Cơ hội khi tham gia 2 nhóm Bộ Tứ, Ấn Độ vẫn cần thận trọng

Hoàng Phạm |

Nếu như Bộ Tứ Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương được xem là nhằm kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc, mục đích của Bộ Tứ Trung Đông lại chưa rõ ràng và có những yếu tố phức tạp.

Tổng thống Mỹ Biden tiếp lãnh đạo các nước Bộ Tứ trong cuộc họp thượng đỉnh trực tiếp đầu tiên tại Nhà Trắng ngày 24/9/2021. Ảnh: AFP

Tổng thống Mỹ Biden tiếp lãnh đạo các nước Bộ Tứ trong cuộc họp thượng đỉnh trực tiếp đầu tiên tại Nhà Trắng ngày 24/9/2021. Ảnh: AFP

Đối thoại An ninh Tứ giác (Quad-1 hay Bộ Tứ Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương) gồm Mỹ, Australia, Nhật Bản và Ấn Độ là cơ chế mà chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khôi phục nhằm chống lại những thách thức do sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Bộ Tứ Trung Đông (Quad-2) gồm Mỹ, Irsael, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Ấn Độ, mà chính quyền Tổng thống Joe Biden công bố cuối tháng 10 vừa qua cũng theo hình thức tương tự - Mỹ hợp tác với các đối tác khu vực.

Lý do Ấn Độ tham qua Bộ Tứ Trung Đông

Quad-1 và Quad-2 có điểm giao cắt là Trung Quốc. Cả hai đều được hình thành như “liên minh của thiện chí” và đều đặt quyền lực biển là trọng tâm. Cả hai đều chú trọng vào việc kiểm soát các nút cổ chai trên các tuyên đường biển: với Quad-1 là eo biển Mallacca và Quad-2 là Eo biển Bab-el-Mandeb.

Eo biển Malacca là tuyến đường biển từ Biển Đông đến Ấn Độ Dương; eo biển Bab-el-Mandeb nối Biển Arab và Vịnh Aden với Biển Đỏ và Kênh đào Suez.

Việc Ấn Độ tham gia Bộ tứ mới cho thấy New Delhi muốn đóng vai trò lớn hơn trên trường thế giới và phản bác lại những chỉ trích từ các nhà quan sát cho rằng nước này nhắm đến những mục tiêu quá sức. Khuôn khổ mới này tạo cơ hội để Ấn Độ xích lại gần hơn với các đối tác quan trọng mà không ảnh hưởng đến chính sách tự chủ chiến lược của nước này.

New Delhi cũng coi Trung Đông là khu vực có tầm quan trọng chiến lược. Nước này phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu năng lượng và có gần 9 triệu công nhân Ấn Độ sống ở Vịnh Ba Tư. Ấn Độ đã tăng cường ngoại giao với nhiều quốc gia trong khu vực, bao gồm cả Saudi Arabia, nhưng Israel và UAE từ lâu đã là những mục tiêu chính. Trong một cuộc khảo sát năm 2019, các chuyên gia an ninh và chính sách đối ngoại của Ấn Độ cho rằng 2 nước được coi là hai đối tác quan trọng nhất của Ấn Độ ở Trung Đông.

Israel là nhà cung cấp vũ khí lớn cho Ấn Độ. Trong khi đó, UAE có thể cung cấp cho Ấn Độ nguồn tài chính cơ sở hạ tầng rất cần thiết. Năm 2015, hai nước đã công bố quỹ cơ sở hạ tầng trị giá 75 tỷ USD.

Bộ Tứ mới cũng thúc đẩy mối quan hệ giữa Ấn Độ với Mỹ. Cơ chế mới này mở rộng phạm vi địa lý của hợp tác hai nước ra ngoài châu Á.

Những mối quan hệ phức tạp

Phần lớn xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt tự nhiên từ Vịnh Ba Tư trung chuyển qua Kênh đào Suez và Đường ống Suez-Địa Trung Hải đi qua eo biển Bab-el-Mandeb.

Ở khu vực này, hòn đảo Socotra của Yemen, còn được gọi là “viên ngọc quý của Vịnh Aden” và là hòn đảo lớn nhất trong quần đảo cùng tên gồm 4 đảo, 2 đá ở vị trí chiến lược ở Ấn Độ Dương, ngoài khơi Vùng Sừng châu Phi, ở biển Arab.

Đây cũng là nơi UAE và Israel đã thiết lập một cơ sở thu thập thông tin tình báo. UAE đã triển khai hàng trăm binh sĩ trên hòn đảo chiến lược này kể từ tháng 5/2018, bất chấp sự phản đối của chính phủ Yemen.

Căn cứ này có thể cung cấp các thông tin an ninh quan trọng cho Mỹ liên quan đến hoạt động kinh tế của Trung Quốc, đặc biệt là thương mại của nước này với châu Âu cũng như các hoạt động của Hải quân Trung Quốc.

Suốt nhiều năm, UAE đã tìm cách sáp nhập hòn đảo và sự sụp đổ của nhà nước Yemen sau nhiều năm bất ổn đã mở đường cho cuộc tiếp quản này.

Một khía cạnh thú vị ở đây là sự cạnh tranh ngoại giao, quân sự và kinh tế của UAE với Saudi Arabia ở Yemen. Đối với UAE, kiểm soát Socotra giúp nước này củng cố vị thế thương mại và quân sự ở Ấn Độ Dương, củng cố uy tín đang ngày càng gia tăng trong khu vực.

Mặt khác, lợi ích của Saudi Arabia lại nằm ở việc kiềm chế ảnh hưởng của UAE trên hòn đảo, khẳng định vị thế của Riyadh ở Yemen cũng như trong cán cân quyền lực ở Vùng Vịnh.

Các nhà phân tích an ninh cho rằng căn cứ tình báo ở Socotra sẽ được sử dụng để quan sát Pakistan, đặc biệt là cảng Gwadar. Trên thực tế, căn cứ thu thập thông tin tình báo trên đảo Socotra là một dự án của Mỹ-Israel. Mỹ đã và đang tìm cách làm trật bánh Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan, nối Gwadar với Kashgar ở Tân Cương.

Có thể thấy một trong những mục đích của Quad-2 là giám sát Trung Quốc và Pakistan, do đó, Mỹ đã cân nhắc rất kỹ việc mời Ấn Độ tham gia. Tất nhiên, Israel và UAE cũng đều có quan hệ hữu hảo với Ấn Độ.

Dù vậy, Quad-2 vẫn có những yếu tố phức tạp.

Ấn Độ vẫn cần cẩn trọng

Trả lời phỏng vấn Tehran Times gần đây, Đại sứ Yemen tại Iran cho rằng. do sự liên quan của Mỹ ở Yemen nên UAE và Saudi Arabia mới theo đuổi chính sách can thiệp.

Xung đột Yemen từng là một trong các cuộc chiến tàn khốc nhất trong thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh. Ấn Độ không muốn bị kéo vào một cuộc chiến như vậy. Tương tự, nếu Quad-2 có khía cạnh chống Iran, mối quan hệ New Delhi-Tehran không bao giờ có thể trở lại như cũ nếu Ấn Độ hợp tác với Mỹ, Israel và UAE trong khu vực lân cận của Iran.

Bên cạnh đó, những diễn biến mới nhất ở Sudan cho thấy, một cuộc cạnh tranh địa chính trị đang nổ ra để giành quyền kiểm soát vùng Sừng châu Phi và Biển Đỏ. Đối với Israel, đây là cơ hội lý tưởng để can dự vào nền chính trị Arab. Nhưng Ấn Độ cần phải thận trọng.

Ấn Độ không có lợi khi chọc giận các quốc gia cả trong khu vực và ngoài khu vực, như Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Qatar, Trung Quốc, Pakistan - và thậm chí cả Nga./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại