Nội dung chính
- Không phải loại quần áo nào cũng cho được vào máy giặt ngay
- Cho quá nhiều hay quá ít đồ vào máy giặt đều không tốt
- Việc phân loại quần áo trước khi giặt là rất quan trọng
Nhắc đến những thiết bị điện tử, đồ gia dụng quen thuộc trong một gia đình, không thể bỏ qua cái tên máy giặt. Máy giặt ra đời hỗ trợ nhiều cho công việc làm sạch quần áo của con người, giúp tiết kiệm thời gian và công sức hơn. Cách sử dụng máy giặt khá đơn giản, chủ yếu bằng bảng điều khiển điện tử của thiết bị.
Tuy nhiên cũng có những lưu ý nhất định khi dùng thiết bị mà không phải ai cũng nắm rõ. Sau đây là một ví dụ. Đó là việc nhiều gia đình thường tận dụng máy giặt trở thành nơi chứa quần áo bẩn khi thiết bị không hoạt động. Hành động này có nên thực hiện hay không? Có ảnh hưởng gì tới thiết bị cũng như quần áo hay không?
Dưới đây là giải đáp từ các chuyên gia.
Chuyên gia đưa ra lời khuyên
Theo các đơn vị sản xuất và phân phối máy giặt lâu năm, về cơ bản việc cho thẳng quần áo bẩn vào máy giặt, khi thiết bị không hoạt động là được cho phép. Tuy nhiên, nó không nên được thực hiện thường xuyên, đặc biệt là với các loại trang phục quá ướt, hoặc quá bẩn, dính phải nhiều loại bùn đất cứng đầu.
Với quần áo quá ướt, để lâu trong lồng máy giặt, kết hợp với điều kiện ánh sáng, không khí không tốt, vô tình tạo môi trường lý tưởng cho vi khuẩn phát triển và sinh sôi. Từ đó, quần áo, thậm chí là lồng máy giặt sẽ có mùi hôi rất khó chịu, khó vệ sinh và làm sạch.
Với quần áo quá bẩn hay bị dính bùn đất cứng đầu cũng tương tự như vậy. Bùn đất còn có thể bám vào các cạnh, lồng máy giặt, gây ảnh hưởng tới thiết bị, gây tắc đường ống thoát nước...
Ngoài ra, Cleanpedia - chuyên trang của Unilever cũng nhấn mạnh, quần áo quá bẩn, dính bùn đất cho thẳng vào máy giặt còn tiềm ẩn nguy cơ cao gây ảnh hưởng đến những loại quần áo khác. Nếu giặt ngay với máy, quần áo cũng sẽ không được làm sạch triệt để.
Nguyên nhân là bởi đa phần các loại máy giặt hiện nay đều hoạt động theo một chu trình cố định. Nếu cho tất cả quần áo bao gồm quần áo dính bùn đất cứng đầu vào cùng một lần, máy không thể phân biệt được những vị trí cần làm sạch sâu hơn, kỹ hơn. Thay vào đó, máy sẽ chỉ hoạt động theo đúng 1 chu trình cơ bản, quần áo dính bùn sẽ không thể được làm sạch tối ưu, người dùng thậm chí còn phải giặt lại thêm nhiều lần nữa.
Chính vì vậy, nếu muốn tận dụng máy giặt làm nơi lưu trữ quần áo bẩn tạm thời, người dùng nên tiến hành phân loại quần áo. Với các loại chỉ bẩn nhẹ đơn thuần, thấm ít mồ hôi, có thể cho ngay vào máy giặt. Với các loại thấm nhiều mồ hôi hơn, nên để bên ngoài, có thể treo hoặc cho vào các giỏ đựng chuyên dụng để khô bớt.
Còn với những loại trang phục bị dính nhiều bùn đất cứng đầu, Cleanpedia khuyên rằng tốt nhất người dùng nên xử lý trước bằng cách giặt tay. Khi lớp bùn đất đã được xử lý tương đối, khoảng từ 80-90%, có thể cho vào máy giặt. Việc làm này giúp quần áo vừa được làm sạch tối ưu, vừa đảm bảo tuổi thọ cho chiếc máy giặt.
Lưu ý khi cho quần áo vào máy giặt
Không cho quá ít hoặc quá nhiều
Các chuyên gia đều khuyến cáo rằng, việc cho quá ít hay quá nhiều quần áo vào lồng giặt cùng lúc đều là không nên. Với việc cho quá ít quần áo, nó vô tình gây lãng phí điện năng.
Còn với việc cho quá nhiều, nó sẽ dễ khiến cho thiết bị bị quá tải, máy không thể chạy hoàn chỉnh chu trình của mình, thậm chí bị ngưng, kẹt trong quá trình hoạt động. Từ đó khiến quần áo không được làm sạch tối ưu, đồng thời lâu ngày cũng khiến máy bị suy giảm tuổi thọ.
Kiểm tra quần áo trước khi cho vào máy
Trước khi cho trang phục vào máy giặt, hãy kiểm tra kỹ và chắc chắn rằng, không có các vật lạ, đặc biệt là những vật có thể gây nguy hiểm bên trong quần áo của bạn. Danh sách những vật này có thể kể tới là đồ bằng giấy, kim loại, vật sắc nhọn hay bật lửa.
Với các loại áo, quần có khóa kéo, đảm bảo mở khóa toàn bộ, tất bị cuộn phải được gỡ ra và giũ thẳng, các ống quần hay tay áo cũng tương tự như vậy. Với những loại trang phục có chất liệu vải dễ rách hoặc co giãn, nên được cho vào túi lưới giặt riêng biệt để được bảo vệ tốt hơn.
Phân loại quần áo theo từng mẻ giặt
Trên thực tế, có rất nhiều loại quần áo, trang phục mà con người sử dụng hàng ngày, và không phải tất cả chúng đều có thể giặt chung với nhau. Vì vậy người dùng hãy phân loại quần áo theo từng mẻ giặt.
Có thể phân loại theo chất liệu, màu sắc hay mục đích sử dụng. Những loại quần áo có sự tương đồng cũng sẽ có thể giặt chung ở 1 chế độ, ví dụ giặt nhẹ, giặt sâu hay vắt 2 lần... Từ đó máy giặt sẽ đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ, đồng thời quần áo sau khi giặt xong vẫn giữ được độ bền đẹp.