Israel đang "chống lưng" cho Quân đội Hy Lạp?
Khi căng thẳng tiếp tục leo thang giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ ở đông Địa Trung Hải, Athen đã và đang nỗ lực để tăng cường năng lực quân sự với sự hỗ trợ "nhiệt tình" của Israel.
Vào tháng 5/2020, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đã ký một thỏa thuận cho Hy Lạp thuê máy bay không người lái (UAV) IAI Heron để phòng thủ biên giới.
Cho tới tháng 6/2016, các nhà máy đóng tàu của hai nước cũng đã ký thỏa thuận hợp tác để đóng 6 tàu hộ tống lớp Themistocles cho Hải quân Hy Lạp - một biến thể nâng cấp của lớp tàu hộ tống mang tên lửa Sa'ar 72 của IDF.
Trả lời phỏng vấn của JP, một quan chức cao cấp về hợp tác quốc tế của Israel bình luận: "Hy Lạp là một đối tác tự nhiên, chiến lược và quan trọng. Ai đó sẽ phải lấp chỗ trống khi chúng ta (Israel) ngừng các cuộc tập trận với người Thổ".
Hôm 18/8, tờ The Times dẫn tuyên bố của người đứng đầu cơ quan tình báo "khét tiếng" Mossad của Israel, ông Yossi Cohen khi trao đổi với những người đồng cấp Ai Cập, UAE và Arab Saudi rằng "Thổ Nhĩ Kỳ là mối đe dọa lớn hơn nhiều so với Iran".
Tàu hộ tống mang tên lửa Sa'ar 72 của Israel.
Mỹ và UAE giúp Hy Lạp chiếm ưu thế trên không trước Thổ Nhĩ Kỳ?
Hôm 13/8, Tel Aviv và Abu Dhabi đã ra thông báo bình thường hóa quan hệ, một động thái khiến Ankara tức giận.
Tờ Jerusalem Post (JP) của Israel nhận định rằng cả Athen và Abu Dhabi đang tỏ ra hợp tác nhằm gửi thông điệp tới Ankara rằng họ sẽ là những "đối thủ khó nhằn" của Thổ Nhĩ Kỳ.
Vào tuần này, 4 tiêm kích F-16 và 3 vận tải cơ C-130, C-17 và Α332 của UAE đã hạ cánh xuống đảo Crete để tham gia cuộc tập trận với Không quân Hy Lạp (Hellenic Air Forcer / HAF) trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với Thổ Nhĩ Kỳ.
Các tiêm kích nói trên sẽ được triển khai tới Căn cứ Không quân Souda trên đảo cùng với các kỹ thuật viên mặt đất, một dấu hiệu cho thấy chúng sẽ "ăn dầm nằm dề" tại đây thêm một thời gian nữa.
Như vậy là những chiếc F-16 tiên tiến nhất trên thế giới đang hoạt động ở khu vực đông Địa Trung Hải không phải là F-16 C/D Block 50/52+ của Mỹ, Ai Cập, Hy Lạp hay Thổ Nhĩ Kỳ mà là các biến thể F-16E/F Block 60 của Abu Dahbi.
F-16E/F Block 60 và một quân nhân UAE tại đảo Crete (Nguồn: Twitter).
Trang Greek Reporter của Hy Lạp đã đưa ra nhận xét kết nối cuộc tập trận với quan hệ "ngày càng trở nên sâu sắc" giữa UAE và Israel, một trong những đồng minh của Hy Lạp trong khu vực:
"Quan hệ chặt chẽ dựa trên một số lợi ích chiến lược và kinh tế giữa Israel và Hy Lạp đang được mở rộng. Cuộc tập trận đang gửi một tín hiệu không thể nhầm lẫn cho bất kỳ ai nghĩ đến việc thách thức Hy Lạp, và rằng quốc gia này không còn đơn độc trong việc bảo vệ biên giới".
Theo truyền thông Hy Lạp, cuộc tập trận diễn ra sau khi đại diện quân đội Hy Lạp và UAE thảo luận về các diễn biến trong khu vực, đặc biệt là việc F-16 Block 30/40/50 và các tàu chiến của Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành tập trận trên Biển Agean hôm 21/8.
Trong bài viết được đăng tải hôm 20/8, tờ Ahval của Thổ Nhĩ Kỳ nhận xét rằng "Không quân Hy Lạp có thể lấn át Thổ Nhĩ Kỳ nếu quỹ đạo (mua sắm khí tài) hiện tại tiếp diễn".
Không quân Thổ Nhĩ Kỳ (TAF) và HAF có tương đương số lượng tiêm kích, nhưng HAF sở hữu nhiều máy bay thế hệ cao hơn đối thủ.
Không những vậy, vào cuối năm 2019, Hy Lạp đã ký với nhà sản xuất Lockheed Martin của Mỹ hợp đồng trị giá 280 triệu USD để nâng cấp những chiếc F-16 cũ lên chuẩn F-16V (tương đương Block 70/72). Việc nâng cấp dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2027.
Một đồ họa của nhà sản xuất Lockheed Martin về chương trình nâng cấp F-16V cho Không quân Hy Lạp (HAF).
Ankara đang đứng trước các "lựa chọn nghiệt ngã"?
Trước các động thái mua sắm vũ khí trang bị của Hy Lạp, các nhà phân tích của tờ Ahval nhận định về tình thế hiện tại của Thổ Nhĩ Kỳ:
"Trong bối cảnh Athen và Ankara ngày càng trở nên mâu thuẫn về vấn đề đông Địa Trung Hải, nếu Thổ Nhĩ Kỳ không sớm hành động, TAF sẽ mất đi ưu thế và có thể buộc phải áp dụng học thuyết phòng thủ trước một cuộc xung đột tiềm tàng với người Hy Lạp.
Với cơ sở hạ tầng kỹ thuật và công nghệ hoàn toàn tương thích, chiến lược rẻ và hiệu quả nhất đối với Thổ Nhĩ Kỳ lúc này có lẽ là tập trung vào việc mở rộng số lượng và nâng cấp những chiếc F-16 của mình.
Do thông tin Quốc hội Mỹ quyết định "đóng băng" giao dịch vũ khí với Thổ Nhĩ Kỳ trong ít nhất là 2 năm, nhiều khả năng việc người Mỹ giúp nâng cấp F-16 sẽ không diễn ra trong tương lai, trách nhiệm này sẽ được "đặt lên vai" ngành công nghiệp quốc phòng trong nước.
Các kỹ thuật viên Thổ Nhĩ Kỳ sửa chữa động cơ tiêm kích F-16 của TAF.
Nếu chọn chuyển sang các đối tác khác để "thu hẹp khoảng cách" (với F-16V của HAF) nhanh hơn, chẳng hạn như Nga, chắc chắn Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải đối mặt với nhiều trở ngại.
TAF sẽ phải đào tạo lại các phi công và nhân viên kỹ thuật để vận hành khí tài mới. Ngoài ra, ngành công nghiệp hàng không quân sự đang phát triển của Thổ Nhĩ Kỳ tương thích với F-16 hơn là các tiêm kích của Nga.
Ngay cả khi Thổ Nhĩ Kỳ có kế hoạch phát triển các trang bị cho tiêm kích Nga, Ankara sẽ phải được Moscow cho phép truy cập mã nguồn và sử dụng công nghệ của người Nga - điều này sẽ khó khăn và tốn kém.
Thổ Nhĩ Kỳ đặt nhiều hi vọng vào tiêm kích tàng hình thế hệ 5 nội địa TF-X và dự kiến sẽ sẵn sàng đưa vào sản xuất hàng loạt vào năm 2023. Các nhà phân tích cho rằng đây là thời hạn quá tham vọng và việc Ankara không thể tự sản xuất động cơ sẽ kéo dài giai đoạn phát triển này.
Như vậy những nguyên mẫu của TF-X khó có thể cất cánh vào năm 2023 và phiên bản đầy đủ để đưa vào trang bị sẽ không thể có được cho đến ít nhất là đầu những năm 2030.
Các lãnh đạo Nga và Thổ Nhĩ Kỳ tham quan nguyên mẫu tiêm kích tàng hình thế hệ 5 Su-57E (biến thể xuất khẩu) tại Triển lãm hàng không quốc tế Moskva - MAKS 2019.