Cô giáo trường làng xúc động kể về những lần đón trẻ kém may mắn về nhà ăn Tết, từng bị hàng xóm hiểu lầm nhưng chưa bao giờ hối hận

Minh Ngọc |

Cô giáo Phùng Thị Thuý Hà (47 tuổi,ở Ba Vì, Hà Nội), giáo viên Tiểu học Yên Bài B, vượt lên sự kỳ thị của xã hội, trên cả ranh giới cô đã có 15 năm gắn bó với những đứa trẻ kém may mắn tại Cơ sở Cai nghiện ma tuý số 2 Hà Nội.

Vào những cuối năm, chúng tôi trở lại Cơ sở Cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội, cô Hà cùng các học trò đang say sưa trong lớp học với những trang sách vở.

Trò chuyện với cô giáo trường làng hết lòng vì trẻ đặc biệt

Tranh thủ trò chuyện với chúng tôi, cô Hà đã nói về cái duyên đến với những đứa trẻ có hoàn cảnh đặc biệt này.

"Trẻ em không có tội"

Đầu năm 2007, các em trong cơ sở (là con của các bệnh nhân, hoặc những cha mẹ đã mất vì căn bệnh xã hội) khi đến tuổi đi học, các em được cơ sở cho ra các trường trong làng, nhưng bị nhiều người phản đối vì chưa hiểu về căn bệnh không dễ lây nhiễm. Sau đó, nhà trường quyết định đưa các con trở về cơ sở. Có 2 lý do khiến cô Hà được chọn làm giáo viên dạy kiến thức cho em kém may mắn, đó là nhà cô ở rất gần cơ sở, cùng với đó là chồng cô Hà cũng làm trong ngành công tác xã hội nên rất hiểu.

Ngày đầu, được phân công nhiệm vụ và và cầm quyết định tới Cơ sở cai nghiện dạy trẻ, cô Hà cũng lo lắng và hoang mang như bao người khác.

Cô giáo trường làng xúc động kể về những lần đón trẻ kém may mắn về nhà ăn Tết, từng bị hàng xóm hiểu lầm nhưng chưa bao giờ hối hận - Ảnh 1.

Cô Phùng Thị Thuý Hà hăng say giảng bài

Nhưng ngay khi gặp gỡ, cảm nhận được tình cảm của các bé đối với mình, cô đã gạt bỏ đi mọi rào cản tâm lý, toàn tâm toàn ý dạy dỗ và chăm sóc các bé.

"Những đứa trẻ không có tội, tôi nhận thấy các con chỉ là nạn nhân của những người bố người mẹ thiếu trách nhiệm và sống buông thả thôi. Thực sự, các con rất đáng thương nên tôi chẳng lo sợ hay e ngại gì cả, các con vẫn là những học sinh bình thường như bao đứa trẻ khác".

Cô Hà nói, trước đó cô cũng được tìm hiểu rất nhiều kiến thức về những căn bệnh lây nhiễm, vì thế giữa các em và cô sẽ không có bất cứ khoảng cách nào.

"Ngày nào cũng vậy, cứ thấy tôi đến trung tâm, các con ùa ra đón rồi vây quanh, đứa níu chân, đứa níu áo bảo 'mẹ ơi bế con, mẹ ơi bế con' khiến tôi không cầm được nước mắt. Nhìn ánh mắt ngây thơ của các bé, thương thực sự. Có những con còn vô tư hỏi 'mẹ ơi bao giờ chúng con được học ạ?' Lúc này, tôi vừa khóc vừa nói 'mẹ sẽ dạy các con', cô Hà rơm rớm nước mắt kể.

Cứ như thế, thời gian trôi đi đã 15 năm với nhiều lứa học trò, có những em nay vẫn đang được cơ sở nuôi dưỡng, và có lẽ cuộc đời cô Hà sẽ gắn kết với Cơ sở Cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội cho đến khi nghỉ hưu.

Từng bị người dân làng hiểu lầm

Hiện tại, ở Cơ sở Cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội chỉ có 2 lớp học tiểu học với 2 cô giáo và 9 học sinh (từ lớp 1 đến lớp 5). Điều đặc biệt, hai lớp học ghép các trình độ học sinh khác nhau vào cùng một lớp.

Các em học sinh ở đây coi cô giáo như người mẹ

Lớp học ghép của cô giáo Hà hiện có 5 học sinh. Trong đó, có 2 học sinh lớp 3 và 3 học sinh lớp 5. Dạy ghép 2 trình độ đã khó, nhưng dạy ghép 3 trình độ người giáo viên phải đóng 3 vai một lúc.

Nhiều bé vì chưa được học trường mầm non nên nhận thức có phần chậm hơn, cùng với đó là ảnh hưởng của bệnh tật nên việc dạy học cũng gặp khá nhiều khó khăn. Cô Hà phải tự tay giúp các con tô từng nét chữ, viết từng con số, kèm cặp theo sát để con có thể nhớ được mặt chữ.

Coi các con như ruột thịt, cô Hà đã vượt qua mọi sự kỳ thị của xã hội để làm bạn và yêu thương lũ nhỏ kém may mắn này. Vì biết các bé thiệt thòi cả về vật chất lẫn tình cảm nên cô Hà cố gắng dành nhiều thời gian và lòng yêu thương cho các bé.

Cô giáo trường làng xúc động kể về những lần đón trẻ kém may mắn về nhà ăn Tết, từng bị hàng xóm hiểu lầm nhưng chưa bao giờ hối hận - Ảnh 4.

Nhiều đứa rất hiểu về gia đình, chúng cũng có những khoảnh khắc đặc biệt của chúng

Bởi, những trẻ được chăm sóc và theo học tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 đều phải chịu rất nhiều thiệt thòi. Hầu hết các bé không có bố mẹ bên cạnh nên thường thấy thiếu thốn tình cảm và dễ tổn thương.

"Bản thân các con là những học sinh đặc biệt, cũng rất nhạy cảm nên tôi phải thật kiên trì, tâm huyết và dành nhiều thời gian. Dạy các con không chỉ đứng trên bục giảng mà phải xuống tận nơi, ngồi cạnh các con hướng dẫn tận tay thì các con mới hiểu bài được", cô Hà cho biết, mỗi lần các bé kể chuyện nhớ nhà, nhớ gia đình bằng chất giọng ngây thơ, ánh mắt hồn nhiên lại khiến cô xúc động.

"Nhiều đứa rất hiểu về gia đình, chúng cũng có những khoảnh khắc đặc biệt của chúng. Có lần tôi đang đứng viết bài trên bảng, có con chạy lên nói với tôi 'con chỉ ước có bố, có mẹ thôi cô ạ' rồi khóc nức nở khiến lớp học bị gián đoạn. Hay những hôm cuối tuần có bạn thở dài nói, thứ 7, chủ nhật không được đi học, con sẽ rất nhớ cô. Những câu nói giản dị nhưng khiến tôi bất ngờ và xúc động. Tôi phải động viên các con thật nhiều, khơi dậy những ước mơ của các con để các con cố gắng sống tốt, sống khỏe còn hoàn thành giấc mơ của mình", cô Hà tâm sự.

Cô giáo trường làng xúc động kể về những lần đón trẻ kém may mắn về nhà ăn Tết, từng bị hàng xóm hiểu lầm nhưng chưa bao giờ hối hận - Ảnh 5.
Cô giáo trường làng xúc động kể về những lần đón trẻ kém may mắn về nhà ăn Tết, từng bị hàng xóm hiểu lầm nhưng chưa bao giờ hối hận - Ảnh 6.

Sau mỗi ngày làm việc, cô Hà lại trở về với gia đình với biết bao niềm vui

Ở trên lớp là vậy, khi về đến nhà, thời gian đầu nhận công việc dạy học cho trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, cô không tránh được việc bị cộng đồng kỳ thị, duy chỉ có người chồng ủng hộ. Nhiều người trong làng từng buông lời bàn tán, phản đối và đố kị mỗi lần cô đón các con về nhà chơi.

Nhưng sau khi cô chia sẻ câu chuyện về các bé "bị bỏ rơi" nhưng vẫn rất ham học, bản thân cô cũng muốn được giúp đỡ, yêu thương và chăm sóc các em, đặc biệt căn bệnh không dễ lây nhiễm thì mọi người đã dần hiểu và thông cảm.

"Cứ mỗi kỳ nghỉ lễ, Tết đến là lúc cô quạnh vô cùng, trước khi gia đình tôi dành thời gian về quê thì đón các con về gói bánh chưng. Cô trò cùng nhau nấu ăn, đứa này nhặt rau, đứa kia quét nhà và đôi khi trong vô thức chúng gọi tôi 'mẹ ơi làm thế này à? Mẹ ơi nấu như thế có được không?'... sau lời nói ấy, gương mặt của các con ửng hồng vì ngại ngùng, chúng nhìn nhau tủm tỉm cười. Không chỉ chỉ riêng tôi được làm mẹ của các con mà các cô chú phụ trách chăm nuôi, thậm chí các chú học viên cai nghiện của trung tâm, các con đều gọi Mẹ ơi, Bố ơi rất tự nhiên. Năm nào cũng vậy, một 'đàn' con tíu tít đến nhà ăn Tết thật vui vẻ và đầm ấm", cô Hà kể.

Cô giáo trường làng xúc động kể về những lần đón trẻ kém may mắn về nhà ăn Tết, từng bị hàng xóm hiểu lầm nhưng chưa bao giờ hối hận - Ảnh 7.

"Khơi dậy những ước mơ của các con để các con cố gắng sống tốt, sống khỏe còn hoàn thành giấc mơ của mình"- cô Hà tâm sự

Sau 15 năm gắn bó với cơ sở này, nữ giáo viên trường làng đã dày công dạy chữ cho rất nhiều trẻ em kém may mắn, nay nhiều em đã đủ kiến thức để hòa nhập với những ngôi trường bên ngoài.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại