Một giảng viên ở trường ĐH Sư phạm Hà Nội chia sẻ, ở trường ĐH sư phạm, sinh viên được đào tạo rất đầy đủ về đạo đức nghề nghiệp.
Tại trường ĐH Sư phạm Hà Nội, giáo sinh có hẳn một học phần về phương pháp dạy học sinh đạo đức. Ngoài ra, các môn học khác cũng đều có sự lồng ghép vấn đề đạo đức hoặc có những môn học riêng như môn giao tiếp sư phạm.
Dịp 20/11 hàng năm cũng có chương trình ngoại khóa cho sinh viên. Các khoa có mời các báo cáo viên về nói chuyện chuyên đề như công tác chủ nhiệm lớp, giao tiếp với phụ huynh…
“Về đào tạo đạo đức nhà giáo, tôi cho rằng các trường sư phạm hoàn toàn đáp ứng. Vấn đề là giáo sinh có lĩnh hội và ứng xử thế nào. Nói chung là các trường dạy giáo sinh nhiều thứ lắm.
Chỉ không biết cô giáo này học ở trường nào ra mà làm việc như thế. Không thể hiểu được cô giáo này như thế nào. Chả nhẽ vì thi đua gì đó của lớp mà hành hạ học sinh .
Ở trường sư phạm, không ai dạy giáo sinh của mình như thế” - vị giảng viên này cho hay. Bà cũng khẳng định hạn chế vấn nạn đạo đức nhà giáo này là câu chuyện cá nhân của mỗi người.
Không phải là giáo viên, là một người bình thường, cũng không đối xử với đồng loại của mình như thế. Đây thuộc về nhân cách, nền tảng giáo dục gia đình.
“Tôi nghĩ với cô giáo này có thể còn xuất phát từ chính sách thi đua của nhà trường. Ở phổ thông nhiều thi đua lắm. Giáo viên chết dở vì phong trào. Cần phải bớt các loại phong trào cho giáo viên nhờ. Chuyên môn thì ít, còn toàn các loại phong trào. Nên cái gì cũng hình thức, không đi vào thực chất” - vị giảng viên thông tin.
Trong khi đó, GS Đinh Quang Báo, nguyên hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết: “Tôi đảm bảo rằng trong các trường sư phạm, đào tạo rất nghiêm túc về đạo đức nhà giáo.
Tôi là người làm phát triển chương trình giáo viên nên tôi biết. Tiêu chuẩn đầu tiên của chuẩn nghề nghiệp giáo viên cũng là đạo đức nhà giáo. Đương nhiên, mỗi lần có sự vụ xảy ra, tôi đều buồn.
Vì tôi luôn muốn giáo viên của tôi được đào tạo ra không có “vết” nào cả. Nhưng đây là điều không tưởng. Với hơn một triệu giáo viên thì xác suất xảy ra như thế cũng là rất nhỏ.
Tất nhiên, tôi phải khẳng định, đây là những vụ việc khiến cho những người như tôi rất đau lòng. Vì đây là những hành động không đẹp, cần phải ngăn chặn. Nhưng không vì thế mà quy cho là đào tạo không ra gì”.
Như Tiền Phong đã đưa tin, chiều 19/11, sau khi nghe học sinh trong lớp 6.2 Trường THCS Duy Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) mách học sinh H. L.N nói tục trong lớp, cô chủ nhiệm Nguyễn Thị Phương Thuỷ đã xử phạt bằng cách cho tất cả học sinh trong lớp tát mỗi em 10 cái.
Lớp có 27 học sinh nhưng hôm đó vắng 3 nên có 23 học sinh tham gia tát N và cô Thuỷ tát thêm N một cái là 231 . Theo học sinh của lớp 6.2, nếu học sinh nào tát nhẹ sẽ bị cô giáo phạt ngược lại.