Việc bọc hành lý ký gửi bằng nylon trước khi lên máy bay sẽ giúp hành lý không bị trầy xước, hư hỏng trong quá trình bốc dỡ hành lý, cũng có thể giảm nguy cơ bị trộm cắp đồ vật phía trong. Ngoài lợi ích vừa kể, giải pháp này liệu có nhược điểm nào không?
Có nên bọc hành lý ký gửi bằng nylon?
Câu trả lời là bạn không nên trong phần lớn trường hợp, bởi việc bọc hành lý ký gửi bằng nylon không thân thiện với môi trường và quá bất tiện.
Có nên bọc hành lý ký gửi bằng nylon? Cách này vừa bất tiện vừa không thân thiện với môi trường. (Ảnh: Miami Herald)
Một cuộc thảo luận sôi nổi về chủ đề "liệu bọc hành lý bằng nylon có phải là ý tưởng hay" từng được mở ra trên trang hỏi đáp Quora. Trong khi một số người cho rằng đây là cách hữu ích để bảo vệ vali khỏi hư hỏng, nhiều người khác lại chỉ ra rằng, vali hành lý được thiết kế để “chịu được vài cú va chạm”.
Trong khi đó, việc bọc nylon khiến môi trường phải chịu đựng thêm lượng rác thải nhựa không nhỏ. Để bọc một chiếc vali, bạn cần 20 mét màng bọc nylon. Chúng chỉ được dùng một lần trong vài giờ bay nhưng có thể mất ít nhất 100 năm để phân hủy. Vì thế, nó thực sự nguy hiểm đối với môi trường.
Ngoài ra, khi bọc nylon, nếu cần mở vali để giải quyết vấn đề thừa cân hoặc quên đồ, bạn sẽ mất thêm nhiều thời gian để xử lý chiếc vali đã được bọc kín của mình.
Vì thế, bạn chỉ nên bọc hành lý ký gửi bằng nylon nếu túi, thùng đựng của bạn không đủ chắc chắn, có nguy cơ bung vỡ, hoặc khi bạn muốn vận chuyển những món đồ nặng mùi, như sầu riêng chẳng hạn. Thường các hãng hàng không sẽ từ chối chuyên chở những mặt hàng này nếu không được bọc thật kỹ.
Những thứ không được để trong hành lý ký gửi
Để không gặp trục trặc trong quá trình chuẩn bị lên máy bay, bạn cần nắm chắc về những thứ không được cho vào vali hành lý ký gửi, bao gồm:
Hàng hóa nguy hiểm
Hàng nguy hiểm là các vật phẩm hoặc vật chất có thể gây rủi ro cho sức khỏe, tài sản hoặc môi trường. Nó bao gồm không chỉ những thứ có tính chất nguy hiểm rõ ràng như axít, chất phóng xạ, chất độc và chất nổ... mà còn cả những vật có vẻ vô hại như nam châm, xe lăn sử dụng ắc quy ướt, các dụng cụ thở với bình khí nén, tinh dịch bò được bảo quản trong đá khô, thuốc trừ sâu...
Hành khách cần liên hệ với các phòng vé, đại lý vé máy bay để đưa ra yêu cầu và làm các thủ tục cần thiết đối với các loại hàng nguy hiểm được vận chuyển theo dạng hành lý.
Hành lý dễ vỡ
Các vật dụng dễ vỡ như các sản phẩm thuỷ tinh, chai đựng rượu... không được chấp nhận vận chuyển như hành lý ký gửi.
Nếu hành khách yêu cầu vận chuyển những vật dụng dễ vỡ này theo đường hành lý ký gửi vì kích cỡ của nó không phù hợp để mang lên máy bay, hãng hàng không có thể chấp nhận với điều kiện hành khách phải chịu mọi rủi ro xảy ra trong quá trình vận chuyển.
Đồ tươi sống, dễ hư hỏng
Những vật phẩm tươi sống dễ hư hỏng không được vận chuyển dưới dạng hành lý ký gửi. Trong một số trường hợp, chúng có thể được chấp nhận nhưng hành khách phải chịu mọi rủi ro về các thiệt hại có thể xảy ra trong quá trình vận chuyển.
Những vật phẩm tươi sống phải được đóng gói chắc chắn để tránh gây thiệt hại đến những hành lý khác.
Trái sầu riêng, các loại mắm có đặc tính gây mùi khó chịu có thể bị từ chối vận chuyển dưới dạng hành lý ký gửi và hành lý xách tay. Nếu chúng được bao gói kỹ càng không thể toả mùi sang những hành lý bên cạnh thì có thể được chấp nhận vận chuyển dưới dạng hành lý ký gửi.
Chất lỏng
Mỗi hành khách chỉ được phép mang không quá 1 lít chất lỏng theo người và hành lý xách tay lên máy bay, trừ thuốc chữa bệnh, thức ăn hay sữa cho trẻ sơ sinh, đồ ăn kiêng đặc biệt phục vụ chữa bệnh hay các chất lỏng mua tại cửa hàng miễn thuế trên sân bay, máy bay.
Tất cả các chất lỏng đều phải đựng trong chai, bình thủy tinh, lọ có dung tích không quá 100ml và phải được đóng kín hoàn toàn.
Hành lý giá trị cao
Hành khách lưu ý không được để trong hành lý ký gửi tiền, nữ trang, kim loại quý hiếm, trang sức bằng bạc, các hợp đồng bảo mật hoặc các lọai hàng hóa có giá trị khác, các tài liệu kinh doanh, hộ chiếu, giấy chứng minh và các lọai hàng mẫu...
Nguyệt Ánh (Tổng hợp)