này tại Đông Âu với quy mô hết sức đáng nể. Các tài liệu của Ngân hàng VIB cho biết ông Đặng Khắc Vỹ còn là Chủ tịch của Công ty TNHH Mareven Food Holdings, có trụ sở tại Cộng hòa Síp.
Ông Vỹ giữ chức vụ Chủ tịch/TGĐ của Mareven cho đến tháng 9/2019. Hiện tại với vai trò là Chủ tịch HĐQT của ngân hàng, theo quy định thì ông Vỹ sẽ không đảm nhiệm chức vụ tại doanh nghiệp nào khác.
Mareven Food Holdings thực chất là công ty holding, qua đó vận hành hoạt động sản xuất và kinh doanh mì tại Nga (thông qua Mareven Food Central), tại Ukraine (thông qua Mareven Food Europe), và tại Kazakhstan (thông qua Mareven Food Tian Shan).
Trong 3 quốc gia này, Nga là thị trường lớn nhất tiêu thụ khoảng 2 tỷ phần mì năm 2020 (xếp thứ 12 thế giới). Ukraine tiêu thụ 320 triệu phần và Kazakhstan tiêu thụ 280 triệu phần.
Thị phần mì Mareven tại Nga (Nguồn: Nissin)
Quy mô của Mareven tại Nga là rất đáng nể, trong đó nổi tiếng nhất là thương hiệu mì Rollton.
Định giá gần 900 triệu USD từ năm 2008
Năm 2008, Nissin – công ty mì hàng đầu của Nhật Bản đã mua lại 33,5% cổ phần Mareven Food Central với giá 296,4 triệu USD, tương ứng định giá công ty vào khoảng 885 triệu USD. Mareven thời điểm đó nắm 41% thị phần mì nước Nga, ở vị thế thống lĩnh. Nissin trở thành cổ đông chiến lược của Mareven Food Central, chuyển giao sang công nghệ sản xuất mì của Nhật.
Ở hiện tại, quy mô thị trường mì của Nga đã tăng lên rất nhiều. Báo cáo của Nissin cho biết, Mareven nắm khoảng 46% thị phần.
Đấy là riêng thị trường Nga, năm 2018, những ông chủ Việt Nam khánh thành nhà máy Mareven Food Tian Shan (Kazakhstan), công suất 400 triệu phần mì mỗi năm, thậm chí còn lớn hơn cả quy mô thị trường.
Như vậy có thể thấy, mảng kinh doanh mì của ông Đặng Khắc Vỹ vẫn ăn nên làm ra trên đất Đông Âu, sau 22 năm kể từ ngày lập nghiệp. Một trong những bước ngoặt quan trọng là bán cổ phần cho đối tác chiến lược Nissin. Ngoài ông Vỹ từng là Chủ tịch Mareven Holdings, ông Đỗ Xuân Hoàng - thành viên HĐQT VIB, đang là Tổng giám đốc Mareven Food Central (Nga).
Các nhà máy của Mareven tại Nga, Ukraine và Kazakhstan
Như đã đề cập, ông Đặng Khắc Vỹ và VIB có mỗi liên hệ với doanh nghiệp nằm trong top 5 nhà sản xuất mì Việt Nam - Uniben. Năm ngoái, công ty đạt doanh thu hơn 3.000 tỷ đồng và lợi nhuận hơn 200 tỷ đồng.
Thị trường mì Việt Nam còn lớn hơn nhiều so với Nga. Người Việt tiêu thụ hơn 7 tỷ phần mì năm 2020, xếp thứ 3 thế giới sau Trung Quốc và Indonesia.
Điều thú vị là cuộc chiến mì gói của các ông chủ Việt Nam từng diễn ra tại Nga nay được tái hiện ở Việt Nam trong một phiên bản nâng cấp.
Ông Nguyễn Đăng Quang sở hữu Masan Consumer tạo ra doanh thu gần 6.900 tỷ đồng riêng mảng mì, gấp 2,2 lần so với Uniben. Masan Consumer có được tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ, nhất là sau thời điểm Masan mua lại hệ thống siêu thị/cửa hàng tiện ích VinMart. Thống trị thị trường mì Việt Nam là Acecook (Nhật Bản), với doanh thu đạt trên 11.500 tỷ đồng.
Khối tài sản trị giá gần nửa tỷ USD tại VIB
Tại VIB, ông Đặng Khắc Vỹ cùng vợ và con trai đang trực tiếp sở hữu 14,9% cổ phần của ngân hàng này, tương ứng số cổ phiếu trị giá gần 10.700 tỷ đồng (465 triệu USD). Uniben cũng đang nắm 4,7% cổ phần của VIB.
Trong những năm gần đây, VIB đã duy trì được tốc độ tăng trưởng lợi nhuận rất ấn tượng. Năm 2022, ngân hàng này đặt mục tiêu 10.500 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 31%.