Đến nay, chúng ta chưa có số liệu chính thức là đang có bao nhiêu agency du lịch trực tuyến (OTA) trên toàn cầu. Tuy nhiên, đa số các báo cáo triển vọng về ngành OTA đều thừa nhận hai ông lớn là Booking Holdings, Expedia Group và các thương hiệu sở hữu bởi hai tập đoàn này đang cạnh tranh với hơn 400 đối thủ là các OTA nhỏ hơn. OTA nở rộ cũng dễ hiểu bởi giá trị tăng trưởng hằng năm của nó rất lớn, thị trường ngành này có thể đạt đến hơn 1.800 tỷ USD vào năm 2031.
Bên cạnh sự thuận lợi, du khách đặt giữ chỗ qua các OTA cũng phải cân nhắc kỹ lưỡng. Đã có nhiều người than vãn vì đã đặt chỗ, đã thanh toán nhưng khi đến nơi thì không có phòng, phòng không đúng mô tả hoặc khách sạn báo chưa nhận được thanh toán (với trường hợp khách thanh toán trước).
Dưới đây là một số lưu ý khi đặt phòng khách sạn qua OTA, theo kinh nghiệm xê dịch của Travel Blogger Dy Khoa.
Ưu tiên dịch vụ đặt phòng trực tuyến Việt Nam
Hiện tại OTA tại Việt Nam phát triển rất mạnh và đã có một số tên tuổi định hình được thị trường. Cần xem kỹ nếu là OTA nước ngoài nhưng có phiên bản tiếng Việt thì đã có văn phòng hoặc pháp nhân tại Việt Nam hay chưa.
Việc lựa chọn OTA Việt Nam (hoặc pháp nhân tại Việt Nam) sẽ giúp chúng ta được bảo vệ bởi pháp luật Việt Nam khi xảy ra các vấn đề trục trặc. Hoặc đơn giản nhất là sử dụng bằng ngôn ngữ mẹ đẻ sẽ luôn thuận tiện nhất khi có những chuyện không muốn lúc thực hiện chuyến đi.
Ngoài ra, ưu tiên dịch vụ đặt phòng trực tuyến Việt Nam cũng là cách giúp bạn có thêm kênh để khảo sát giá. Đôi khi các OTA Việt Nam có ưu đãi về giá rõ rệt so với các OTA quốc tế.
Nhận diện dịch vụ OTA tin cậy
Với hơn 400 dịch vụ đặt phòng trực tuyến đang vận hành trên toàn cầu, du khách rất dễ rơi vào ma trận và chúng ta cũng không loại trừ có những trang giả mạo hoặc trang cố tình được tạo ra để lừa người dùng. Chính vì vậy, cần tỉnh táo để chọn ra được OTA đáng tin cậy.
Nếu phát hiện một đặt phòng có giá rất rẻ so với các OTA khác thì khoan thực hiện thao tác đặt phòng. Bước đầu tiên là nên kiểm tra thật kỹ lại "lai lịch" của OTA đó. Các thông tin chúng ta cần kiểm tra là dịch vụ ấy có thuộc công ty nào không, nó ở nước nào, có quy định bảo vệ quyền lợi khách hàng ra sao và nếu được hãy đọc thêm các chia sẻ trải nghiệm ("review") của những người dùng trước đó ở một nền tảng thứ ba. Chúng ta không nên quá tin các review trên OTA bởi nó có thể được chính họ tạo ra.
Ngoài ra, bạn cũng nên tìm hiểu thật kỹ phương thức liên hệ của OTA đó. Thậm chí là thử trước kênh hỗ trợ xem nó có đang hoạt động hay không. Một số OTA buộc người dùng phải mua thêm các gói hỗ trợ thì mới được hỗ trợ - đây là điều mà du khách cũng cần cân nhắc.
Thanh toán hay không thanh toán trước đặt phòng trực tuyến?
Đây là câu hỏi mà cả người lần đầu lẫn người đã di chuyển nhiều lần, đến nhiều quốc gia vẫn hay lăn tăn. Trước câu hỏi này, vốn dĩ nó là một sự lựa chọn, mỗi người lại có suy nghĩ khác nhau. Một số lo lắng không thanh toán trước thì liệu phòng có được giữ. Một số lại lo ngại thanh toán như vậy lỡ khách sạn lật lọng thì sao.
Theo kinh nghiệm và quan điểm cá nhân, tôi vẫn ưu tiên thanh toán đặt phòng trực tuyến trước khi đến nơi bởi gần như chắc chắn chúng ta sẽ có phòng khi đến. Đồng thời giảm được lượng tiền mặt phải chuyển đổi ngoại tệ khi ra nước ngoài, giúp giảm các chi phí phát sinh.
Một số quốc gia có quy định ngặt nghèo về lượng tiền mặt mang vào cũng sẽ rất khó nếu chuyến đi dài ngày và đặt phòng cũng kéo dài. Với hình thức này, tôi sẽ giữ liên lạc với khách sạn qua những tin nhắn hoặc yêu cầu đặc biệt như nhận phòng sớm/trả phòng muộn để kiểm tra sự phản hồi. Nếu có bất kỳ sự nghi ngờ nào sẽ liên hệ với OTA để được trợ giúp.
Còn trong trường hợp OTA và khách sạn yêu cầu không thanh toán trước thì đành chấp nhận. Khi đó, tôi cũng giữ liên lạc với khách sạn. Đồng thời nên hỏi thêm về khả năng thanh toán bằng thẻ tại khách sạn.
Nếu đã thanh toán nhưng không nhận được phòng do bất kỳ nguyên nhân gì, hãy tập hợp các bằng chứng (tin nhắn trừ tiền, email giao dịch thành công, hình ảnh khách sạn...) và báo ngay OTA để nhận được hỗ trợ.