Có nên cấm phượt thủ vào cung trekking Tà Năng – Phan Dũng sau vụ nam phượt thủ tử nạn?

TỨ QUÝ |

Sau vụ việc nam phượt thủ trẻ Thi An Kiện tử nạn, chính quyền sở tại đã có những phương án cụ thể khi nhiều ý kiến cho rằng nên cấm tổ chức các tour trekking cung đường Tà Năng – Phan Dũng.


Gia đình thuê đội cứu hộ riêng để đưa thi thể An Kiện về nhà

Sáng ngày 23/5, ông Hoàng Văn Duy – Chủ tịch UBND xã Phan Dũng cho biết gia đình Thi An Kiện (24 tuổi, TP. HCM) đã ký biên bản cam kết tự thuê một đơn vị riêng để tìm phương án đưa thi thể nam phượt thủ về nhà mai táng.

Có nên cấm phượt thủ vào cung trekking Tà Năng – Phan Dũng sau vụ nam phượt thủ tử nạn? - Ảnh 1.

Thi thể nam phượt thủ chưa được đưa ra khỏi thác Lao Phào. Hiện gia đình đang tìm cách đưa An Kiện về nhà.

Theo ông Duy, hiện tại tổ công tác công an tỉnh đã rời khỏi hiện trường sau khi hoàn tất công tác khám nghiệm.

Trong khi đó, thi thể Kiện dưới suối thác Lao Phào (xã Phan Dũng, huyện Tuy Phong, Bình Thuận) đang được một đơn vị cứu hộ do gia đình thuê, tìm cách đưa ra khỏi thác.

"Gia đình đang thuê một đơn vị riêng để xử lý thi thể để bỏ vào nilon, còn hiện tại thì chưa thể đưa xác từ dưới thác lên được vì địa hình cực kỳ hiểm trở, gây khó khăn cho đội cứu hộ", ông Duy nói.

Có nên cấm phượt thủ vào cung trekking Tà Năng – Phan Dũng sau vụ nam phượt thủ tử nạn? - Ảnh 2.

Gần hiện trường xuất hiện đồ vật nghi balo (dấu đỏ) của nam phượt thủ.

Tính đến hiện tại là ngày thứ 3 kể từ khi tìm ra An Kiện nhưng vẫn chưa thể đưa được thi thể nam phượt thủ ra khỏi khu vực thác Lao Phào.

Nhiều phương án đã được đưa ra, thậm chí tính đến chuyện thuê trực thăng để đưa anh về nhà nhưng địa hình đồi núi cao, hiểm trở khiến công tác cứu hộ gặp rất nhiều khó khăn.

Đề xuất phương án cắm các biển báo hướng dẫn dọc cung trekking Tà Năng – Phan Dũng

Liên quan đến cung đường Tà Năng – Phan Dũng luôn rình rập sự nguy hiểm đối với những nhóm phượt, nhiều ý kiến cho rằng nên cấm hoặc có biện pháp nào đó khắc chế, không cho tự ý vào địa điểm này cắm trại, trekking...

Tuy nhiên về vấn đề này, chính quyền sở tại vẫn đang khá băn khoăn trong việc quản lý như thế nào cho hợp lý.

Theo vị chủ tịch UBND xã Phan Dũng, hầu hết những người đi phượt đều là tự phát và cũng không có quy định nào cấm cá nhân hay tổ chức đi phượt. Chính vì vậy, việc phượt cung Tà Năng – Phan Dũng vào thời điểm này không khả thi.

Có nên cấm phượt thủ vào cung trekking Tà Năng – Phan Dũng sau vụ nam phượt thủ tử nạn? - Ảnh 4.

Cung đường Tà Năng - Phan Dũng đẹp hút hồn nhưng là thách thức lớn đối với dân phượt vì địa hình hiểm trở, dễ bị lạc.

Mặc dù vậy, ông Duy nhấn mạnh sau vụ việc nam phượt thủ Thi An Kiện tử vong tại Tà Năng – Phan Dũng, chắc chắn phải có biện pháp để khắc phục những rủi ro cho những người đi phượt.

"Trước mắt chúng tôi sẽ đề xuất phương án lên lãnh đạo huyện và tỉnh, làm những biển báo hướng dẫn, chỉ đường cắm tại cung đường này để dễ nhận biết.

Hầu hết phượt thủ đều xuất phát từ Tà Năng (Lâm Đồng) xuống Phan Dũng (Bình Thuận) rồi không may gặp sự cố", ông Duy nói.

Có nên cấm phượt thủ vào cung trekking Tà Năng – Phan Dũng sau vụ nam phượt thủ tử nạn? - Ảnh 5.

Thác Lao Phào (cung Tà Năng - Phan Dũng) với núi đá dựng đứng gồm 7 tầng là nơi nam phượt thủ tử nạn.

Được biết, khi biết được có một số người đi phượt đến địa bàn, chính quyền địa phương có kiểm tra giấy tờ để dễ kiểm soát, cũng như hỗ trợ nhưng đều bị từ chối hợp tác nên gây khó khăn cho công tác quản lý.

Hơn nữa địa bàn xã Phan Dũng rộng lớn, chủ yếu là rừng núi hiểm trở nên càng vất vả trong việc kiểm soát những người đi phượt.

"Khi các nhóm phượt xuống đến địa phận Phan Dũng chúng tôi có kiểm tra giấy tờ để dễ kiểm soát, bảo đảm sự an toàn nhưng họ phản ứng vì đây là đi du lịch tự phát, không làm gì sai nên chính quyền không có quyền kiểm tra", vị chủ tịch xã Phan Dũng chia sẻ.

Hiện chính quyền địa phương cũng đang tích cực hỗ trợ gia đình đưa thi thể phượt thủ Thi An Kiện ra khỏi rừng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại