Được ăn trưa trong không gian phố cổ, ngồi thưởng thức ngay tại những hàng quán lâu đời là điều bao người ao ước. Nhưng với những ai mỗi ngày đều phải bon chen như nhóm dân văn phòng ở khu vực gần ga Long Biên, thì liệu có thật sự thoải mái.
Con phố cổ chưa đầy 200m hút dân văn phòng
Phố Nguyễn Siêu nối sang Ngõ Gạch có lẽ không còn xa lạ với cả người dân Hà Nội lẫn khách du lịch. Cứ vào cuối tuần là tấp nập người nước ngoài hay người từ các tỉnh thành khác đến thưởng thức những món bún nổi tiếng như bún ốc, bún riêu tóp mỡ hay bún đậu. Thậm chí, các hàng quán ở đây còn chuẩn bị đầy đủ cả thực đơn song ngữ và số tài khoản để phục vụ thực khách.
Thế nhưng, còn ngày thường, khu phố này lại mang một dáng vẻ thật khác. Đó là tiếng gọi món liên tục, tiếng chỉ dẫn đỗ xe đan xen cùng những lời xì xào to nhỏ. Và trong đó, người ta nghe được thêm vài câu chuyện về dự án mới, về mẫu thiết kế hay về cách "ứng phó" với đối tác khó tính.
"Văn phòng tôi ở đầu đường giao giữa phố Yên Phụ và Chợ Gạo nên đi bộ chừng 5-10 phút là tới đây. Ở mặt đường lớn hầu hết là quán phở, quán lẩu nướng, vừa không hợp khẩu vị, giá còn đắt, cho nên tôi mới phải tới đây ăn. Một bát bún bán đắt nhất trong khu này cũng chỉ 55 ngàn đồng, có cô bán quán bình dân còn 25 ngàn/bát", chị Nguyễn Nga cho biết.
Anh Quân và đồng nghiệp cũng từ Tông Đản chạy xe máy qua Nguyễn Siêu từ khá sớm: "Nếu hôm nào vội quá tôi sẽ đi bộ ra con phố cách văn phòng vài trăm mét để mua cơm, nhưng thường thì tôi vẫn hay chạy ra đây, bởi chúng tôi đều thích ăn bún vào giờ trưa".
Ùn tắc vì dòng người chờ có chỗ đỗ xe
Theo chia sẻ của chị Trang - một chủ quán bún trên đường Nguyễn Siêu: "Thật ra những ngày cuối tuần, quán của tôi chủ yếu phục vụ khách du lịch, mà đa phần họ sẽ đi bộ vào, cho nên tôi cũng không phải lo lắng. Nhưng các ngày trưa trong tuần thì đúng là nhà tôi phải vận dụng hết công suất, người đứng chan nước, người bê đồ và người sắp xếp xe cho khách cũng mệt chẳng kém".
Cao điểm - khoảng 12 giờ trưa, lượng dân văn phòng tìm về con phố này lại đông thêm. Mà nhiều quán ăn đã xếp xe cho khách ra tới tận lòng đường, do đó tạo nên tình cảnh ùn ứ, hỗn loạn giữa trưa nắng.
Chị Linh dựng chiếc xe máy ngay lòng đường, đưa chiếc hộp cho cô bán hàng để mua một bát bún riêu đầy đủ: "Nếu muốn thoải mái ngồi ăn thì phải có mặt ở đây từ 11 rưỡi. Hôm nay tôi đang vội nên phải mua về, chứ mà chờ có chỗ để xe thì ít nhất cũng phải 15 phút nữa".
Đa phần không gian của các quán ăn ở đây đều chật hẹp, có hàng ước chừng chỉ rộng khoảng 10m2, song cả người bán lẫn người mua đều tạo điều kiện cho nhau. Chủ quán cố gắng sắp xếp chỗ ngồi cho khách, tận dụng mọi ngóc ngách từ ngõ nhỏ đến vỉa hè để bày bàn ghế. Còn khách thì cố gắng ăn uống nhanh nhất có thể để còn nhường chỗ cho những người đang xếp hàng.
"Đôi khi tôi cứ đứng nhìn menu và chần chừ không biết gọi gì thì còn bị cô chủ quán mắng ầm ĩ. Nhưng nhờ đó mà tôi "chốt đơn" nhanh hơn, không phải phân vân nữa. Dù phải diện váy đồng phục của công ty, đứng lên ngồi xuống khá bất tiện nhưng biết sao được… tôi chỉ hợp miệng ở quán này thôi. Phố cổ mà, tấc đất tấc vàng, một mét vuông có cả chục người muốn ăn được bát bún như tôi ấy chứ", chị Lan Anh chia sẻ sau khi xì xụp thưởng thức bữa trưa ở một hàng bún chỉ phục vụ ghế ngồi và để khách phải bưng bát bún lên ăn.
"Đi xa để trở về"
Giờ trưa thì mỗi người tỏa ra một nơi để ăn, người đi gần, người đi xa nhưng sau đó, tất cả đều hẹn nhau ở quán nước dưới chân các tòa nhà cao tầng.
"Hầu như văn phòng tôi chỉ có các chị làm ở bộ phận hành chính là ăn trưa xong sẽ đi về "chợp mắt" ngay. Còn đại đa số đều hẹn nhau, không uống trà đá thì lại cafe, sinh tố. Chúng tôi mỗi người chỉ ngồi 1 chiếc ghế con con nhưng câu chuyện hằng ngày thì có thể nói đến 2 giờ rồi vào làm tiếp công việc còn đang dang dở", chị Hằng chia sẻ.