Có thể nói, JD (Job Description - bản mô tả công việc) là một yếu tố quan trọng quyết định ứng viên liệu sẽ nộp hồ sơ hay lướt qua nó. JD phải hấp dẫn, đầy đủ thì mới có thể thu hút người đọc chú ý, để tâm tới. Nhân viên ở bộ phận tuyển dụng cũng được đào tạo về kỹ năng viết JD để sao cho đúng với tình hình thực tế công ty và cả gây hứng thú với mọi người.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, bản JD quá ngắn gọn, thiếu tính chi tiết, rõ ràng lại là "cái bẫy" mà bất cứ ứng viên nào cũng cần tinh tế phát hiện. Câu chuyện của cô nàng dưới đây là ví dụ điển hình.
Một đoạn status thu hút nhiều sự chú ý của cư dân mạng trong ngày qua liên quan tới chuyện ứng viên hỏi xin JD từ nhà tuyển dụng. Ban đầu, tài khoản giấu tên đăng một bài post tuyển dụng ngắn với nội dung như sau:
Tiếp đến, cô nàng vào nhắn tin hỏi xin mô tả công việc chi tiết thì bị đáp trả gay gắt "Kế toán thanh toán là kế toán thanh toán chứ hỏi JD gì nữa vậy em?". Không chỉ dừng lại ở đó, nhà tuyển dụng kia còn hỏi cộc lốc "Đã đi làm chưa?".
Sau hai bức ảnh được đăng tải, một loạt các tài khoản vào bình luận ném đá thái độ tuyển dụng thiếu chuyên nghiệp của công ty này. Họ cho rằng ứng viên hỏi như thế không hề có gì quá đáng cả, thậm chí nhiệm vụ của HR là phải cung cấp thông tin nhanh chóng, rõ ràng, chính xác nhất để đạt hiệu quả tuyển dụng.
Vậy xin JD từ nhà tuyển dụng có phải là hành động sai hay không?
Nếu trên bài đăng ban đầu đã ghi rõ các thông tin và không thắc mắc gì thêm thì việc hỏi xin JD khá thừa thãi và thậm chí là gây ra phiền toái tới nhà tuyển dụng.
Ngược lại, trong trường hợp ứng viên chưa nắm bắt nội dung công việc và còn thắc mắc về chính sách, quyền lợi thì nhà tuyển dụng bắt buộc phải cung cấp thông tin kỹ lưỡng hơn. Đó còn là phép lịch sự tối thiểu nhằm giữ chân ứng viên cũng như thể hiện mình có tác phong chuyên nghiệp.
Trên bài đăng tuyển dụng kể trên chỉ có vị trí tuyển dụng, địa điểm làm việc, email liên hệ và mức lương - vẫn còn quá sơ sài so với một JD thông thường.
Một mô tả công việc đầy đủ sẽ bao gồm những nội dung gì?
Thứ nhất, nội dung công việc phải được thể hiện bằng các gạch đầu dòng rõ ràng, ghi đầy đủ nhân viên ấy sẽ cần thực hiện những nhiệm vụ chính nào. Nếu chỉ có mỗi tên vị trí thì vẫn còn quá mơ hồ và không thể đàm phán mức lương dựa vào đó.
Thứ hai, quyền lợi của nhân viên cũng cần được ghi rõ ràng, ví dụ về lương thưởng, thời gian làm việc, bảo hiểm, trợ cấp, cơ sở vật chất...
Thứ ba là về yêu cầu, một nhân viên cần đáp ứng những yêu cầu về bằng cấp, kinh nghiệm, trình độ... ra sao.
Ngoài ra, thông thường JD chuyên nghiệp còn bao gồm cả giới thiệu các vòng tuyển dụng, giới thiệu về công ty, khả năng thăng tiến. Và chắc chắn không thể thiếu địa chỉ liên hệ, làm việc để ứng viên nộp CV cũng như đi phỏng vấn.
Hi vọng chị em trong quá trình tìm việc cũng nên chú ý kỹ những chi tiết nhỏ để đánh giá sâu sắc hơn về bất cứ một công ty, tổ chức nào. Có như vậy bạn mới chọn lọc được môi trường làm việc chuyên nghiệp, giàu cơ hội phát triển và đãi ngộ tốt!