Có một Syria đang hồi sinh

Minh Thu |

Sau 7 năm nội chiến, nền kinh tế Syria gần như đã sụp đổ hoàn toàn, giao thương ngưng trệ, song Tổng thống Assad mới đây đã bắt tay vào triển khai kế hoạch khôi phục thương mại ở những khu vực đã "sạch bóng" khủng bố.

Ông Mohammed Abu al-Khair thường điều phối 25 chuyến xe buýt từ thủ đô Damascus tới thành phố Aleppo mỗi ngày. Hành trình 310 km này chỉ kéo dài 8 tiếng nhưng trước đây lại phải mất tới 2 ngày.

Đây là kết quả từ chiến thắng của quân đội Syria trước lực lượng phiến quân và quân khủng bố trong thời gian qua.

Việc giành lại quyền kiểm soát hơn 90% diện tích lãnh thổ từ quân khủng bố Syria đã giúp hoạt động vận chuyển hàng hóa, giao thông đi lại của người dân trong những khu vực thuộc sự kiểm soát của chính quyền Damascus trở nên dễ dàng hơn rất nhiều sau nhiều năm quốc gia Trung Đông này rơi vào cảnh nội chiến.

Bên cạnh đó, việc nhiều tuyến đường được khai thông trở lại cũng góp phần thúc đẩy chương trình tái thiết kinh tế của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

“Trước đây phải mất tới 2 ngày mới có thể tới được Aleppo. Thậm chí, đây còn từng là tuyến đường nguy hiểm đối với các tài xế”, Reuters dẫn lời ông Abu al-Khair, nhân viên giám sát hoạt động của công ty xe buýt Amir.

Đặc biệt, hoạt động đi lại của các phương tiện giao thông tại Syria hiện diễn ra cả ban ngày và ban đêm không chỉ ở những khu vực được quân đội Syria kiểm soát mà cả những vùng nằm trong tay của lực lượng người Kurd và Ả Rập được liên quân của Mỹ hậu thuẫn.

Trong 7 năm nội chiến, nền kinh tế Syria đã gần như bị sụp đổ hoàn toàn khi mà hàng loạt thị trấn, thành phố bị phá hủy, nhiều công nhân bỏ chạy, hoặc bị giết hoặc phải nhập ngũ trong khi lệnh trừng phạt quốc tế gần như ngăn Syria giao thương với nước ngoài.

Tuy nhiên, Tổng thống Assad đã cho triển khai kế hoạch dần khôi phục nền kinh tế quốc gia ở những khu vực đã nằm trong tay của chính quyền Damascus.

Hồi tháng trước, Bộ trưởng Tài chính Syria Mamoun Hamdan cho hay, hoạt động kinh tế đã được khôi phục đáng kể trong khi nhiều nguồn tài trợ từ nước ngoài sẵn lòng hỗ trợ chính phủ Syria tái thiết đất nước.

Chia sẻ với Reuters, Bộ trưởng Thương mại Nội vụ Syria Abdullah Gharbi cho biết thêm, thương mại nội địa của Syria đã tăng 30% kể từ khi chính phủ giành lại quyền kiểm soát ở nhiều tuyến đường lớn.

“Tình hình đi lại giờ dễ dàng hơn. Tốn ít thời gian hơn và ít rủi ro hơn”, Giám đốc điều hành một công ty vận tải hàng không và xuất nhập khẩu tại Damascus, ông Majd Wehbeh cho hay.

Có thể nói, việc đi lại thuận tiện như hiện nay từng được xem là điều không thể nghĩ tới khi Syria chìm vào nội chiến từ năm 2011, khiến nhiều tuyến đường chính bị phong tỏa còn đất nước bị chia cắt thành hàng chục chiến trường.

Song tình hình hiện tại cũng không hoàn toàn là hết khó khăn bởi phần lớn các đường biên giới vẫn đóng cửa. Trong khi, mỗi tuyến đường lại đang phải đi qua nhiều chốt kiểm soát và tình trạng nhũng nhiễu làm khó tài xế vẫn diễn ra tràn lan. Thậm chí, không ít hành khách vẫn bị bắt cóc hoặc bị giết khi không may di chuyển qua các vùng chiến sự.

Có một Syria đang hồi sinh - Ảnh 2.

Kế hoạch khôi phục kinh tế của Tổng thống Syria Bashar Assad gặp phải không ít khó khăn.


Những khu vực nguy hiểm

Mạng lưới các tuyến đường cao tốc chính hiện đã thông suốt kéo dài từ Lebanon qua Damascus, Homs và Hama, tới thành phố cảng Tartous và Latakia và tới Deir al-Zor ở phía đông Syria.

Tuy nhiên, việc di chuyển tới Deir al-Zor hiện vẫn vô cùng khó khăn và đầy nguy hiểm, do đây là khu vực nằm trong vùng kiểm soát của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS.

Anh Abdullah al-Mallah, người mua vé xe buýt để di chuyển từ thị trấn al-Mayadin gần Deir al-Zor cho hay, với tình hình hiện tại, anh này có thể thực hiện hành trình từ al-Mayadin tới Damascus hàng tuần hoặc 2 tuần một lần. Hành trình này kéo dài 9 tiếng đồng hồ và giá vé là 12 USD.

Còn trước đó, khi anh Abdullah al-Mallah chạy trốn khỏi khu vực bị IS kiểm soát để tới Damascus vào năm 2016, hành trình từ al-Mayadin tới Damascus kéo dài tới vài tuần.

Theo ông Yahya Khatib, nhà quản lý công ty xe buýt Farah, trong một số khoảng thời gian nhất định, một chuyến xe buýt sẽ cần tới 2 tháng mới kết thúc hành trình do phải tìm tuyến đường an toàn đi qua. Công ty Farah cũng thi thoảng thực hiện hành trình di chuyển qua vùng kiểm soát của IS nhưng giá vé mỗi hành khách chi trả là 100 USD.

Thế phong tỏa

Các tuyến đường quốc tế hiện vẫn ở trong thế phong tỏa với Syria. Hoạt động ở khu vực biên giới Syria hiện duy nhất chỉ diễn ra với Lebanon. Syria vẫn đang đàm phán với Jordan để mở cửa trở lại đường biên giới Nassib.

Trong khi đó, tuyến đường huyết mạch nối với Iraq hiện bị căn cứ quân sự của Mỹ nằm trên đường cao tốc Damascus - Baghdad phong tỏa. Một tuyến đường ở Albu Kamal hiện đã hoạt động trở lại nhưng cũng chỉ phục vụ nhu cầu quân sự. Đường biên giới giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ hiện chỉ mở ở những khu vực do phiến quân Syria kiểm soát.

Có một Syria đang hồi sinh - Ảnh 4.

Chiến tranh đã tàn phá gần như toàn bộ hệ thống cơ sở hạ tầng ở Syria.

Ngay cả hoạt động đi lại bên trong lãnh thổ Syria cũng đang bị chia cắt. Từ khu vực do chính quyền Damascus kiểm soát, các chuyến xe buýt có thể dễ dàng tới những khu vực của lực lượng người Kurd ở phía đông bắc. Tại Damascus, các công ty xe buýt thực hiện hành trình hàng ngày tới những khu vực này.

Nhưng việc tiếp cận vùng lãnh thổ do quân nổi dậy kiểm soát ở Idlib và phía bắc Aleppo lại rất khó khăn. Theo đó, hành khách thường phải xuống đi bộ để qua vùng chiến sự, một tài xế xe buýt cho hay.

Ngoài ra, để dần dần khôi phục nền kinh tế, chính quyền Damascus muốn chuyển hướng vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ qua đường sắt.

Cụ thể, nhà ga lớn ở Damascus đã tái mở cửa hoạt động trong tháng này, nhưng mới chỉ thực hiện các hành trình di chuyển trên quãng đường ngắn.

“Chúng tôi vẫn đang bảo trì, sửa chữa và xây dựng lại các tuyến đường sắt vốn bị hư hỏng nặng trong chiến tranh”, ông Najib Fares, người đứng đầu nhà ga cho hay.

Nói cách khác, dù quân đội Syria đã giành chiến thắng trong việc nắm quyền kiểm soát ở nhiều khu vực, song dưới sự tàn phá của chiến tranh khiến hệ thống cơ sở hạ tầng dường như bị phá hủy hoàn toàn kèm theo nhiều vùng bị phiến quân phong tỏa, kế hoạch tái thiết kinh tế của Tổng thống Assad vẫn còn một chặng đường dài để tiến tới thành công với không ít chông gai và khó khăn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại