Giáo dục giới tính trong trường học xưa nay là một chuyện không hề dễ dàng, đặc biệt với các em nhỏ. Những câu chuyện liên quan đến giới tính đôi khi còn làm cho giáo viên và học sinh cảm thấy xấu hổ, cũng không tránh khỏi việc góp phần khiến thời kỳ trưởng thành của các em thêm phần ngượng ngập, xao động.
Giáo dục giới tính được nhiều người đánh giá là quan trọng như việc ăn cơm, hít thở, tiếp thu kiến thức hàng ngày, bất kể là ở thành phố lớn hay những vùng nông thôn hẻo lánh.
"Học sinh mời tôi tham gia hôn lễ đều bị tôi mắng." - Thiểm Điện - cô giáo ở 1 làng quê nghèo tại Trung Quốc - tỏ ra lo lắng khi nhận được thiệp mời đám cưới, bởi cô sợ khi mở thiệp mời ra lại phát hiện tên cô dâu, chú rể được viết bên trong là học sinh của mình.
Tiết học Giáo dục giới tính tại bậc tiểu học ở Trung Quốc
Lần đầu Thiểm Điện nhận được thiệp mời cưới của học sinh là năm 2009. Năm ấy, Thiểm Điện mới tốt nghiệp chuyên ngành tâm lý học, trở về quê cũ làm cô giáo. Cô phụ trách môn Ngữ văn, đồng thời là giáo viên chủ nhiệm của các em lớp 5, lớp 6. Cả trường chỉ có hơn 300 học sinh, mỗi khối có 1 lớp, với tổng số 11-12 giáo viên. Đôi khi, các thầy cô còn phải dạy thêm 1 số môn phụ như Âm nhạc, Thể dục...
Học kỳ 1 còn chưa kết thúc, một nữ sinh lớp 5 đã mang thiệp mời cưới đến lớp phát, mời cô giáo đến "ăn cỗ". Sau khi nhận được thiệp mời, Thiểm Điện gọi tất cả học sinh đến rồi tức giận mắng: "Có ai ngay cả cấp 2 còn chưa học xong đã kết hôn chứ? Đừng có mời tôi! Ai đến mời là tôi đuổi về đấy! Tôi nhất định sẽ không tham gia, cũng sẽ không chúc phúc những cuộc hôn nhân như thế."
Thiểm Điện sinh ra và lớn lên ở huyện Phú Ninh, là vùng sâu vùng xa, kinh tế lạc hậu của tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, ở đây có rất nhiều dân tộc thiểu số cùng chung sống, thanh niên trai tráng tha hương làm ăn, trẻ em đều là "bị bỏ lại" quê hương cùng ông bà già cả.
Lớp học trực tuyến Giáo dục giới tính của Lưu Xung
Cứ học đến lớp 5, lớp 6 là các em học sinh bắt đầu bỏ học, con trai thì đi làm thuê, con gái thì bắt đầu yêu đương, kết hôn, sinh con. Một lớp 50-60 học sinh, đến khi tốt nghiệp đều không còn đủ sĩ số.
Vài năm sau, Thiểm Điện đến trường thực nghiệm thị trấn Phú Ninh công tác, trở thành chủ nhiệm môn Giáo dục công dân. Nơi đây là một thị trấn nhỏ giáp với Việt Nam, so với trường làng trước kia, trường thực nghiệm này khang trang, hiện đại hơn rất nhiều.
Thiểm Điện chia sẻ, đại đa số học sinh đều là những đứa con "bị bỏ lại" cho ông bà, hàng năm chỉ có thể gặp cha mẹ 1 lần vào dịp Tết, cũng có không ít các em lên cấp 2, khi có thể tự chăm sóc bản thân liền được cha mẹ thuê nhà ở trên thị trấn, tự do sinh hoạt.
Những thiếu niên đang ở thời kỳ dậy thì, không có cha mẹ ở bên, đối mặt với những thay đổi trong tâm sinh lý, các em không tránh khỏi hoang mang và tò mò.
Mỗi lần nhìn thấy các em nhỏ yêu sớm, kết hôn sinh con, Thiểm Điện đều cảm thấy rất tiếc nuối, do đó, cô bắt đầu kết hợp dạy song song Giáo dục công dân và Giáo dục giới tính.
Khóa học tâm sinh lý ở trường Trung học
Lưu Xung lần đầu tiên đến giảng dạy Giáo dục giới tính tại trường thực nghiệm Phú Ninh. Cô cho biết: "Giới tính là thứ theo ta từ khi sinh ra đến lúc chết đi, không có gì phải thẹn thùng cả, thế nhưng có những giáo viên đến nghe giảng lại xấu hổ, "bỏ chạy" trước cả học sinh. Lần này tôi đến Phú Ninh, cả học sinh và giáo viên đều sẽ cùng nhau lên lớp."
Các giáo viên đang bàn luận phương pháp giảng dạy trong chương trình Giáo dục giới tính Chúng Ta Là Bạn Bè
Năm ngoái, Lưu Xung đến Tứ Xuyên, Trung Quốc dạy học, bài giảng của cô bị các trường học ở đấy đánh giá kém, lý do họ đưa ra là: "Bài giảng quá thẳng thắn, dạy học sinh tránh thai quá sớm."
A Phi là giáo viên Giáo dục giới tính tại trường cấp 2 thị trấn Lộ Giang, thành phố Bảo Sơn, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Trong một lần lên lớp, cô được lãnh đạo trường là một người đàn ông độ tuổi trung niên đến thao giảng. Lúc A Phi giảng tới Hệ Thống Sinh Sản, trong bài giảng xuất hiện video dài 13 phút mô phỏng cơ quan sinh dục nam, vị lãnh đạo ấy bắt đầu cúi xuống nghịch điện thoại.
Từ đó, trong tất cả các bài giảng của A Phi đều không có giáo viên hay lãnh đạo nào tới thao giảng nữa.
Để trẻ tự quyết định có cần giáo dục giới tính hay không
Năm 2018, phụ huynh học sinh từng tìm Nhiễm Lợi Cầm để than thở về tình hình cô con gái 16 tuổi của họ, là học sinh lớp do Nhiễm Lợi Cầm chủ nhiệm. Trên đường đi học về, con gái họ bị một gã đàn ông say rượu lao đến ôm lấy từ phía sau. Cô bé ấy sau này không dám đi học một mình, thường xuyên bị ảo giác, cuối cùng được chẩn đoán bị tâm thần phân liệt.
Cô bé sau khi đấu tranh tâm lý, đã tiết lộ rằng năm học lớp 3 từng bị thầy giáo mượn cớ chữa bài tập để thực hiện hành vi dâm ô. Đối mặt với sự việc này, Nhiễm Lợi Cầm tự hỏi, giáo dục giới tính rốt cuộc đã muộn mất bao lâu?
Học Giáo dục giới tính toàn trường trên sân thể dục
Tại một trường học ở huyện Quảng Nam, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, bởi vì cả trường chỉ có mỗi sân thể dục có màn hình lớn, do đó, giáo viên đã tập trung toàn bộ học sinh đến sân thể dục để học Giáo dục giới tính trực tuyến.
Trên sân thể dục lớn, màn hình bắt đầu trình chiếu bài giảng, học sinh ngồi chen chúc phía dưới, cùng hướng mắt xem. "Có cần giáo dục giới tính hay không, chỉ có thể để những đứa trẻ này tự quyết định." - Hứa Văn, giáo viên của trường nói.
Đến tháng 3/2021, chương trình Giáo dục giới tính Chúng Ta Là Bạn Bè đã đạt con số 2 triệu lượt tham gia, nhưng đối với những giáo viên bộ môn Giáo dục giới tính, đây chỉ là 1 con số nhỏ trong tổng số 370 triệu trẻ vị thành niên cần được Giáo dục giới tính tại Trung Quốc.
Giáo dục giới tính chưa bao giờ là dễ dàng đối với cả học sinh và giáo viên, thậm chí còn có thể bị phụ huynh học sinh phản đối. Người lớn mang tâm lý lảng tránh, trẻ em mang tâm lý tò mò, chưa biết đến bao giờ Giáo dục giới tính ở Trung Quốc mới nhận được sự quan tâm của toàn xã hội một cách đúng mực.