Một số người mới lái xe thường cho rằng có thể dùng đèn khẩn cấp khi trời mưa to như một dấu hiệu cảnh báo xe khác tránh xa. Thế nhưng, việc bật đèn khẩn cấp khi lái xe trời mưa lại tiềm ẩn nhiều mối nguy cần tránh.
Đèn khẩn cấp có tên đầy đủ là đèn nhấp nháy, nhằm cảnh báo nguy hiểm hay còn gọi đèn cứu sinh. Chức năng chính của đèn khẩn cấp là nhắc nhở các phương tiện khác về hỏng hóc, tai nạn và nguy hiểm để tránh. Nếu tài xế bật đèn khẩn cấp khi trời mưa to, các lái xe khác có thể phán đoán sai. Hơn nữa, điều này còn gây khó phân biệt nếu có một chiếc xe khác cũng bật đèn khẩn cấp do sự cố vào thời điểm này.
Bật đèn khẩn cấp khi lái xe dưới trời mưa to là sai lầm. (Ảnh minh hoạ)
Lời khuyên được nhiều người có kinh nghiệm đưa ra là nếu không thật sự phải dừng xe khẩn cấp thì không nên bật đèn khẩn cấp khi lái xe. Tình huống này có thể khiến người lái phía sau hiểu nhầm, phanh gấp hoặc giật mình trong khi tầm quan sát đang bị hạn chế do trời mưa. Không những thế, đèn khẩn cấp nháy liên tục còn ảnh hưởng đến khả năng quan sát của các tài xế xung quanh.
Khi đó, họ sẽ khó thấy xe bạn bật xi-nhan để rẽ hoặc chuyển làn. Nếu muốn các xe khác thấy mình rõ hơn, hãy dùng đèn cốt (đèn chiếu gần). Nguyên tắc này có thể áp dụng cả khi trời nhiều sương mù.
Ngoài việc sử dụng đèn hợp lý, khi lái xe dưới trời mưa, tài xế cần cần giảm tốc độ và duy trì khoảng cách an toàn với xe phía trước lớn hơn bình thường. Điều này đủ để người lái kịp xử lý khi có tình huống bất ngờ xảy ra, vì trời mưa khiến tầm quan sát bị hạn chế, hệ thống phanh cũng hoạt động kém hiệu quả hơn do trơn ướt.
Tài xế cũng nên tránh đi vào những vùng nước đọng vì xe có thể trượt bánh trên mặt đường bị nước che phủ, hoặc tạo sóng nước gây nguy hiểm cho các tài xế khác.