Tiền Duyệt (tên đã được thay đổi) 26 tuổi, sống ở Hàng Châu, Chiết Giang (Trung Quốc) đã nghiệm mua sắm hơn 3 năm nay và chưa có dấu hiệu dừng lại. Trong suốt thời gian qua, gia đình phải “than trời vì túi hàng hiệu chất thành đống, mỹ phẩm nhiều đến mức có những thứ chưa kịp sử dụng đã hết hạn… Và đương nhiên, số tiền bỏ ra cho những thứ xa xỉ này không phải là nhỏ.
Cách đây không lâu, mẹ của Tiền Duyệt mới phát hiện ra sự việc bởi vì nợ nần chồng chất, bà quyết định đưa con gái đến khoa Tâm lý lâm sàng của một bệnh viện ở Hàng Châu để được tư vấn. Ban đầu, người mẹ chỉ nghĩ rằng con gái mình mắc chứng “nghiện mua sắm”, nhưng không ngờ đằng sau đó lại có những rắc rối mà bà không nghĩ đến.
Mua được túi hiệu đầu tiên có cảm giác "người có hào quang"
“Lần đầu tiên tôi tận hưởng niềm vui tiêu tiền là sau giờ làm việc. Lúc đó, bạn thân của tôi đã mua một chiếc túi hàng hiệu. Vừa nhìn thấy tôi đã thích chúng, thế là quyết định mua, trong lòng vui không thể tả được, thậm chí mất ngủ luôn”, Tiền Duyệt kể lại đó là ngày đầu tiên cô ấy cảm giác mua sắm đồ hiệu là như thế nào.
Tiền Duyệt là một giáo viên tiểu học. Lúc đầu, cô ấy vốn là một cô giáo mẫu mực, làm việc chăm chỉ và cố gắng tích góp được khoản tiền. Thế nhưng, sau đó, mọi thứ đã thay đổi.
Tiền Duyệt xuất thân trong một gia đình bình thường, nhưng tình cờ quen được một người bạn giàu có. Nhìn bạn mình xinh đẹp rạng ngời, lại có nhiều đồ đẹp túi hiệu để mang mỗi ngày khiến Tiền Duyệt cảm thấy ghen tị. Ngoài việc đi mua sắm cùng nhau, hai chị em khuê mật còn là khách quen tại các quán bar, mỗi đêm tiêu mất vài chục nghìn NDT (hàng chục triệu đồng).
Tất cả những điều này đã khiến Tiền Duyệt đắm chìm vào cảm giác “đỉnh cao của cuộc sống”. Những ngày đầu tiêu tiền vào thứ xa xỉ, cô cảm thấy rất tuyệt vời, thậm chí phấn khích. Nếu không đi mua sắm, thì lại hẹn bạn bè đi chơi thâu đêm suốt sáng, cảm giác rất thượng lưu và xa hoa.
Ảnh minh họa
Trên thực tế, thu nhập của Tiền Duyệt chỉ đủ sống, dần dần từ những khoản tiết kiệm, Tiền Duyệt chuyển sang tiêu bằng thẻ tín dụng và ngày càng tiêu nhiều hơn. Tiền Duyệt bắt đầu cùng chị em đến Hong Kong mua sắm, đến Macao đánh bạc,... nghỉ dưỡng ở khách sạn 5 sao, mua sắm thỏa thích và đương nhiên đã “nuốt” 5 thẻ tín dụng cùng số nợ ngoài lên đến 50.000 - 60.000 NDT (177 đến 212 triệu đồng).
Không chỉ đơn giản là nghiện mua sắm
Cảm giác mọi chuyện không còn trong tầm kiểm soát, Tiền Duyệt buộc phải nói thật với mẹ. Mẹ cô đã giúp cô trả nợ thẻ tín dụng và nghĩ rằng con gái mình sẽ nhớ bài học này.
Thế nhưng, công việc Tiền Duyệt bắt đầu không suôn sẻ, người mẹ lại hay cằn nhằn, vì trả nợ cho cô mà cuộc sống gia đình trở nên thiếu thốn. Tâm trạng của Tiền Duyệt càng tồi tệ. Không có tiền mua sắm khiến cô thường hay cáu gắt, bực bội.
Tiền Duyệt đã mượn tiền người thân, bạn bè, không mượn được đầu này thì mượn đầu khác. Bằng cách này, sau khoảng thời gian được mẹ trả nợ giúp thì Tiền Duyệt lại tiếp tục nợ tiếp 100.000 NDT (hơn 354 triệu đồng). Và một lần nữa, mẹ Tiền Duyệt lại dang tay giúp đỡ con gái.
Bản thân Tiền Duyệt biết rằng mình rất quá đáng, cô nói rằng từng cố gắng cai nghiện mua sắm nhưng không thể, có vẻ nhưng ngày càng trầm trọng hơn. Biết được việc này, mẹ Tiền Duyệt đã quyết định đưa con gái đến bệnh viện để kiểm tra.
Chương Du, Phó trưởng khoa Tâm lý lâm sàng của Bệnh viện thành phố thứ nhất của Hàng Châu cho biết, sau khi trò chuyện với mẹ con Tiền Duyệt, cô cho biết, mọi chuyện không đơn giản như thế.
Ngoài chứng nghiện mua sắm, vấn đề thực sự của Tiền Duyệt chính là trạng thái tinh thần, tâm lý không ổn định. Bác sĩ Chương cho biết, tâm lý Tiền Duyệt luôn trong tình trạng lơ lửng, cảm xúc được ví như tàu lượn siêu tốc.
Ảnh minh họa
Sau một loạt chẩn đoán, bác sĩ Chương đã đưa kết luận, Tiền Duyệt mắc chứng rối loạn lưỡng cực. Tiền Duyệt luôn trong tâm trạng luôn muốn mua sắm, mua hết cái này đến mua cái khác, và đây được xem triệu chứng của giai đoạn hưng cảm (Tâm trạng cực kỳ hưng phấn và dễ bị kích động thường liên quan đến rối loạn lưỡng cực).
Người mắc bệnh này đặc biệt dễ có cảm xúc lên xuống thất thường. Trong giai đoạn hưng cảm của rối loạn lưỡng cực, họ sẽ bị kích thích, tràn đầy năng lượng và cảm xúc phấn khích khó hiểu.
Mặt khác, trong giai đoạn trầm cảm của rối loạn lưỡng cực, những bệnh nhân này có xu hướng chán nản, bi quan, mất hứng thú và niềm vui với những việc xung quanh, kèm theo các biểu hiệu như mất năng lượng, đánh giá thấp bản thân, đổ lỗi cho bản thân, phản ứng chậm với mọi thứ…
Điều khó hiểu hơn là tình trạng hưng cảm và trầm cảm của rối loạn lưỡng cực đôi khi luân phiên thay đổi. Có một số bệnh nhân sẽ chuyển sang giai đoạn thuyên giảm sau một thời gian nên không thu hút được sự chú ý của gia đình, nhưng nếu không điều trị kịp thời thì bệnh sẽ tiếp diễn, và sẽ đón nhận những đợt hưng cảm - trầm cảm tiếp theo.
Sau nhiều đợt tư vấn tâm lý và dùng thuốc, tình trạng của Tiền Duyệt dần được cải thiện.
Bác sĩ Chương Du nhắc nhở: “Đừng chỉ mọi thứ như bề nổi, điều quan trọng nhất là kịp thời phát hiện ra căn bệnh tâm thần và được điều trị càng sớm càng tốt”.