Có bố làm công nhân mỏ than, mẹ làm kinh doanh ngoài, nhưng Lê Thị Vân Anh (sinh năm 1992) lại quyết định theo nghề gõ đầu trẻ.
Năm 18 tuổi, thiếu nữ xinh đẹp của vùng Mạo Khê (Quảng Ninh) thi đỗ 2 trường Đại học: Công đoàn và Sư phạm mầm non.
Ngày nhận giấy báo, Vân Anh cũng nghĩ ngợi phân vân nhiều lắm, nhưng với “thâm niên” gần 20 năm làm chị cả của 2 đứa em trai, thường xuyên chăm sóc, bảo ban chúng từ nhỏ, lại được mẹ động viên, cộng thêm lòng yêu thương trẻ, hợp với nghề mầm non hơn nên chị quyết định trở thành cô giáo.
Lê Thị Vân Anh - cô giáo mầm non xinh đẹp được nhiều người yêu mến.
Trải qua bao khó khăn vất vả, cầm được tấm bằng sư phạm mầm non trên tay, Vân Anh lại phải đối diện với một vấn đề khác: áp lực của dư luận xã hội về nghề chị theo đuổi.
Đã từng có rất nhiều vụ việc đáng tiếc đau lòng xảy ra, liên quan đến việc giáo viên bạo hành trẻ khiến xã hội lên án gay gắt, bản thân Vân Anh đi thực tập cả trường tư lẫn trường công cũng chứng kiến chuyện này chuyện khác, khiến chị phải rút kinh nghiệm bản thân trong việc hình thành phương pháp nuôi dạy trẻ đúng đắn.
Rồi chị ấp ủ một ước mơ, đã thực hiện được một chút ở tuổi 25, đó là mở trường mẫu giáo tư thục, tự mình đón trẻ tới lớp, đem đến cho nhiều bậc cha mẹ cảm giác yên tâm, tin tưởng.
Vân Anh luôn hi vọng mọi người hiểu hơn, bớt định kiến hơn về nghề giáo viên mầm non hiện tại.
Chào Vân Anh! Có vẻ như một ngày của chị bắt đầu từ rất sớm?
Ồ, làm cô giáo mầm non đều như vậy cả, sáng 6h dậy, 6 rưỡi - 7h đến lớp đón trẻ, dạy học đến 10 rưỡi, cho trẻ ăn xong 11h rưỡi cho các cháu đi ngủ. 2 rưỡi dậy cho trẻ ăn quà chiều, học tiếp một chút rồi để các cháu nghỉ ngơi uống sữa, chơi đùa, đợi phụ huynh tới đón.
Giờ nghỉ trưa thì tranh thủ up hàng mĩ phẩm, quần áo mà mình bán online, chiều đi làm về tiện đường đi ship hàng cho khách, hoặc để đến tối.
Nói chung là cũng bận rộn, có hôm rất mệt, nhưng mà quen rồi. Một ngày vắng đi tiếng cười của lũ trẻ, không nhìn thấy chúng, chơi đùa với chúng, cảm giác còn buồn và mệt hơn, nhớ chúng lắm.
Một ngày của Vân Anh quá nửa là dành cho các bé.
Với ước mong tạo ra một môi trường lành mạnh trong sáng cho trẻ em, Vân Anh đã mạnh dạn mở trường tư dù còn rất trẻ.
Chị thấy mình có gì phù hợp với nghề dạy trẻ mầm non?
Bản thân mình rất mến trẻ, thích chơi với trẻ con, gần gũi với các cháu. Mọi người thì nhận xét là mình hiền (cười).
Lắm người hay trêu đùa gọi nghề bọn mình là “cô nuôi dạy hổ”, và đúng là cũng có nhiều cô giáo hơi khó tính, nhưng dư luận là dư luận, còn bọn mình dạy dỗ chăm sóc trẻ, làm hài lòng phụ huynh, đó là vấn đề riêng khác.
Công việc này đòi hỏi phải dành rất nhiều thời gian và sức khỏe, nó cũng đòi hỏi sức chịu đựng cả về tinh thần lẫn thể chất, sự kiên trì với các em bé, cả phụ huynh nữa, vậy chị đã đối mặt với những điều đó thế nào?
Làm giáo viên mầm non đôi khi hành động không thể đi liền với suy nghĩ. Nhiều khi áp lực từ phía phụ huynh và dư luận khiến bọn mình khá đau đầu.
Nuôi dạy trẻ chắc chắn phải đối mặt với lúc chúng hư, bướng, không nghe lời, cư xử sai, buộc phải dùng roi vọt, nhưng trong giới hạn cho phép, như bố mẹ ở nhà lúc nào cáu quá thì đánh vào mông con 1 – 2 cái cho chúng nhớ thôi, không ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm lý của trẻ.
Nhiều phụ huynh đồng tình với chuyện hư là phải đánh, với các em nhỏ thì “miếng ngon nhớ lâu, đòn đau nhớ đời”, chẳng lẽ trẻ hư lại không uốn nắn, làm cô giáo là phải có trách nhiệm rèn giũa nề nếp nhân phẩm cho trẻ một cách đúng đắn.
Chọn con đường trở thành giáo viên mầm non, Vân Anh chấp nhận đối mặt với nhiều áp lực, khó khăn vì nghề này đòi hỏi rất nhiều thứ.
Song vì lòng yêu trẻ và tính cách hiền lành, cô giáo trẻ xinh đẹp quyết tâm theo nghề đến cùng.
Chỉ có một số phụ huynh thấy cô quát mắng trẻ, chưa động chạm gì đã ý kiến với cô ngay, vì xót con. Trẻ con chơi với nhau hay cào cấu nghịch ngợm, cô giáo không biết, về nhà phụ huynh nghi ngờ, lại nói khó nghe để đổ lỗi cho cô.
Tuy nhiên, có một điểm cha mẹ lưu ý rằng, nếu bị bạo hành thì trẻ sẽ có những biểu hiện riêng, còn bình thường ở lớp cô giáo đánh nhẹ vào mông, quát mắng khi chúng hư thì chúng không hề ghét cô, sẽ quên ngay, và chúng biết nghe lời hơn, vào nếp hơn.
Nghề này vất vả mà lương thấp, làm việc hành chính nhiều tiếng nhất, từ 6h sáng đến 6h tối, chạy theo một lớp toàn trẻ con hiếu động, làm đủ thứ việc từ chăm sóc, dạy dỗ đến ôm ấp vỗ về.
Như nhiều người nói vui là “osin có bằng cấp” đấy, cô giáo mầm non thay bố mẹ cho trẻ ăn ngủ, rửa ráy, kể chuyện, bày trò chơi.
Mệt lắm, nhưng thấy các bé hồn nhiên vô tư, hoà vào thế giới của chúng rồi sẽ cảm thấy có thêm động lực để cố gắng.
Nhiều khi chúng biết cảm thông như người lớn ý, cũng hỏi han cô, khen cô hôm nay xinh thế, thắc mắc những câu hỏi rất ngộ nghĩnh. Làm nghề khác làm sao hiểu được điều này, phải không.
Chị có thể chia sẻ nhiều hơn về cuộc sống hàng ngày xoay quanh lũ trẻ không, có những kỉ niệm gì đáng nhớ hay tâm tư riêng về nghề nuôi dạy trẻ?
Các con dễ thương lắm, kỉ niệm với chúng nhiều không kể hết được. Nhưng tâm tư thì có đấy, đôi khi làm mình băn khoăn trăn trở vô cùng, mong mỏi được thấu hiểu. Đấy là về phần phụ huynh.
Gửi con đi mẫu giáo thì phụ huynh dễ tính có nhưng cũng không ít phụ huynh khó tính, hạch sách các cô, nói hơi buồn một chút nhưng 1 số người coi các cô như osin vậy, nói chuyện khó nghe lắm, bọn mình vẫn phải chịu đựng, vì cần quan tâm đến trẻ hơn.
Có trẻ hay nôn mẹ cũng đổ tại các cô cho ăn nhiều. Trẻ uống sữa rồi nhưng lại bảo với mẹ là cô không cho uống, mẹ cháu tức tốc hỏi lại các cô, không tin là con mình được uống rồi, kêu là cháu không biết nói dối, cuối cùng vẫn đổ tại các cô.
Nhiều trẻ không biết gì cũng nói dối, các cô không giận vì chúng còn nhỏ, nhưng phụ huynh lại cứ nghe con mình xong trách cô giáo, chẳng biết phải giải thích thế nào.
Nuôi dạy trẻ là công việc vất vả, nhưng bù lại, nhìn ngắm chúng cười nói hồn nhiên thì cô giáo nào cũng thấy hạnh phúc.
Mỗi ngày tới lớp nhìn ngắm các bé là khoảng thời gian hạnh phúc nhất với Vân Anh và đồng nghiệp.
Đấy! Nhiều khi chăm bẵm bế bồng, cho ăn uống đầy đủ, dỗ dành con họ hết lòng nhưng vẫn bị trách móc thậm tệ, làm thế nào cũng không vừa lòng phụ huynh.
Lắm lúc muốn bỏ nghề vì stress, tủi thân, nhưng thật tâm mình rất yêu mến trẻ, yêu nghề nên lại tự ai ủi mình vực dậy, cố gắng tới lớp, hi vọng sẽ có đông bé tới học hơn.
Có những phụ huynh mới đến cũng tra hỏi các cô như hỏi cung ấy, đến lúc gửi đc 1-2 tháng rồi thấy con mình tăng cân thì lại xuôi xuôi, không lên tiếng xét nét nữa.
Rồi có bé đi học nửa tháng trời vẫn không quen lớp, các cô dỗ dành đủ kiểu không chịu, phụ huynh lại cứ nghĩ mình đánh con họ, khiến cháu không dám đi học nhưng sự thật đâu phải thế.
Kết quả họ tự cho cháu nghỉ, mình rất buồn.
Có những phụ huynh hiểu và thông cảm công việc của tụi mình thì không sao, bởi bản thân làm cha mẹ họ biết phải trông nom thế nào khi ở cạnh trẻ con, nhưng có những phụ huynh thấy con bị bạn cào xước nhẹ ở tay 1 chút cũng đến ý kiến với cô là trông cháu kiểu gì, quát mắng ầm ĩ.
Lớp đông, trẻ con thì hiếu động, nhanh nhảu lắm, vừa cầm đồ chơi ngồi cạnh nhau thôi là quay ra đã cào nhau rồi, cô giáo không xử lí kịp ấy.
Thử nghĩ xem ở nhà 1 – 2 đứa trẻ con thôi đã ầm ĩ lên rồi, xảy ra đủ thứ chuyện, đằng này ở lớp mấy chục cháu, không phải bọn mình biện minh nhưng đứng lớp chẳng thế bao quát tất cả được.
Các cô đảm bảo không có sự cố nghiêm trọng, nguy hiểm với trẻ, chứ lúc chúng chơi với nhau nghịch ngợm mình không thể quản lý từng bé được.
Cô giáo thì cũng là người bình thường thôi, bọn mình không có năng lực đặc biệt gì cả, nên cũng vất vả như ai khi phải xoay sở trong một lớp học đông đúc.
Các bé mẫu giáo khác với lứa tuổi tiểu học, trung học, ở giai đoạn phát triển đầu đời, vẫn còn như tờ giấy trắng, hồn nhiên vô tư trong sáng lắm, nên mình phải biết yêu thương chúng thật lòng mới có thể trụ vững với công việc.
Suốt thời gian gắn bó với nghề nuôi dạy trẻ mẫu giáo, Vân Anh cũng từng muốn từ bỏ, nhưng rồi lại cố gắng, vì lòng yêu trẻ thơ.
Trẻ sai thì mình phạt công bằng, cho bé đứng góc suy nghĩ lỗi sai, sau đó đi ra xin lỗi bạn. Chúng buồn một tí rồi lại quên luôn, hồn nhiên chơi đùa với nhau, không nhất thiết phải nặng nề với chúng.
Mình thích nhất là những lúc dạy các bé hát, múa, kể chuyện, đưa chúng khám phá môi trường xung quanh, học văn thơ, toán, tô màu, bảng chữ cái…
Các con chăm chú tò mò, đáng yêu lắm, mà ngoan hơn hẳn (cười). Học mà chơi, chơi mà học, ở độ tuổi mầm non thì phải gây được hứng thú cho trẻ thì chúng mới chú ý tiếp thu.
Đã từng có sự cố gì xảy ra khiến chị sợ hãi lo lắng chưa?
Có rồi đấy, may mắn là không sao. Vừa mới cách đây vài tuần. Hôm ấy có 2 bé mới đi, các cô cho ăn trên lớp, ăn xong 2 bé ấy đi vệ sinh không xin phép, nên tụi mình không biết.
Đi vệ sinh xong các cháu lại tự mò mẫm xuống bếp uống nước, nhưng không biết rót, lấy nhầm bình nóng lạnh mà tụi mình dùng để pha sữa cho các em nhỏ hơn, hất tay thế nào 1 trong 2 bé đó bị bỏng, hét ầm lên.
Các cô giật mình chạy xuống bé con ngâm tay nước lạnh luôn, rồi bôi thuốc, nhưng nhìn con đau khóc cũng đau lòng lắm, vừa thương vừa sợ.
Làm nghề này, ưu tiên hàng đầu luôn là sự an toàn của trẻ, cứ phụ huynh tới đón mà trẻ không vấn đề gì là thở phào nhẹ nhõm.
Cô giáo trẻ không bênh vực những người làm trái đạo đức, chị chỉ mong các bậc phụ huynh chia sẻ với cô giáo của con em mình nhiều hơn.
Chị vẫn độc thân thì phải?
À, không hẳn, mình có bạn trai rồi (cười). Lớn tuổi hơn mình, và quan trọng là anh ấy tôn trọng nghề của mình. Lúc nào cũng chê mình trẻ con, nhưng thực ra anh ấy luôn ủng hộ việc mình dành hết tâm huyết để chăm sóc lũ trẻ.
Sau này lập gia đình rồi cũng có con, nuôi dạy con chẳng khác gì làm cô giáo bây giờ, nên mình luôn tự nhủ làm mọi thứ bằng trái tim, cảm xúc thật, coi các bé ở trường như con mình.
Là người trong nghề, hiểu cả tâm lý giáo viên mầm non lẫn các bé và cha mẹ của chúng, chị có muốn gửi gắm điều gì từ trái tim một cô giáo trẻ không?
Mình tự hào vì làm nghề này. Chỉ mong là sẽ không còn một ngày nào trên báo nổi lên những vụ bạo hành trẻ em, sẽ chỉ có những điều tốt đẹp về nghề nuôi dạy trẻ.
Nghề nào cũng vậy thôi, giữa một tập thể có con sâu làm rầu nồi canh, ảnh hưởng đến uy tín của tất cả những người mang danh làm nghề đó, lần nào đọc tin tức ở đâu có vụ bạo hành trẻ mình cũng phẫn nộ lắm chứ, không tin rằng họ có thể làm ra hành vi như thế.
"Nhờ" những người thiếu đạo đức nghề nghiệp ấy mà bọn mình đi đâu để người khác biết làm giáo viên mầm non cũng bị chỉ trỏ xì xào, rồi nghi ngờ này nọ, buồn lắm.
Mình cũng mong là các bậc phụ huynh thấu hiểu và tôn trọng công việc của giáo viên mầm non hơn, không phải cô giáo nào cũng bạo lực hành hạ trẻ, với các cô thì bé nào cũng như con cháu mình, chúng khóc một chút thôi đã xót lắm rồi, nhìn chúng hồn nhiên đáng yêu chẳng ai nỡ làm các bé đau cả.
Cảm ơn chị với những tâm sự rất hay và gần gũi, chúc chị ngày càng yêu nghề và hoàn thành được ước mơ mở lớp lớn hơn, đón nhiều bé hơn!