Cỗ máy ‘kẻ hủy diệt’ của Nga được đưa vào biên chế sau khi ‘tung hoành’ ở Syria

Đức Trí |

Quân đội Nga mới đây đã tiếp nhận xe bọc thép 'Kẻ hủy diệt' đầu tiên và đã bắt đầu triển khai huấn luyện, cỗ máy này đã khẳng định tên tuổi tại chiến trường Syria.

Xe bọc thép hỗ trợ hỏa lực BMPT "Kẻ hủy diệt" đã chính thức vào biên chế Lục quân Nga. Nguồn: Sina.

Xe bọc thép hỗ trợ hỏa lực BMPT "Kẻ hủy diệt" đã chính thức vào biên chế Lục quân Nga. Nguồn: Sina.

Đầu tháng 12, Truyền hình Nhà nước Nga đã công bố đoạn clip về hoạt động huấn luyện của Sư đoàn xe tăng 90 của Lục quân Nga tại vùng Chelyabinsk, nằm ở phía đông dãy núi Ural, đây cũng là lần đầu tiên xe bọc thép hỗ trợ hỏa lực BMPT "Kẻ hủy diệt" được “đưa ra ánh sáng”.

“Điểm độc đáo ở cỗ máy này là hệ thống vũ khí của nó có thể theo dõi 3 mục tiêu cùng lúc”, Đại tá Andrei Sieglev, Phó tư lệnh Sư đoàn xe tăng 90 cho biết.

"Kẻ hủy diệt" được trang bị tên lửa chống tăng siêu âm 9M120 Ataka-V với tầm bắn lên đến 6 km. Ngoài ra nó còn được trang bị hai pháo 30mm với cơ số 850 viên đạn, có thể được sử dụng để tiêu diệt hỏa lực bộ binh và trực thăng.

Mỗi khẩu 2A42 có thể bắn đạn nổ mảnh chống bộ binh hoặc đạn xuyên giáp với tốc độ 1.200 phát/phút. Góc tà dương lớn cho phép BMPT nâng nòng pháo lên cao để bắn phá các hỏa điểm trên nhà cao tầng, kể cả mục tiêu nấp sau vật cản.

Vũ khí thứ cấp của BMPT bao gồm hai súng phóng lựu tự động AG-17D với 300 viên/khẩu, cùng súng máy đồng trục PKTM cỡ nòng 7,62 mm được lắp 2.000 viên đạn.

Điều đáng nói là 4 tên lửa chống tăng có điều khiển 9M120 Ataka-V. Đây là tổ hợp tên lửa chống tăng dẫn hướng kiểu SACLOS bằng vô tuyến do Liên Xô sản xuất. Nó là thế hệ chính tiếp theo trong dòng tên lửa chống tăng 9K114 Shturm (AT-6 Spiral).

Tổ hợp này được thiết kế bởi KBM, Kolomna. Nó được trang bị vào thập niên 1990, được đề cập đến đầu tiên trong các tài liệu của Nga vào khoảng năm 1992. Nó là một sự phát triển của tổ hợp 9K114 Shturm (AT-6 Spiral) - nặng hơn và nhanh hơn. Tầm bắn và độ chính xác của tổ hợp này tăng đáng kể so với 9K114 Shturm.

Đạn tên lửa của tổ hợp 9M120 có tốc độ nhanh hơn AT-6 Spiral, với tầm bắn xa hơn một chút so với phiên bản ban đầu. Nó vẫn sử dụng hệ dẫn hướng chỉ huy qua vô tuyến, nhưng tổ hợp 9M120 đã được cải tiến so với 9K114 Shturm.

Có 3 loại đạn tên lửa chính tương thích với hệ thống phóng. Thứ nhất là vũ khí chống giáp hai tầng. Thứ hai là đạn tên lửa có tên gọi 9M120F, loại đạn tên lửa này có một đầu nổ thermobaric để chống các hỏa điểm bộ binh.

Cuối cùng là phiên bản đầu nổ que cận đích 9A220O. Điều này khiến tổ hợp 9M120 có khả năng không đối không hạn chế.

Tổ hợp 9M120 được trang bị cho trực thăng tấn công Mi-28 và một số phiên bản của Mi-24. Nó cũng thường được trang bị cho các phiên bản tàu phóng tên lửa và xe bộ binh (Ataka-T).

Cỗ máy ‘kẻ hủy diệt’ của Nga được đưa vào biên chế sau khi ‘tung hoành’ ở Syria - Ảnh 2.

"Kẻ hủy diệt" được chế tạo từ những kinh nghiệm thương đau ở chiến trường Chechnya. Nguồn: Sina.


Xe chiến giáp này được phát triển dựa trên xe tăng T-90, có thể di chuyển với tốc độ lên tới 60 km/h với kíp lái gồm 5 thành viên. Theo các chuyên gia Nga, hỏa lực của "Kẻ hủy diệt" có thể sánh ngang với một trung đội tác chiến gồm 40 lính bộ binh và 6 xe bọc thép.

Quân đội Nga cho đến nay đã nhận được 8 xe tăng chiến giáp "Kẻ hủy diệt" và chúng sẽ được thử nghiệm trong các cuộc tập trận tới đây. Những chiếc xe này lần đầu tiên xuất hiện với công chúng tại cuộc duyệt binh ở Quảng trường Đỏ vào năm 2018, khi chúng tham gia các chiến dịch quân sự của Nga ở Syria.

"Kẻ hủy diệt" đã chứng tỏ mình là một "chiến sỹ toàn năng". Nó có thể chống lại những kẻ khủng bố bằng vũ khí nhỏ, nhưng cũng được trang bị súng phóng lựu và tên lửa chống tăng để có thể đối phó với xe tăng. Ngoài ra, nó còn được trang bị máy bay không người lái.

Chuyên gia Victor Litovkin cho biết, BMPT là xe thiết giáp chiến đấu được phát triển từ kinh nghiệm tham chiến của quân đội Nga tại Chechnya giai đoạn 1994-1996.

Trong cuộc chiến này, các đơn vị tăng thiết giáp Nga không có xe yểm trợ đã hứng chịu thiệt hại nặng nề khi bị phiến quân liên tục tấn công bằng đạn xuyên giáp nhằm vào nóc xe từ nhà cao tầng, khiến hàng chục xe tăng chủ lực T-80 hiện đại bị phá hủy.

Đến nay, khả năng chiến đấu thực tế của cỗ máy này đã được khẳng định tại chiến trường Syria, điều này đã loại bỏ sự nghi ngờ của các sĩ quan Nga và cũng khẳng định được tiềm năng xuất khẩu của chiến giáp này.

Phiên bản BMPT đầu tiên được Nga ra mắt năm 2002, trong khi mẫu BMPT-72 xuất hiện vào năm 2013 tập trung cho thị trường xuất khẩu. Dòng xe được xây dựng trên nền tảng khung gầm xe tăng chiến đấu chủ lực T-72, giúp giảm giá thành sản xuất và vận hành, nhất là với những khách hàng đã quen dùng xe tăng T-72.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại