Bộ Công an đang lấy ý kiến các cơ quan, hiệp hội về dự thảo báo cáo giải trình một số nội dung mới trong Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Theo đó, tại kỳ họp 6 Quốc hội khóa XV vừa qua, khi đưa ra hội trường để thảo luận, Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ không phân hạng giấy phép lái xe mà giao cho Chính phủ quy định.
Tuy nhiên, qua ý kiến góp ý của một số đại biểu cũng như phân tích, đánh giá, Bộ Công an cho rằng, cần đưa nội dung phân hạng giấy phép lái xe vào dự thảo luật. Cụ thể, theo quy định đang có hiệu lực tại Luật Giao thông đường bộ 2008, giấy phép lái xe bao gồm 13 hạng: A1, A2, A3, A4, B1, B2, C, D, E, FB2, FD, FE, FC.
Trong đó, hạng A4 cấp cho người lái máy kéo có trọng tải đến 1.000kg. Hạng B1 cấp cho người không hành nghề lái xe điều khiển xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi; xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải dưới 3.500kg. Còn hạng B2 cấp cho người hành nghề lái xe điều khiển xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi; xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải dưới 3.500kg.
Tại dự thảo báo cáo đang lấy ý kiến, Bộ Công an đề xuất thay đổi một số hạng giấy phép lái xe. Cụ thể, bỏ hạng A4 và không quy định hạng giấy phép lái xe cho người điều khiển máy kéo vì căn cứ vào kiểu loại, công dụng của phương tiện, loại phương tiện này sẽ được xếp vào nhóm xe máy chuyên dùng. Đồng thời, đưa hạng B1 và B2 về cùng hạng B do căn cứ để phân hạng giấy phép lái xe là từ công suất, kiểu loại, động cơ, số chỗ ngồi.
Bộ Công an cũng cho biết, việc cấp giấy phép lái xe theo hạng mới sẽ được thực hiện đối với người cấp lần đầu và cho những giấy phép lái xe thuộc các trường hợp cấp đổi, cấp lại. Điều khoản chuyển tiếp sẽ quy định giấy phép lái xe cấp trước khi luật này có hiệu lực thi hành được tiếp tục sử dụng theo thời hạn và giá trị ghi trên giấy phép lái xe.
Là người từng thẩm tra nhiều dự án luật liên quan đến vấn đề giao thông đường bộ, ông Lê Việt Trường - nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội cho hay, nhiều nước trên thế giới không phân chia nhỏ các loại giấy phép lái xe như Việt Nam để đơn giản, giảm bớt thủ tục hành chính. Tuy nhiên họ đòi hỏi chất lượng đào tạo lái xe rất cao, nghĩa là phải đạt trình độ chuẩn như nhau. Đó mới là cái quan trọng, còn việc chia ra nhiều loại tuỳ thuộc vào mỗi quốc gia.
Ông Trường cũng cho rằng, hiện nay về công suất, kiểu loại, động cơ, số chỗ ngồi thì hạng B1 và B2 cũng tương đối gần nhau và cùng loại. Việc gộp hạng B1 với B2 để giảm bớt thủ tục giấy tờ cho đỡ phức tạp là điều cần thiết, nhưng cần tính toán lộ trình, và có bước đi hợp lý.
Trong khi đó, ông Bùi Danh Liên - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, mọi việc phải xuất phát từ quyền lợi của người dân. Nếu bỏ hạng B1 và B2 gộp chung thành hạng B để thuận lợi cho dân thì nên làm, nhưng tránh việc thêm nhiều thủ tục. “Thuận lợi, giản tiện thủ tục hành chính cho người dân thì càng tốt” - ông Liên nói.