Chưa hết hạn ngạch nhập khẩu
Trong Thông tư hướng dẫn việc thực thi Nghị định thư giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ Liên bang Nga về hỗ trợ sản xuất phương tiện vận tải có động cơ trên lãnh thổ Việt Nam (được kí kết hồi đầu năm), Bộ Công thương nêu rõ, các thương hiệu KAMAZ, GAZ, UAZ,..và các doanh nghiệp mới được ủy quyền của Nga liên doanh với Việt Nam sản xuất các phương tiện vận tải theo Nghị định thư giữa hai Chính phủ được kí kết hồi đầu năm nay.
Trong thời gian đầu, Việt Nam sẽ cho phép các liên doanh được nhập khẩu miễn thuế một số xe nguyên chiếc để bán thăm dò dung lượng và thị hiếu của thị trường.
Đồng thời cho hưởng hạn ngạch miễn thuế cụ thể đối với linh kiện, phụ tùng lắp ráp ô tô trong vòng 5 năm là khoảng thời gian trước khi thuế nhập khẩu linh kiện, phụ tùng ô tô theo VN – EAEU FTA sẽ được cắt giảm dần về 0%.
Thuế suất xe ô tô của Nga được áp dụng 0% theo hạn ngạch từ 5/10 và được áp số lượng theo từng năm. Cụ thể, năm 2016 nhập 800 xe; năm 2017 có thể nhập 850 xe. Năm 2018 là năm cuối áp dụng hạn ngạch nhập ô tô nguyên chiếc với số lượng 900 xe.
Có sức hấp dẫn khi được miễn thuế nhập khẩu đã khiến lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc từ Nga về Việt Nam tăng đáng kể so với các năm trước đó. Nhưng lượng nhập khẩu lại vẫn rất "nhỏ giọt".
Số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy, lượng xe Nga nhập về thị trường Việt Nam dù tăng nhưng vẫn không đáng kể dù có sức hấp dẫn không nhỏ với mức thuế 0%.
Trong tháng 10, Việt Nam nhập về từ Nga 165 chiếc ô tô nguyên chiếc, đạt trị giá 6,8 triệu USD. Hồi tháng 9, lượng ô tô Nga nhập về Việt Nam là 65 chiếc. Tính đến hết tháng 10 năm nay, Việt Nam đã nhập từ Nga 1.410 chiếc ô tô đạt trị giá 76 triệu USD.
Dù chưa biết 2 tháng cuối năm lượng xe Nga nhập về Việt Nam tăng bao nhiêu, thế nhưng với mức hạn ngạch nhập khẩu được tính từ 5/10 (kể từ khi có hiệu lực) thì lượng ô tô Nga nhập về Việt Nam còn lâu mới hết hạn ngạch.
Tuy vậy, nếu so với con số chỉ vài trăm chiếc trong năm 2014 và 2015, lượng nhập khẩu ô tô Nga về Việt Nam đã tăng đáng kể.
Xe Nga vẫn "im hơi lặng tiếng"
Những cái tên được nhắc đến trong Nghị định thư như KAMAZ, GAZ, UAZ,...cùng với các nhà nhập khẩu được chỉ định có thể được nhập về Việt Nam một số dòng xe để thăm dò.
Ngay lập tức, một số thương hiệu như UAZ, KAMAZ cũng đã nhanh chân quay trở lại thị trường Việt. Thế nhưng, cho đến thời điểm hiện tại, các thương hiệu xe Nga lại vẫn khá "im hơi lặng tiếng".
Ngoài các mẫu xe tải của thương hiệu KAMAZ xuất hiện không mấy nổi bật ở Triển lãm ô tô Việt Nam (VMS 2016). Một thương hiệu xe đa dụng được nhiều người dùng Việt quan tâm là UAZ khá nhanh chân chỉ định nhà nhập khẩu tại Việt Nam là AutoK để đưa về thị trường Việt các mẫu xe.
Trong tháng 10, UAZ, thông qua nhà nhập khẩu chính thức của mình đã đưa về Việt Nam các mẫu xe đáng chú ý như: UAZ Pick up, UAZ Patrio và chiếc UAZ Hunter.
Các mẫu xe này được trưng bày tại gian hàng của thương hiệu này tại triển lãm ô tô quốc tế Việt Nam 2016 và nhận được sự quan tâm của nhiều người dùng.
Thế nhưng, cho đến thời điểm hiện tại, AutoK và cả UAZ lại vẫn chưa xác định giá bán chính thức cho các mẫu xe được nhiều người quan tâm này.
Đại diện thương hiệu này cũng khẳng định kế hoạch sớm triển khai kế hoạch lắp ráp tại Việt Nam. Thế nhưng, nhưng đến thời điểm hiện tại, liên doanh xe Nga này và cả các hãng xe Nga khác gần như vẫn chưa có một động thái nào khác ở thị trường Việt Nam.
Nhiều người dùng cũng tỏ ra "nghi ngờ" sức hấp dẫn của các mẫu xe Nga khi trở lại thị trường Việt bởi dù có sức hấp dẫn khi một số dòng xe được cấp hạn ngạch nhập khẩu với thuế suất 0% nhưng các dòng xe này vẫn phải chịu các loại thuế, phí khác.
Trong đó, đáng kể là Thuế tiêu thụ đặc biệt bởi nhìn vào danh mục 3 sản phẩm của UAZ vừa cập bến Việt Nam, hầu hết đều sử dụng dung tích động cơ lớn, từ 2,2 đến 2,7L với mức thuế Tiêu thụ đặc biệt phải chịu là 55%.
Ngoài việc có mức giá về Việt Nam không rẻ như nhiều người tưởng, xe Nga nói chung hay các mẫu xe UAZ Pick up, UAZ Patrio và chiếc UAZ Hunter vừa xuất hiện tại Việt Nam cũng gặp thêm trở ngại khi kém lợi thế cạnh tranh về kiểu dáng thiết kế, các trang bị nghèo nàn và chậm thay đổi về công nghệ.