Tổng thống Mỹ Donald Trump, dưới sự tác động của cựu cố vấn cấp cao Steve Bannon, đã đổ lỗi cho “nhà nước ngầm” về những khó khăn bước đầu, những tiến triển chậm chạp và thất bại mà ông gặp phải khi cố gắng thực hiện những lời mình từng hứa hẹn với cử tri Mỹ trong giai đoạn tranh cử.
Giờ đây, Bannon đã về cầm trịch “Breitbart News”, nguồn gốc của những giả thuyết nhà nước ngầm liên quan tới Trump.
Nhà nước ngầm là một tập hợp đông đảo các công chức không qua bầu cử, những người điều khiển bộ máy quan liêu nhằm theo đuổi những chính sách, giá trị, lập trường riêng của mình. Nhà nước ngầm sẽ đối đầu với Tổng thống nếu có xung đột trong chính sách hoặc họ cảm thấy bị đe dọa. Cũng có khi nhà nước ngầm thúc đẩy kế hoạch của Tổng thống.
Bộ phận này gần như không hiện hữu và hoạt động đằng sau Chính phủ. Họ không mấy để tâm tới Hiến pháp cũng như luật lệ của nước Mỹ trừ khi những nguyên tắc pháp lý ấy ủng hộ lập trường của họ.
Nhà nước ngầm thường được mô tả tương tự như các cơ quan an ninh hoặc mật vụ. Họ “vươn xúc tu” tới các tổ chức phi chính phủ thuộc khu vực tư, các nhóm vận động, các nhà hoạt động, giới truyền thông chính thống và các nhà tài trợ hào phóng - nơi thông tin, tham mưu và chiến lược được chia sẻ.
Với hình thức nhà nước hoạt động trong lòng nhà nước ở góc khuất của chính phủ, nhà nước ngầm làm nảy sinh nhiều khái niệm về những âm mưu khổng lồ.
Nhà nước ngầm sử dụng những thông tin nặc danh bị rò rỉ, những vụ lộ mật, trò phá hoại ở chốn công sở, các thỏa thuận ngầm với những thế lực đối lập phi chính phủ, các chiến dịch bôi nhọ và rất nhiều phương thức khác để xúc tiến lập trường của mình.
Quan điểm cho rằng nhà nước ngầm tồn tại ở Mỹ không phải là mới. Có rất nhiều người ở cả cánh tả và cánh hữu phàn nàn về nó.
Trước Trump và Obama, nhiều người tin rằng Chính phủ của George Washington bị kiểm soát bởi hội kín Free Masons; Tổng thống Dwight Eisenhower thì cho là tổ hợp công nghiệp - quân sự đã cản trở chính phủ của ông; đạo diễn Oliver Stone từng khẳng định, vụ ám sát Tổng thống John F. Kennedy là thành công của nhà nước ngầm; người thổi còi Edward Snowden cũng cho hay, anh ta đã phát hiện ra nhà nước ngầm nhúng tay vào Cơ quan An ninh Quốc gia; còn Julian Assange (sáng lập ra Wikileaks - ND) thì theo đuổi sự nghiệp bóc trần những bí mật chính phủ mà nhà nước ngầm đã khui ra.
Đạo diễn Oliver Stone từng khẳng định, vụ ám sát Tổng thống John F. Kennedy là thành công của nhà nước ngầm. Ảnh: Dallas Morning News
Nhiều nhà phân tích, chẳng hạn như Jon Michaels của Foreign Affairs không đồng tình với quan điểm cho rằng: Có một nhà nước ngầm tồn tại trong lòng nước Mỹ.
Với sự minh bạch, sâu sát và cơ chế trách nhiệm giải trình đã ăn sâu vào chính phủ Mỹ, với một hệ thống truyền thông chính thống quyết liệt sẵn sàng điều tra mọi thứ mà chính phủ làm, trong khi các đảng chính trị thi nhau truy tìm những hành vi tham nhũng, sai phạm, lãng phí và lạm dụng, làm sao một nhà nước ngầm có thể tồn tại? Khi các công chức được đào tạo cư xử một cách mẫu mực và cam kết tuân thủ luật pháp, làm sao một nhà nước ngầm có thể tồn tại? Hệ thống lãnh đạo Mỹ vốn hoạt động dựa trên cơ chế kiểm tra và cân đối nhằm ngăn chặn sự tác động của nhà nước ngầm.
Có thể một số nhà phân tích không chịu tin vào nhà nước ngầm bởi họ cảm thấy, nếu một thứ như vậy tồn tại thì nó sẽ làm ô danh nước Mỹ, hoặc để quyền lực rơi vào tay các công chức.
Nước Mỹ sao có thể bị đặt ngang hàng với các nhà nước ngầm mà ai cũng biết như Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Algeria và Pakistan. Tạp chí Newsweek cho rằng chính nhà nước ngầm đã đứng sau âm mưu lật đổ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan năm 2016, vụ việc dẫn tới sự kiện bắt bớ hàng trăm nghìn người thuộc phe đối lập.
Có thể nhà nước ngầm chỉ là sản phẩm hư cấu mà các Tổng thống tạo ra để đổ lỗi cho những thất bại của mình. Đó là quan điểm của Michael Crowley trong bài viết trên Politico. Theo đó, Trump không phải là nạn nhân của nhà nước ngầm. Ông ta đang sử dụng nó để đánh lạc hướng truyền thông, đổ lỗi cho đối thủ và duy trì sự ủng hộ từ cử tri.
Ví dụ, Trump nói rằng, tình trạng rối ren ở Nhà Trắng xảy ra là do tin tức rò rỉ từ các quan chức lưu nhiệm từ thời Obama, những người muốn thấy Trump thất bại. Ông không đổ lỗi cho những cố vấn cấp cao của mình, như Steve Bannon, con gái Ivanaka Trump hay con rể Jared Kushner - những nhân vật mà nhiều người cho là ngọn nguồn của sự rò rỉ.
Jared Kushner, Ivanka Trump và Steve Bannon. Ảnh: NYTimes
Những chính trị gia khác đã "làm mẫu" cho Trump. Còn nhớ, khi thất bại trong vòng bầu cử Tổng thống, bà Hillary Clinton đã cho rằng “âm mưu khổng lồ của phe cánh hữu” là nguyên nhân khiến bà thua cuộc. Lý lẽ này cũng được Hillary đưa ra khi bà còn là Đệ nhất phu nhân Mỹ, dưới thời của Bill Clinton.
Dù nhiều người không tin vào sự hiện diện của nó nhưng liệu một nhà nước ngầm có đang tồn tại ở Mỹ hay không và nó ảnh hưởng như thế nào tới hệ thống lãnh đạo? Theo khảo sát mới đây của ABC/Washington Post, 48% người Mỹ tin vào sự hiện diện của nhà nước ngầm. Liệu họ có đúng không?
Lấy biến đổi khí hậu làm ví dụ. Vấn đề này là ưu tiên hàng đầu đối với các đảng chính trị, cũng như các Tổng thống Obama và Trump, một bên thì ủng hộ, bên kia lại phản đối. Ông Obama từng khẳng định trên trang web của Nhà Trắng rằng: “Không thách thức nào có thể tạo ra mối đe dọa lớn hơn cho con cháu chúng ta, hành tinh của chúng ta và các thế hệ tương lai”.
Vấn đề này đã gây ra tình trạng bất ổn (thường mang tính bạo lực) giữa những người tin vào sự biến đổi của khí hậu và những người không. Tình trạng thời tiết khắc nghiệt ngày càng gia tăng - đặc biệt là siêu bão Harvey, Irma và Jose mới đổ bộ gần đây - đã gợi cảm giác thôi thúc chính phủ hành động.
Biến đổi khí hậu khơi dậy nhiệt huyết của các nhà vận động trên khắp đất nước. Vì thế, người ta mong muốn nhà nước ngầm - nếu tồn tại- thì cũng lo ngại về vấn đề này.
Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Ngay trước khi nhậm chức năm 2009, ông Obama đã hiểu rằng mình sẽ không nhận được nhiều sự ủng hộ tại Quốc hội để thông qua chương trình chống biến đổi khí hậu toàn diện, thứ sẽ dẫn dắt thế giới trong 100 năm tới. Sự ủng hộ đến từ giới kinh doanh, công nghiệp, và kể cả Đảng Dân chủ thậm chí còn ít hơn. Điều ông có thể làm là thu vén quyền lực và sử dụng nó thông qua nhà nước ngầm.
Bước đầu tiên trong sáng kiến khí hậu của Obama, và cũng là điều ông làm trong suốt 8 năm tại nhiệm, là ban hành nhiều quy định liên bang nhất có thể để buộc các doanh nghiệp và người dân giảm tác động của biến đổi khí hậu.
Theo Diễn đàn Hành động Mỹ, trong nhiệm kỳ của mình, Obama đã đưa ra 3.900 điều lệ liên bang trên khoảng 39.000 trang văn bản. Chi phí mà các doanh nghiệp phải chịu để áp dụng những điều lệ này tăng lên 50 triệu USD/năm. Trong những ngày cuối cùng của nhiệm kỳ, ông Obama đã ban hành hàng trăm điều lệ như một cách để áp đảo tân Tổng thống.
Ông Obama cũng viện tới vô số sắc lệnh hành pháp - thứ công cụ giúp Tổng thống có thể tự mình chỉ đạo chính quyền làm khá nhiều việc mà không cần ban hành luật.
Bằng cách này, ông Obama có thể qua mặt Quốc hội và trao quyền vào tay cơ quan công vụ. Lúc này, cơ quan công vụ được tự do thi hành các điều lệ cũng như sắc lệnh. Ông Obama đã đưa cho các công chức công cụ để theo đuổi lập trường kín đáo của họ, núp dưới bóng nhà nước ngầm.
Ngoài ra, với cách làm này, ông Obama có thể hạn chế sự can thiệp của chính quyền các bang - bộ phận thường mâu thuẫn với chính quyền liên bang trong hệ thống liên bang Mỹ - vào chương trình chống biến đổi khí hậu.
Hơn nửa số bang thuộc quyền kiểm soát của đảng Cộng hòa và họ không ủng hộ lập trường của ông Obama. Nhờ ban hành sắc lệnh hành pháp và điều lệ, ông Obama có thể giảm khả năng can thiệp của họ, ngoài ra còn tập trung quyền lực về Washington.
Ông Obama muốn Mỹ gắn bó với chương trình chống biến đổi khí hậu kéo dài hàng thập kỷ, tốn kém tới hàng nghìn tỉ USD và giữ vai trò dẫn dắt trong Hiệp định Paris về Biến đổi Khí hậu.
Để một hiệp định như vậy được thông qua trước khi trở thành luật thì cần tới sự ủng hộ của Quốc hội. Và ông Obama đã vượt mặt lưỡng viện bằng cách ép Liên Hợp Quốc coi hiệp định này là một thỏa thuận, tạo điều kiện cho ông ký thành luật và gắn chặt nước Mỹ vào chương trình.
Đưa ra tín hiệu rằng kết quả (biến đổi khí hậu) quyết định phương thức (một thỏa thuận chứ không phải hiệp định), ông Obama đã vi phạm Hiến pháp Mỹ. Triết lý lách luật này sẽ hiện diện nơi nhà nước ngầm - bộ phận thường tồn tại ở ranh giới của luật pháp.
Các nhà lãnh đạo thế giới nhất trí về điều khoản của Thỏa thuận chống Biến đổi Khí hậu Paris trong hội nghị năm 2015. Ảnh: Presidencia de la República Mexicana
Để thi hành hàng loạt điều lệ, sắc lệnh, cũng như Thỏa thuận Paris thì cần có nhiều cơ quan chính quyền.
Ông Obama hiểu rằng chỉ mở rộng Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) và Bộ Năng lượng (DOE) cùng một số cơ quan khác thì sẽ không thể dẫn tới những thay đổi sâu rộng mà ông muốn, vì thế ông yêu cầu gần như tất cả các cơ quan phải thành lập ít nhất một văn phòng để thực hiện chương trình của ông. Mỗi cơ quan lại bổ nhiệm một chuyên viên về biến đổi khí hậu.
Các văn phòng này vạch ra các chính sách, tiến hành các chương trình, tài trợ cho các dự án và hầu như tất cả đều phải thực hiện những nghiên cứu nhằm hỗ trợ lập trường về chống biến đổi khí hậu.
Cách làm của ông Obama đã khiến số lượng công chức hoạt động trong lĩnh vực biến đổi khí hậu tăng lên nhanh chóng. Nhưng lấy đâu ra nhân viên cho những văn phòng mới ấy? Câu trả lời là tuyển thêm nhân viên mới từ những nhóm vận động chống biến đổi khí hậu phi chính phủ như Greenpeace hoặc Sierra Club.
Có một cơ chế "cửa xoay" khá nổi tiếng. Đó là các nhà vận động chuyển từ các đơn vị phi chính phủ sang làm việc trong chính phủ và ngược lại.
Theo nghiên cứu năm 2014 của Viện Pháp lý Môi trường và Năng lượng, thư từ giữa lãnh đạo EPA và NGO cho thấy: Các nhóm vận động đang thảo ra quy định và cung cấp nhân viên cho EPA để thúc đẩy lập trường của Tổng thống Obama. Hai quản trị viên của EPA còn sử dụng địa chỉ email giả để che giấu sự liên quan của mình.
Các chương trình nghiên cứu thì đáng được chú ý. Obama hiểu rằng ông cần có các nghiên cứu để chứng minh được sự cần thiết của chương trình. Ông cũng biết rằng không nên chính trị hóa việc nghiên cứu.
EPA đã tạo ra vị trí Chuyên viên Toàn vẹn Khoa học (SIO) để đảm bảo tính hợp thức của khoa học. Tuy nhiên, hội đồng phê bình và xét duyệt các vấn đề nghiên cứu lại được tập hợp từ các nhà vận động biến đổi khí hậu. Vì vậy, nhiều người tin rằng công tác nghiên cứu đã bị chính trị hóa dù ông Obama khẳng định là không.
Scott Pruitt - cựu Tổng chưởng lý Oklahoma, người từng phản đối lập trường của ông Obama tại nhiều tòa án liên bang - đã được bổ nhiệm làm người đứng đầu EPA. Ông này ngay lập tức bị chuyên viên SIO điều tra và chê trách. Chuyên viên mới được bổ nhiệm này khẳng định, ông Pruitt đang tìm cách chính trị hóa hoạt động nghiên cứu về khí hậu.
Nhiều bang do đảng Dân chủ cầm quyền đã công kích những nhà nghiên cứu đối lập, những người bất đồng với các nhà khoa học của ông Obama. Thượng nghị sỹ Kamala Harris, khi còn là Tổng chưởng lý California, đã dẫn dắt các bang do đảng Dân chủ lãnh đạo thực hiện một vụ kiện hình sự cấp liên bang nhằm bịt miệng các nhà nghiên cứu đó.
Họ đã lặng lẽ lên kế hoạch kiện cáo và sử dụng các đơn vị dân sự liên bang để bí mật thu thập thông tin - đây là hành động của nhà nước ngầm. Nỗ lực này thất bại khi mưu đồ bí mật của họ bị phanh phui.
Phần 2: Trump và "nhà nước ngầm": Cuộc đấu tay đôi sẽ ám ảnh hệ thống lãnh đạo Mỹ