Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông N.N.T, nhân viên một văn phòng công chứng tại TP Thủ Đức (khu vực quận 9 cũ), cho hay thông tin trên không chính xác. Thực tế, nhân viên phòng công chứng còn dư thời gian để... ngồi lướt điện thoại.
"Kinh tế khó khăn kéo dài, mỗi tháng chúng tôi chỉ nhận 3-4 bộ hồ sơ mua bán, ủy quyền đất đai thôi. Nhiều nhất hiện nay là hợp đồng thế chấp ngân hàng" - ông T. thông tin.
Tương tự, bà L.C.T, nhân viên một văn phòng công chứng trên đường Nguyễn Duy Trinh (TP Thủ Đức), khẳng định lượng hồ sơ công chứng mua bán nhà đất ở TP HCM vẫn chưa có dấu hiệu tăng. Văn phòng mỗi tháng chỉ nhận khoảng 6 - 7 bộ hồ sơ công chứng. Nguồn thu của văn phòng chủ yếu ở các hợp đồng thế chấp ngân hàng, tranh chấp đất đai.
Theo một số văn phòng công chứng ở TP HCM, số lượng hồ sơ nhà đất hiện nay chỉ tăng nhẹ so với thời điểm giữa năm 2023 mặc dù lãi suất cho vay tại các ngân hàng liên tục giảm.
Ông Tạ Trung Kiên, Phó Tổng Giám đốc Công ty Bất động sản Wowhome, đánh giá thị trường bất động sản TP HCM vẫn đang ở mức trung bình, chưa có sự đột biến.
"Tại khu vực quận 9 cũ (TP Thủ Đức hiện nay - PV), khách bắt đầu tìm mua nhà đất, chung cư nhiều hơn trước nhờ lợi thế từ tuyến đường Vành đai 3 nhưng giao dịch vẫn còn lai rai" - ông Kiên cho biết.
Ông Nguyễn Nhất, nhân viên một sàn giao dịch bất động sản tại TP Thủ Đức, quận Bình Thạnh (TP HCM) và tỉnh Bình Dương, cho biết kể từ trước Tết Nguyên đán đến nay, lượng khách quan tâm đến chung cư, đất nền vẫn có nhưng chủ yếu hỏi giá, thăm dò thị trường.
Theo ông Nhất, khách hàng ngày càng khó tính. Người có sẵn tiền mặt thường cân nhắc rất kỹ trước khi quyết định giao dịch, còn người không đủ nguồn lực tài chính thì sợ vay ngân hàng. "Hơn 3 tháng qua, tôi chỉ chốt được 2 giao dịch" - ông Nhất nói.