Trong các khu rừng nhiệt đới ẩm thấp ở Kỷ Phấn Trắng, có một loài nhện chỉ dài khoảng vài mm thường chạy băng qua những cây thông tiền sử cùng bộ giáp hữu cơ nặng trịch của mình.
Khoảng 99 triệu năm sau, ở Myanmar, loài nhện này đã được tìm thấy trong tư thế bị bọc kín bởi hổ phách. Chúng có cái tên khoa học là Electroblemma bifida, thuộc loài nhện Tetrablemmid, họ nhện Tetrablemmidae.
Con nhện Tetrablemmid bọc trong hổ phách
161 thành viên của họ nhện này đều trang bị cho cơ thể các lớp xương ngoài bền chắc cùng những tấm chồng chéo nhau chạy dọc phần bụng của mình.
Các nhà nghiên cứu đang đau đầu tìm hiểu nguồn gốc của nhện Tetrablemmid, cũng như những đặc điểm khác biệt mà bộ giáp mang lại cho chúng.
Nhện Tetrablemmid có gì khác so với các loài nhện thông thường?
Như các loài chân khớp khác, cơ thể của một con nhện bình thường cũng được bọc trong một lớp xương "xơ cứng". Phần bền nhất của lớp này là phần mai nằm bên trên phần đầu ngực. Nó có nhiệm vụ bảo vệ mắt, miệng và các cơ quan cảm giác của nhện.
Phía bên dưới phần đầu ngực là phần xương ức. Phần mai và phần xương ức được nối với nhau bởi một lớp mỏng và mềm hơn. Chỗ nối này cũng là nơi tiếp xúc giữa các chân và cơ thể của nhện.
Đằng sau phần đầu ngực là phần bụng. Ở hầu hết các loài nhện, phần bụng được phủ trong một lớp tiểu bì mỏng và dẻo làm từ chất kitin, cho phép bụng co và giãn lúc ăn.
Một con nhện thông thường
Nhện Tetrablemmid thì khác! Chúng sở hữu hai điểm khác với cấu trúc thông thường trên.
Thứ nhất, phần mai trên phần đầu ngực của loài nhện này thường dày hơn nhiều và được nối luôn với phần xương ức, không chừa bất cứ một kẽ hở nào.
Thứ hai, lớp tiểu bì phía dưới các tấm "xơ cứng" của chúng dày hơn gấp ba lần lớp tiểu bì của các loài nhện thân mềm, giống như có hai tấm áo giáp chồng lên nhau vậy.
Một số con nhện thuộc họ Tetrablemmidae
Dù trung bình, chúng chỉ dài khoảng 2mm và rộng chưa đến 0,5mm, lớp tiểu bì của chúng lại dày từ 14 đến 16 micromét.
Nếu tăng các chỉ số lên, một con nhện có kích cỡ bằng với con người sẽ mặc bộ giáp còn dày hơn một chiếc xe tăng Panzer Tiger từ Thế chiến thứ 2.
Và khi gặp nguy hiểm, bộ giáp của nhện Tetrablemmid mới phát huy hết tác dụng
Những khu rừng nhiệt đới và cận nhiệt đới ở Đông Nam Á, nơi có nhiều nhện Tetrablemmid sinh sống, cũng là chốn cư ngụ của loài ong bắp cày săn mồi hung hăng và rất thích ăn thịt nhện.
Loài côn trùng phàm ăn này thường tấn công đột ngột, khiến cho con nhện tê liệt và bất động. Sau đó, chúng sẽ kéo con nhện về hang, đẻ trứng lên phần bụng nhện. Khi trứng nở, ấu trùng ong vừa chào đời sẽ xơi sống con nhện luôn.
Ong bắp cày săn nhện có thể hạ gục được những con mồi lớn hơn nó gấp vài lần, thậm chí là cả nhện Tarantula.
Ong bắp cày "lôi" nhện ra khỏi hang và tấn công
Chúng luôn nhăm nhe đốt não của nhện - nằm ở khu vực tương đối mềm - giữa những tấm phủ phần trước cơ thể, làm cho nhện ngay lập tức tê liệt. Nhưng nhờ các tấm cứng nối lại với nhau, nhện Tetrablemmid không mắc phải điểm yếu này và thoát chết.
Tetrablemmid thường sống dưới lá rụng trong rừng, một số thì cư ngụ dưới vỏ cây hoặc trong các hang tối. Loài ve Phytoseiulus persimilis - một loài rất thích ăn nhện - cũng thường "chừa" nhện Tetrablemmid ra vì sợ… gãy răng.
Ve Phytoseiulus persimilis chỉ "xử" được những con vật thân mềm thôi
Phần nhô ra ở mai của nhện Tetrablemmid còn có tác dụng dọa dẫm các loài thú săn mồi như chim.
Thân hình xù xì đáng sợ của một con nhện Tetrablemmid
Nếu áo giáp của Tetrablemmid có ích như thế, tại sao chỉ có mỗi họ nhện Tetrablemmidae sở hữu nó?
Có vẻ là vì nó quá cồng kềnh, không phù hợp với các sinh vật nhỏ như nhện. Giống như các hiệp sĩ thời Trung Cổ, nhện Tetrablemmid phải khoác lên mình một lớp giáp rất nặng, làm hạn chế chuyển động của chúng.
Cũng vì bộ áo giáp, ít có con nhện nào thuộc họ này quay tơ. Chúng phải điều khiển rất cật lực vùng bụng chỉ để chiết ra những sợi tơ mỏng manh. Tuy nhiên, những loài lớn hơn trong họ này, dài khoảng từ 11 đến 12mm thì lại có khả năng tạo ra những mạng nhện khổng lồ có đường kính hơn 0,5m.
Các loài nhện thông thường cử động chân bằng cách kết hợp cơ bắp và áp suất chất lỏng bên trong cơ thể.
Khi ép các tấm trên phần đầu ngực, chúng có thể tạo áp lực đẩy chất lỏng vào trong chân, làm chân giãn ra. Cơ bắp ở mỗi chân giúp cho nhện điều khiển cử động một cách linh hoạt.
Nhện thông thường cử động dễ dàng hơn nhện Tetrablemmid
Tuy nhiên, cấu trúc cơ bắp bên trong các loài nhện có áo giáp lại hoàn toàn khác. Thay vì cơ vân, các tấm giáp chỉ hỗ trợ cơ trơn.
Để tạo sức ép chất lỏng, nhện có áo giáp lại sử dụng các tấm dày trên vùng bụng cùng các dải tiểu bì cứng bên cạnh, tạo thành một ống bễ để bơm chất lỏng đi khắp cơ thể.
Vì cơ trơn làm mất ít sức hơn cơ vân, nên dù hạn chế chuyển động của nhện, bộ áo giáp lại giúp nhện tiết kiệm năng lượng.
Nhìn chung, câu hỏi vì sao chỉ có một số ít loài nhện sở hữu áo giáp vẫn còn bỏ ngỏ.
Vậy để có được bộ giáp, nhện Tetrablemmid đã trải qua những gì?
Hầu hết các loài nhện khác đều thay lông bằng cách chẻ phần xương ngoài dọc lớp màng mỏng giữa phần mai và phần xương ức. Ở nhện Tetrablemmid trưởng thành, khu vực này lại đóng kín, khiến chúng không thể thay lông được nữa và gia tăng độ cứng phần đầu ngực.
Như ta thấy, để có được bộ giáp và lợi ích mà nó mang lại, chúng phải tái cấu trúc cơ thể đến tận gốc, thậm chí còn thay đổi hướng phát triển thông thường.
Những con cái thuộc loài nhện áo giáp sống trong các khu rừng ở Thái Lan, có tên Indicoblemma lannaianum, sở hữu những rãnh dễ phân biệt gần cơ quan sinh dục của chúng. Khi "mây mưa", con đực sẽ dùng hàm của mình cắm vào những rãnh này.
Khi đã cắm xong, trận "mây mưa" có thể kéo dài hàng giờ đồng hồ.
Có thể các loài nhện này hay nhện Tetrablemmid đã tiến hóa bộ giáp của mình cho phù hợp để giao phối và sinh sản dễ dàng hơn.
Hai con Tetrablemmid đực được tìm thấy ở Myanmar đã củng cố giả thuyết này. Ở cuối hàm của chúng, người ta phát hiện ra bộ phận hình nĩa chĩa hai hướng. Rất có thể chúng đã dùng bộ phận này để hỗ trợ việc "mây mưa".
Hai con Indicoblemma lannaianum đang "mây mưa"
Chính xác nhện Tetrablemmid đã xuất hiện trên Trái đất từ khi nào?
Sau khi xác định được hai con Tetrablemmid trên từng sống ở Kỷ Phấn Trắng, các nhà khoa học cho rằng, có thể loài nhện này đã xuất hiện lần đầu tiên ở một thời điểm xa hơn chúng ta thường nghĩ.
Họ ước tính, sau khi di chuyển từ Tây Bắc nước Úc qua Eurasia trong kỷ Jura - khoảng từ 145 triệu đến 200 triệu năm trước - chúng đã dừng chân ở Myanmar thời tiền sử.
Thông qua phát hiện trên, họ đang từng bước nỗ lực tìm hiểu cặn kẽ hơn về loài nhện sở hữu bộ giáp có 1-0-2 này.
Nguồn: BBC