Cơ hội nào để Kiatisak từ bỏ "ngai vàng", đến Việt Nam làm việc?

Vô Âu |

Ở Thái Lan, Kiatisak toàn quyền về chuyên môn và được Liên đoàn bóng đá nước này (FAT) cũng như các đội bóng ủng hộ hết mình. Nhưng điều đó sẽ không thể có tại Việt Nam.

Giữa năm 2015, các phương tiện truyền thông bắt đầu rộ lên việc chiến lược gia này có thể trở lại dẫn dắt HAGL sau khi hợp đồng với FAT kết thúc.

Tuy nhiên, trong cuộc trò chuyện trên tờ Siam Sports, ông đã lên tiếng: "Chắc chắc tôi sẽ trở lại Việt Nam nhiều hơn với tư cách là HLV trưởng tuyển Thái Lan và U23. Thông tin tôi dẫn dắt HAGL chỉ là sản phẩm thêu dệt thời gian qua".

Tin đồn này không phải vô căn cứ bởi "Zico Thái" từng để lại dấu ấn sâu đậm khi thi đấu cho HAGL. Kết thúc sự nghiệp cầu thủ, ông được bầu Đức tin tưởng cho dẫn dắt đội bóng phố Núi 2 lần vào các năm 2006 và 2010. Tuy nhiên, ở những lần cầm quân này ông đều thất bại thảm hại.

Trở lại Thái Lan để sinh sống và làm việc nhưng Kiatisak vẫn còn giữ quan hệ tốt với đội bóng cũ HAGL. Thậm chí, bầu Đức còn có lần khẳng định HLV tuyển Thái Lan vẫn là lính của ông, ông muốn "bắt" lúc nào cũng được. Nhưng thông tin này khó lòng được chứng thực.

Cơ hội nào để Kiatisak từ bỏ ngai vàng, đến Việt Nam làm việc? - Ảnh 1.

Bầu Đức cũng không dễ bảo Kiatisak quay lại Việt Nam!

Nếu VFF có lời mời

Kiatisak từng nói ông rất nhớ thời thi đấu cho HAGL và khẳng định người hâm mộ Việt Nam rất tuyệt vời. Là người quá hiểu bóng đá Việt Nam, nói tiếng Việt sõi nên nếu VFF mời ông về làm việc, khả năng ông đồng ý chẳng phải không có.

Giả thuyết là thế nhưng Kiatisak có nhiều kênh để tham khảo để đưa ra quyết định.

Để thuyết phục được ông, VFF còn phải đáp ứng một loạt các tiêu chí khác như lối chơi ở CLB và ĐTQG có tương đồng không hay mỗi nơi một kiểu; công tác đào tạo trẻ có bài bản hay chỉ làm đối phó; chiến lược dài hơi như thế nào; có được toàn quyền về chuyên môn hay không…

Đó là những yêu cầu mà "Zico Thái" sẽ không bao giờ thỏa mãn nếu có trở lại Việt Nam làm việc.

Triết lý của Kiatisak là xây dựng lối chơi kỹ thuật, phối hợp nhỏ và tốc độ cao. Đây là cách chơi phù hợp với cầu thủ bản địa. Và điểm thuận lợi của Kiatisak là ở Thái Lan ông được FAT và các CLB hỗ trợ hết mình.

Cựu cầu thủ sinh năm 1973 không giấu giếm việc mình từng thất bại khi dẫn dắt HAGL trước đây. Nguyên nhân chính theo ông là việc thiếu kinh nghiệm và không có con người phù hợp với triết lý của mình.

Cơ hội nào để Kiatisak từ bỏ ngai vàng, đến Việt Nam làm việc? - Ảnh 2.

Ở Thái Lan, Kiatisak có những con người phù hợp với triết lý của ông.

Nhưng từ khi dẫn dắt U23 và ĐTQG Thái Lan mọi chuyện đã khác. Kiatisak đặt niềm tin vào Chanathip, Theerathon, Sarach… biến họ là thành hạt nhân trong lối chơi "Thai tik-tok". Thành công là điều đã được chứng minh với 2 lần vô địch SEA Games, 2 lần lên ngôi AFF Cup…

Bề ngoài Kiatisak hiền lành nhưng ông rất nghiêm khắc, đề cao tính kỷ luật. Khi xây dựng đội tuyển ông đề ra 4 quy tắc vàng yêu cầu cầu thủ không được hút thuốc, uống rượu, bỏ trốn… Ai vi phạm sẽ bị loại khỏi đội tuyển.

Đó là cách để ông giữ quyền lực. Những ngôi sao Thái Lan thay vì "khó chịu" lại rất nể và phục tùng ông thầy của mình.

Ngoài Kiatisak, CLB HAGL vẫn còn giữ liên lạc tốt với nhiều cựu danh thủ Thái Lan, trong đó có Dusit. Hậu vệ cánh trái xuất sắc một thời này từng giúp HAGL liên hệ nơi tập huấn khi sang Thái Lan tập huấn cách đây 2 năm.

Mới đây, ông cũng hỗ trợ hết mình tìm địa điểm điều trị chấn thương cho Tuấn Anh khi anh sang Bangkok điều trị.

CLB ở bên cạnh đội tuyển

Các CLB ở Thai League cũng hết lòng ủng hộ ĐTQG bằng việc chấp nhận nhả những ngôi sao lên tập trung. Họ hiểu rằng khi cầu thủ của mình thể hiện được khả năng ở tuyển Thái Lan họ sẽ rất có lợi khi tính đến bài toán kinh doanh.

Chẳng hạn sau khi nổi lên cùng ĐTQG, Charyl Chappuis đã tạo hiệu ứng mạnh mẽ ở CLB Suphanburi. Chỉ sau 2 tuần đến khoác áo CLB, anh giúp đội bóng bán được hơn 5.000 chiếc áo đấu, thu về 2,5 tỷ đồng. Đây là con số mơ ước với các đội V-League.

Bên cạnh đó, những đội bóng ở Thai League đã hạn chế tối đa ngoại binh gốc Phi. Thay vào đó, họ chuộng những cầu thủ kỹ thuật từ Brazil, châu Âu, Nhật Bản…

Điều này giúp cho lối chơi ở tuyển Thái Lan và CLB có sự tương thích nhất định. Đây chính là một trong những nguyên nhân quan trọng giúp Kiatisak thành công.

Tất cả những điều này, HLV người Thái sẽ không có được tại V-League!

Cơ hội nào để Kiatisak từ bỏ ngai vàng, đến Việt Nam làm việc? - Ảnh 4.

Nếu trở lại Việt Nam, Kiatisak có thể lại thất bại như đã từng ở HAGL.

Môi trường của bóng đá Việt Nam vẫn phức tạp, đậm chất nghiệp dư. Các đội bóng vẫn chuộng sử dụng ngoại binh gốc Phi vốn nổi tiếng to, khỏe nhưng hạn chế về tư duy chơi bóng.

Vị trí trung phong tại các đội V-League hầu hết đều là của họ. Đất diễn cho những chân sút nội không nhiều, hoặc nếu có họ phải chơi dạt biên chứ không đá đúng vị trí sở trường.

Điều này khiến bóng đá Việt Nam những năm qua không sản sinh được một tiền đạo thật đẳng cấp. Kiatisak sẽ không thể nào xây dựng nên một đội tuyển hiệu quả khi những "nguyên liệu" không đảm bảo.

Trong khi đó ở Thái Lan, ông được thoải mái lựa chọn khi có hàng loạt cây săn bàn đẳng cấp như Teerasil Dangda, Adisak Kraisorn, Siroch Chathong…

Một yếu tố khác ảnh hưởng đến quyết định của Kiatisak chính là… tiền bạc. 8 năm qua, FAT làm kinh tế rất giỏi khi kiếm được số tiền hơn 6.500 tỷ đồng.

Mới đây nhất, họ ký hợp đồng trị giá 28 triệu USD (Gần 650 tỷ đồng) với Thaibev. Điều đó giúp tuyển Thái Lan có những hỗ trợ tối đa, được tạo điều kiện để thi đấu với những đội mạnh… Đây là con số mà VFF phải mơ ước.

Với vốn hiểu biết của mình, Kiatisak thừa khôn ngoan để chọn nơi tốt làm việc. Nếu không dẫn dắt ĐTQG, ông vẫn là cái tên được các CLB trong nước săn đón. Với quá nhiều bất lợi, việc ông quay lại Việt Nam chỉ là chuyện hoang tưởng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại