Các máy bay tiêm kích đa năng Su-35 và Su-34 của Không quân Nga. Ảnh: RIA.
Forbes cho rằng, không quân Ukraine đã không nhận được máy bay chiến đấu có người lái mới kể từ năm 1991. Sau khi Liên Xô sụp đổ, Kiev đã bán hầu hết các máy bay chiến đấu và máy bay tấn công phổ biến nhất, và phần còn lại của các phương tiện chiến đấu được thanh lý hoặc ký gửi.
Theo các thống kê, hiện nay Ukraine đang có 125 máy bay và trực thăng và hầu hết chúng đều “lớn tuổi hơn các phi công của nước này”.
Các chuyên gia cho rằng, Kiev có thể mua máy bay chiến đấu F-15 từ người Mỹ, tuy nhiên, ngay cả trong trường hợp này khả năng chiến thắng trước Moscow trên không cũng gần bằng không.
“Ngay cả những máy bay và trực thăng mới nhất cũng sẽ không phải là đối thủ trong một cuộc chiến toàn diện với Nga, quốc gia trang bị khoảng 500 máy bay chiến đấu hiện đại ở gần Ukraine”, Forbes nhận định.
Ngoài ra, theo các nhà phân tích, các hệ thống phòng không tầm xa của Nga có khả năng tiêu diệt máy bay Ukraine ngay ở giai đoạn cất cánh.
Theo National Interest, thời điểm năm 2014, không quân Ukraine sở hữu tổng cộng 80 máy bay chiến đấu MiG-29, 36 Su-27, 36 Su-25 và 24 Su-24. Nhưng ngay khi đó nhiều phi cơ đã bị hỏng hóc. Năm 2015, chỉ có 19 MiG-29, 16 Su-27, 15 Su-25 và 11 Su-24 còn hoạt động.
Vào đầu năm 2014, không quân Ukraine có 400 máy bay quân sự các loại, bao gồm cả tiêm kích, vận tải, trực thăng... Một năm sau, con số này giảm xuống còn 222 chiếc, nhiều phi cơ đã bị bắn rơi trong cuộc xung đột ở Donbass.
Cũng theo National Interest, sau một thời gian, không quân Ukraine đã tiếp quản thêm một số máy bay. Ước tính tại thời điểm năm 2019, quy mô phi đội của Ukraine có 21 chiếc MiG-29, 35 chiếc Su-27, 12 chiếc Su-24 và 13 chiếc Su-25 trong biên chế.
Triển vọng của không quân Ukraine khá mơ hồ. Theo các chuyên gia đánh giá, khi sự hòa giải với Nga không thành công trong tương lai gần, điều đó có nghĩa là Ukraine không nên tính đến việc sửa chữa và nâng cấp các máy bay và trực thăng của mình. Trong khi đó lựa chọn thay thế chỉ có việc mua máy bay ở nước ngoài và điều này sẽ phát sinh thêm chi phí đào tạo, cơ sở hạ tầng, nhân sự và đào tạo phi công.
Hiện tại, không quân Ukraine đóng quân thường xuyên ở các sân bay Vasilkov, Khu Kiev (lữ đoàn không quân chiến thuật số 40), Mirgorod, Khu Poltavsk (Lữ đoàn không quân chiến thuật số 831), Ozernoe, Khu Ziromir (Lữ đoàn Không quân chiến thuật số 9), Ivano-Frankovsk, vùng Ivan-Frankovsk (Lữ đoàn Không quân chiến thuật sô 114).
Trước đó, vào thời điểm Liên Xô sụp đổ, một phần quan trọng của lực lương không quân Liên Xô đóng quân tại Ukraine và không có gì đáng ngạc nhiên khi tách ra độc lập, không quân Ukraine trở thành một trong những nước lớn nhất và hiệu quả nhất ở châu Âu và thậm chí trên thế giới.
Thời điểm đó, Lực lượng không quân của Ukraine ở vị trí thứ 4, chỉ đứng sau Trung Quốc, Mỹ và Nga. Tổng cộng có khoảng 1.100 máy bay chiến đấu và khoảng 900 máy bay trực thăng đang phục vụ, trong đó 250 chiếc là Mi-24.
Đến năm 1992, không quân Ukraine bao gồm 4 tập đoàn không quân, 600 đơn vị quân đội, 2.600 máy bay và trực thăng dùng cho các mục đích khác nhau và 130 nghìn nhân viên quân sự.
Trong lực lượng phòng không, ngoài các hệ thống tên lửa phòng không còn có bảy trung đoàn không quân, được trang bị các máy bay tiêm kích đánh chặn MiG-25, MiG-23 và Su-15. Đến năm 1997 tất cả chúng đã ngừng hoạt động và đưa vào bảo quản.