Trong cuộc sống, ai cũng có thể mắc sai lầm.“Đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại”. Đôi khi một câu nói nặng của người ngoài cũng có thể khiến người mắc lỗi mãi mãi không gượng dậy được.
Hiểu Trương, một ông bố người Trung Quốc khi đang làm việc thì nhận được điện thoại từ cô giáo của con trai. Theo những gì cô thông báo thì con trai anh, bé Hiểu Quân đã ăn trộm ở trường.
Vừa nghe cô giáo nói điều này, anh Trương đã thấy đầy hoài nghi. Vì con trai anh trước giờ là một cậu bé thông minh, nhạy cảm và không có thói xấu ăn cắp vặt. Tuy nhiên, cô giáo quả quyết rằng Hiểu Quân đã lấy đồ của bạn.
Ông bố trẻ bức xúc với cách hành xử của cô giáo (Ảnh minh họa).
Anh Trương sau đó vội vàng chạy đến trường học của con để giải quyết vụ việc.
Khi ông bố trẻ tới nơi, trước mặt cả lớp, cô giáo nhìn thẳng vào mặt Hiểu Quân và lớn giọng chất vấn:“Hiểu Quân, tại sao con lại ăn cắp đồ của bạn? Con nói xem nào!”.Hiểu Quân còn chưa trả lời, anh Trương đã giơ tay về phía cô giáo và cất lời:
“Thưa cô, Hiểu Quân từ nhỏ đã rất nhạy cảm. Thằng bé hành động như vậy chắc chắn phải có lý do. Là giáo viên, lẽ ra cô nên bình tĩnh suy xét. Con tôi lấy đồ của bạn là sai, nhưng xin cô đừng dùng từ “tên trộm” hay “ăn cắp” để gán vào một đứa trẻ như vậy!”.
Lời nói của ông bố trẻ khiến cô giáo phút chốc ngượng đỏ mặt vì cách ứng xử thiếu tinh tế của mình. Còn Hiểu Quân lúc này mới rụt rè kể lại:
“Chiếc đồng hồ của bạn ấy rất đẹp, con thật sự muốn có một cái. Con chỉ muốn mượn mang về đưa bố xem, để bố mua cho con một cái. Con không thể vẽ giống như vậy nên con mới lấy của bạn mang về cho bố nhìn rồi trả lại. Con không ăn cắp. Đây là đồng hồ của bạn ấy mà”.
Trẻ nhỏ nhiều khi hành động mà không suy nghĩ, vì tâm hồn của con rất đơn giản, ngây thơ. Việc người lớn chưa tìm hiểu kỹ mà đã lập tức quy kết, gắn cho trẻ những tội danh tiêu cực có thể khiến trẻ tổn thương lòng tự trọng.
Kể cả việc đứa trẻ có trót dại lấy đồ của bạn thì cách xử lý sự việc của cô giáo cũng khiến nhiều người bất bình. Điều này khiến trẻ sẽ không thể vượt qua được mặc cảm tội lỗi và không có động lực sửa sai.
Vậy nên khi một đứa trẻ mắc lỗi hoặc ngay cả người lớn cũng vậy, chúng ta cần phải có biện pháp tinh tế, tránh những cách xử lý tiêu cực ảnh hưởng đến tâm lý.