Những ngày gần đây, dư luận bức xúc trước sự việc một cô giáo tại trường THCS xã Duy Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) yêu cầu 23 học sinh tát một bạn cùng lớp 230 cái đến mức phải nhập viện cấp cứu.
Theo dõi sự việc này, luật sư Nguyễn Doãn Hùng - Công ty Luật HTC Việt Nam - Đoàn luật sư thành phố Hà Nội tỏ ra bức xúc: "Pháp luật không cho phép giáo dục bằng hành động bạo lực dã man như vậy, nhất là đối với một đứa trẻ. Bất kỳ lý do gì, giáo viên cũng không được phép đánh học sinh. Trẻ em là đối tượng đặc biệt không những được pháp luật Việt Nam và cả Công ước quốc tế bảo vệ".
Luật sư Nguyễn Doãn Hùng cho rằng, có thể theo cô giáo việc cho các học sinh khác tát cháu Nh. là cách “giáo dục” nhưng dưới góc độ pháp lý đã xâm hại đến quyền được pháp luật bảo vệ về tính mạng, sức khỏe.
Mọi hành vi xâm hại đến tính mạng sức khỏe người khác đều bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Tùy theo tính chất mức độ, động cơ, mục đích và sự đánh giá tổn thương về sức khỏe, cũng như danh dự nhân phẩm của cháu Nh. mà cần thiết phải có biện pháp xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội hành hạ người khác theo Điều 140 Bộ Luật Hình sự 2015 (BLHS) hoặc cô giáo cũng có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội cố ý gây thương tích được quy định tại Điều 134 BLHS 2015.
Trường hợp, tỷ lệ tổn thương sức khỏe của cháu Nh. không đáng kể thì cô giáo có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội hành hạ người khác được quy định tại Điều 140 BLHS 2015.
Đối xử tàn ác, được hiểu là hành vi gây ra sự đau đớn về thể xác và tinh thần đối với nạn nhân. Đối xử tàn ác chưa đạt đến mức độ nghiêm trọng để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ.
Điều 140. Tội hành hạ người khác
1. Người nào đối xử tàn ác hoặc làm nhục người lệ thuộc mình nếu không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 185 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:
a) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
b) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 31% trở lên;
c) Đối với 02 người trở lên.
Luật sư cho biết thêm, Luật Giáo dục năm 2005 (sửa đổi bổ sung năm 2009) cũng đã quy định về các hành vi nhà giáo không được làm. Trong đó có nghiêm cấm xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể của người học.
Theo đó, Nghị định 138/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục như sau:
Điều 21. Vi phạm quy định về kỷ luật người học, ngược đãi, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người học…
2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, ngược đãi, xâm phạm thân thể người học.
3. Hình thức xử phạt bổ sung: Đình chỉ giảng dạy từ 1 tháng đến 6 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 2 Điều này.
Như vậy, tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm thì cô giáo có thể bị xử lí kỉ luật, phạt tiền, bị đình chỉ giảng dạy hoặc thậm chí bị truy cứu tránh nhiệm hình sự về tội phạm như đã đề cập ở trên.
Nêu quan điểm cá nhân, Luật sư Hùng cho rằng, việc cần luật hóa quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm của học sinh trong Luật Giáo dục là hết sức cần thiết trước thực trạng hàng loạt các vụ bạo hành trẻ em, học sinh liên tiếp xảy ra trong những năm gần đây.
Điều này cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo một bộ phận giáo viên đang đi ngược lại với việc xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh.
"Đành rằng việc áp dụng một vài hình phạt đối với học sinh “không ngoan” là chấp nhận được.
Tuy nhiên, theo tôi cần phân biệt rõ giữa hành vi “phạt” học sinh vừa đủ để răn đe, làm gương, vừa đủ để khiến các em biết rằng mình sai và không được tái phạm với hành vi “phạt” học sinh quá mức cần thiết dẫn đến ảnh hưởng nặng nề tới thân thể, tâm lý các em – nhất là các em lại ở độ tuổi đang lớn, đang hoàn thiện nhân cách.
Hơn nữa, sau vụ việc này chắc chắn những thiệt hại về thể chất, thương tổn về tinh thần mà các hội chứng tâm lý gây ra cho cô và trò là rất lớn", Luật sư Hùng cho biết.
Cũng theo vị Luật sư này, trong vụ việc này, không chỉ học sinh bị đánh là nạn nhân, mà những em học sinh bị cô giáo biến thành công cụ đánh bạn là nạn nhân thứ hai.
Nếu không có những biện pháp ngăn ngừa, trợ giúp, can thiệp sớm sẽ dẫn đến hậu quả rất nặng nề, ảnh hưởng đến cả cuộc đời về sau của cả giáo viên và học sinh.
Do đó, cần đưa ra những quan điểm mạnh mẽ, bình đẳng trong mối quan hệ thầy và trò, dạy và học, quyền và trách nhiệm của các bên liên quan.
Cần phải hoàn thiện hành lang pháp lý về giáo dục, mối quan hệ giữa người học và người dạy học để mọi người đều được bảo vệ, yên tâm dạy/học trong một môi trường sư phạm đúng nghĩa – một môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh.
Trước đó, trong tiết 3 của buổi học chiều 19/11, một bạn trong lớp 6.2 mách với cô giáo chủ nhiệm Nguyễn Thị Phương Thủy là bạn Hoàng Long Nh. chửi mẹ bạn ấy.
Không điều tra thực hư, lập tức, cô Thủy ra lệnh cho lớp, sau giờ học mỗi bạn phải tát Nh. 10 cái. Bạn nào tát nhẹ, tát thiếu sẽ bị Nh. tát lại gấp đôi.
Mặc dù thương bạn, nhưng lớp trưởng phải đứng ra tổ chức tát bạn theo chỉ đạo, còn cô Thủy bỏ ra ngoài. Khi tát được nửa chừng, thấy cô Thủy xuất hiện ở hành lang quan sát, một bạn hỏi “cô ơi có tát nữa không?”. Cô Thủy ra lệnh “tát lúc nào đủ thì thôi”.
Đau xót nhất, đến lượt con cậu ruột của Nh. không muốn tát anh họ của mình, nhưng thấy cô giáo chủ nhiệm lởn vởn ở ngoài nên đành phải xuống tay. Bạn này vừa tát, vừa khóc nhưng không thể nhẹ tay vì sợ cô giáo phạt ngược.
Khi bạn cuối cùng kết thúc, quá uất ức, Nh. có chửi đổng một câu, ngay lập tức cô Thủy từ ngoài lao vào bồi thêm một tát nữa khiến Nhật phải nhập viện cấp cứu./.