Có mặt Vạn Thịnh Phát, Vingroup, Becamex và nhiều “trùm” địa ốc khác… nơi đây thành thị trường BĐS mới nổi đầy tiềm năng

Không phải bỗng dưng Long An lại trở thành địa điểm thu hút nhiều “ông lớn” BĐS đến vậy. Trong đó, nổi bật là tập đoàn Vạn Thịnh Phát với kế hoạch đầu tư 16 dự án, Vingroup đã có mặt và nhiều đại gia khác.

Không giống như Đồng Nai hay Bình Dương nơi đã tụ hội nhiều đại gia địa ốc làm ăn, dự án và thị trường trở nên sôi động cách đây nhiều năm còn Long An cũng có địa thế tiếp giáp với đô thị lớn Tp.HCM nhưng thị trường BĐS được giới đầu tư đánh giá còn nhiều cửa để phát triển.

Thời gian gần đây, thị trường Long An có nhiều chuyển biến trong việc thu hút đầu tư từ các tập đoàn lớn trong và ngoài nước.

Trong đó, tập đoàn Vạn Thịnh Phát có động thái rõ ràng nhất, giữa 2015 lãnh đạo tỉnh Long An đã thống nhất chủ trương để tập đoàn này tiếp nhận đầu tư 16 trong số 19 dự án ở huyện Cần Giuộc.

Vạn Thịnh Phát đề xuất đầu tư vào 3 cụm công nghiệp và 7 khu dân cư thương mại dịch vụ và nhiều dự án tái định cư khác, cùng với đó là hạ tầng giao thông nối KCN Long Hậu với QL 50, Long Hậu nối với Tân Lập…tổng quỹ đất tập đoàn này nắm giữ lên tới 1500ha.

Không chỉ Vạn Thịnh Phát mà nhiều “ông trùm” địa ốc khác cũng bắt đầu nhắm tới Long An. Trong khi Vingroup và Nguyễn Kim tiếp cận phân khúc BĐS thương mại bằng việc đầu tư những trung tâm thương mại ở thành phố Tân An, thì Công ty TNHH BĐS Trần Thái lại “nhảy vào” BĐS du lịch sinh thái.

Theo đó, Tập đoàn Vingroup đầu tư một tổ hợp thương mại dịch vụ gồm khối công trình trung tâm thương mại và khối công trình shophouse (cho thuê kinh doanh kết hợp ở) tại trung tâm Tân An, quy mô 8.000m2, tổng mức đầu tư 400 tỷ đồng.

Nguyễn Kim cũng đầu tư một trung tâm thương mại trên khu đất bến xe Long An ở thành phố này rộng khoảng gần 6000m2.

Còn với Công ty Trần Thái mong muốn triển khai một khu du lịch sinh thái quy mô 100ha ở khu bảo tồn ngập nước Láng Sen và Làng nổi Tân Lập, là một trong những điểm du lịch trọng điểm của Long An.

Những cái tên khác có tiếng trong giới địa ốc Sài Gòn cũng đã có mặt ở Long An như Thanh Yến Residence, Five Star của Tập đoàn Năm Sao, Saigon Village của Lộc Thành, Nam Long, Tân Tạo, Đồng Tâm…

Trước đó, thị trường Long An chủ yếu là "sân chơi" của các đại gia khu công nghiệp. Đơn cử như Khu công nghiệp (KCN) Đức Hòa III-Silico, KCN Phúc Long,…

Mới đây, một trong những “ông lớn” BĐS ở Bình Dương là Becamex – IDC đã đề xuất Long An kiến nghị Thủ tướng cho phép lập một khu kinh tế tại Đức Hòa, mục đích nhằm triển khai một khu phức hợp đô thị- công nghiệp – dịch vụ có quy mô lên tới 4100ha.

Theo Becamex, ý tưởng này xuất phát từ việc kết hợp với đối tác Singapore - Sembcorp Development triển khai thành công ở Bình Dương sẽ được nhân rộng.

Công ty TNHH MTV Hoàn Cầu Long An trước đó cũng muốn đầu tư dự án khu công nghiệp công nghệ cao với quy mô khoảng trên 2.165ha, tổng vốn đăng ký đầu tư trên 8.716 tỷ đồng.

Theo số liệu, Long An hiện có 768 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với số vốn đăng ký đầu tư hơn 5,1 tỷ USD và 7.529 dự án đầu tư trong nước với số vốn đăng ký 155.325 tỷ đồng.

Có thể thấy, Long An đang có những chuyển biến tích cực về dòng vốn đầu tư vào thị trường địa ốc. Đặc biệt, dòng vốn này đang có xu hướng đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng, một yếu tố quan trọng để thị trường địa ốc bùng nổ.

Hội nghị xúc tiến đầu tư vào Long An vừa diễn ra mới đây, cho thấy dòng vốn này khá lớn lên đến hàng tỷ đô la đã được đăng ký đầu tư.

Cụ thể, ngay tại hội nghị diễn ra vào 17/10 đã có nhiều bản ghi nhớ, hợp đồng hợp tác kinh doanh của các nhà đầu tư, cũng như nhiều dự án được trao giấy chứng nhận đầu tư. Long An kỳ vọng sẽ thu hút đầu tư vào 16 dự án, với dự kiến tổng mức đầu tư trên 7 tỷ USD và 6.300 tỷ đồng trên nhiều lĩnh vực khác nhau.

Đáng chú ý có 4 dự án hạ tầng công nghiệp và giao thông với số đăng ký đầu tư “khủng” là 2,5 tỷ USD và 14.300 tỉ đồng sẽ được triển khai, đó là trục giao thông Tiền Giang – Long An-TP.HCM; cụm công nghiệp Mekong; đường vành đai TP. Tân An, đường Mai Bá Hương; hạ tầng nhiều KCN và khu dân cư ở Bến Lức và Đức Hòa. Bên cạnh đó đã có 12 dự án được trao giấy phép đầu tư với tổng số vốn 4.300 tỉ đồng và 118 triệu USD.

Cam kết tại hội nghị xúc tiến đầu tư vừa rồi, ông Trần Văn Cần, Chủ tịch UBND tỉnh Long An khẳng định sẽ tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển. Lãnh đạo tỉnh này cũng cam kết sẽ dành trên 5.000ha đất để thu hút đầu tư vào lĩnh vực này.

Rõ ràng, sự góp mặt của nhiều "ông lớn" trong ngành sẽ tạo động lực để nơi đây thực sự là một thị trường mới nổi, nhiều tiềm năng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại