Siêu trăng cuối cùng của năm 2021 sẽ diễn ra và đêm 24, rạng sáng ngày 25/6.
Siêu trăng xảy ra khi Mặt trăng xuất hiện ở phía đối diện với Mặt trời so với Trái Đất và được chiếu sáng toàn bộ. Quan sát từ Trái Đất, Mặt Trăng sẽ to hơn và sáng hơn bình thường. Thời điểm trăng tròn và sáng nhất sẽ diễn ra lúc 1h40 phút rạng sáng ngày 25/6.
Những bộ lạc thổ dân Châu Mỹ thời xưa gọi pha trăng tròn này là Trăng Dâu bởi thời điểm này trùng với mùa thu hoạch dâu. Pha trăng này cũng được biết tới dưới cái tên Trăng Hoa hồng và Trăng Mật. Đây cũng là siêu trăng cuối cùng trong ba siêu trăng của năm 2021, phải đến năm 2022, người yêu thiên văn mới có cơ hội chiêm ngưỡng hiện tượng thiên văn thú vị và dễ quan sát này.
Trước đó, vào ngày 26/5, người yêu thiên văn đã được chiêm ngưỡng siêu trăng máu, hiện tượng thiên văn kỳ thú và đáng mong đợi nhất năm 2021. Lần siêu trăng này xảy ra cùng với hiện tượng nguyệt thực toàn phần khiến cho Mặt Trăng không chỉ to hơn 14%, sáng hơn 30% mà còn chuyển sang màu đỏ thẫm. Đây là lần siêu trăng thứ 2 của năm nay, lần siêu trăng đầu tiên diễn ra vào ngày 26/4.
Dự báo sau siêu trăng ngày 25/6, khoảng ngày 28/7, rạng sáng ngày 29/7, người yêu thiên văn sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng một sự kiện thiên văn khác là mưa sao băng Bảo Bình. Đây là trận mưa sao băng trung bình với tần suất thời điểm cực đại khoảng 20 sao băng xuất hiện một giờ, được hình thành từ những mảnh vụn của sao chổi Marsden và Kracht.
Năm nay, trăng khuyết sẽ ảnh hưởng nhất định đến việc quan sát nhưng nếu kiên nhẫn, người quan sát vẫn có cơ hội nhìn thấy một số vệt sao băng sáng dài. Thời điểm quan sát tốt nhất là sau nửa đêm, chọn nơi ít ánh sáng đèn và ô nhiễm không khí. Các vệt sao băng có xu hướng phát ra từ chòm sao Bảo Bình nhưng cũng có thể xuất hiện ở bất cứ đâu trên bầu trời.