Cây sả còn có tên gọi khác là hương mao hay cỏ chanh, có mùi thơm đặc trưng được người Việt sử dụng như một loại gia vị đặc biệt trong gian bếp mỗi gia đình. Trong cây sả còn chứa nhiều tinh dầu được sử dụng rộng rãi trong y tế, sản phẩm dược và hương liệu phục vụ đời sống.
Sả cũng được sử dụng như một phương thuốc dân gian giúp ngủ ngon, giảm đau, và tăng cường miễn dịch.
Ngoài những tác dụng kể trên, sả cũng rất thích hợp để làm trà uống hàng ngày bởi những sả chứa những chất có lợi cho sức khỏe con người.
Sả không chỉ là loại gia vị đặc biệt trong gia đình mà còn có thể pha thành trà uống mỗi ngày
1. Có chất chống oxy hóa
Theo một nghiên cứu đăng trên tờ Journal of Agricultural and Food Chemistry, cây sả có chứa một số chất chống oxy hoá như axit chlorogenic, isoorientin, và swertiajaponin giúp loại bỏ các gốc tự do gây bệnh trong cơ thể.
Ngoài ra, chất chống oxy hoá có thể giúp ngăn ngừa rối loạn chức năng của các tế bào bên trong động mạch vành.
2. Có tính kháng khuẩn
Trà sả hỗ trợ điều trị nhiễm trùng răng miệng, sâu răng nhờ có đặc tính kháng khuẩn. Năm 2012, Viện Y tế Quốc gia Mỹ (National Institutes of Health) đã công bố kết quả một nghiên cứu cho cho thấy tinh dầu sả có khả năng chống lại vi khuẩn có tên Streptococcus mutans, tác nhân chính gây sâu răng.
Một nghiên cứu khác cũng chỉ ra hiệu quả tuyệt vời trong việc kháng khuẩn và chống nấm khi kết hợp dầu sả với ion bạc.
3. Đặc tính chống viêm
Viêm nhiễm cũng được cho là nguyên nhân gây ra bệnh tim và đột quỵ.
Theo thông tin từ Viện nghiên cứu ung thư Memorial Sloan Kettering Cancer tại New York - Mỹ, trong cây sả có có chứa 2 hợp chất chính là citral và geranial được cho là có tính chống viêm hiệu quả.
Các hợp chất này còn được cho là có thể giúp ngăn chặn các yếu tố gây viêm trong cơ thể.
4. Giảm nguy cơ mắc ung thư
Chất citral và 1 số thành phần trong cây sả cũng được cho là có khả năng chống lại các tế bào ung thư bằng cách làm cho tế bào đó tự chết đi hoặc tăng cường hệ miễn dịch giúp cơ thể có khả năng tự chống lại bệnh ung thư.
Trà sả đôi khi được sử dụng và xem như là một liệu pháp bổ trợ trong quá trình hóa trị và xạ trị của người bệnh. Tuy nhiên, bạn hãy tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ và dùng trà theo theo hướng dẫn.
5. Tăng cường hệ tiêu hóa
Một tách trà sả có thể làm dạ dày bớt khó chịu, dịu cơn đau bụng, và các vấn đề tiêu hóa khác. Một nghiên cứu năm 2012 thực hiện trên loài động vật gặm nhấm do Viện Y tế Quốc gia Mỹ công bố cho thấy sả cũng có thể hiệu quả đối với việc chống viêm loét dạ dày.
Nghiên cứu còn chỉ ra tinh dầu sả có thể giúp bảo vệ lớp đệm niêm mạc dạ dày khỏi tác hại của thuốc aspirin và chất ethanol. Việc sử dụng aspirin thường xuyên là nguyên nhân phổ biến gây loét dạ dày.
Trà sả có nhiều tác dụng tốt đối với sức khỏe
6. Có tính lợi tiểu
Các loại thuốc lợi tiểu thường phải được bác sĩ kê đơn nếu bạn bị suy tim, suy gan hoặc phù nề. Trong khi đó, sả được xem như 1 phương thuốc dân gian giúp lợi tiểu, loại bỏ bớt chất lỏng dư thừa và cặn bã trong cơ thể một cách tự nhiên.
Năm 2001, nghiên cứu về tác dụng lợi tiểu của trà sả trên chuột trong vòng 6 tuần cũng cho thấy hiệu quả của nó tương tự như trà xanh và không gây tác dụng phụ hay tổn thương nội tạng nào.
7. Giúp ổn định huyết áp
Trong một nghiên cứu năm 2012, 72 tình nguyện viên nam đã được cho uống trà sả hoặc trà xanh.
Kết quả như sau: Những người uống trà sả đã giảm huyết áp tâm thu ở mức vừa phải và tăng nhẹ huyết áp tâm trương. Nhịp tim của nhóm này cũng thấp hơn đáng kể.
Với những người có huyết áp tâm thu cao thì phát hiện này rất đáng chú ý. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng lưu ý rằng những người có vấn đề về tim nên dùng trà sả điều độ. Nguyên nhân là tránh nguy cơ giảm nhịp tim đột ngột hoặc tăng áp suất tâm trương nguy hiểm.
8. Điều chỉnh lượng cholesterol
Hàm lượng cholesterol cao có thể làm tăng nguy cơ đau tim hoặc đột quỵ. Theo kết quả một nghiên cứu đăng trên Tạp chí Advanced Pharmaceutical Technology & Research, chiết xuất dầu sả giúp giảm cholesterol ở động vật.
Năm 2011, các nghiên cứu thực hiện với chuột đã khẳng định việc sử dụng 100mg dầu sả hàng ngày là an toàn. Tuy nhiên, liệu trà sả có tác dụng tương tự với dầu sả hay không cần thêm những nghiên cứu sâu hơn.
Việc giảm hàm lượng cholesterol còn phụ thuộc vào liều lượng sử dụng của mỗi người.
9. Giảm cân
Trà sả được dùng như một loại trà giúp làm sạch cơ thể, ổn định hệ tiêu hóa và giúp bạn giảm cân. Tuy nhiên chưa có nghiên cứu khoa học nào cụ thể chứng minh tác dụng này.
Vì trà sả có tính lợi tiểu tự nhiên, nếu bạn uống trà điều độ, thay thế các loại đồ uống ngọt có đường bằng các loại trà thảo mộc như trà sả thì vẫn có thể giảm cân.
Tuy nhiên, bạn nên kết hợp uống xen kẽ trà sả với các loại đồ uống không ngọt khác để hạn chế phản ứng phụ.
10. Giảm các triệu chứng tiền kinh nguyệt
Trà sả có thể giúp làm giảm các triệu chứng tiền kinh nguyệt (PSM), đầy hơi, ợ nóng. Về mặt lý thuyết, các chất kháng viêm và khả năng làm dịu cơn khó chịu của dạ dày sẽ phần nào giúp giảm triệu chứng PSM ở phụ nữ.
Trên thực tế, chưa có hướng dẫn chính xác về hàm lượng sử dụng trà sả. Bạn hãy hỏi ý kiến bác sĩ để có cách dùng hợp lý nhất tùy từng trường hợp.
Để hạn chế những tác dụng phụ, trà sả được khuyên nên uống 1 tách mỗi ngày. Nếu cơ thể phản ứng tốt, bạn có thể tăng lên. Nếu có tác dụng không mong muốn, hãy dừng uống hoặc điều chỉnh giảm.
Bạn có thể uống trà sả nóng hoặc thêm đá tùy khẩu vị
Công thức làm 1 tách trà sả như sau:
Chuẩn bị tách trà từ 1-3 muỗng cafe sả tươi hoặc loại đã sấy khô.
Đổ nước sôi nóng vào cốc trà.
Hãm trà ít nhất trong 5 phút.
Lọc bỏ bã trà rồi uống nóng hoặc thêm đá tùy khẩu vị.
Một số tác dụng phụ tiềm ẩn của trà sả bao gồm:
- Chóng mặt
- Nhanh đói
- Khô miệng
- Tiểu nhiều
- Mệt mỏi
Một số người có thể bị dị ứng với sả với các triệu chứng như:
- Phát ban
- Ngứa
- Khó thở
- Nhịp tim nhanh
Bạn không nên uống trà sả nếu bạn:
- Đang mang thai
- Uống thuốc lợi tiểu theo đơn của bác sĩ
- Có nhịp tim thấp
- Có mức kali thấp
*Theo Healthline
Xem thêm:
Cách pha bạch trà